“Sao cứ khăng khăng giữ lúa vùng nhiễm mặn?"

Huỳnh xây (thực hiện) Thứ tư, ngày 16/03/2016 15:29 PM (GMT+7)
GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp của nước ta đã dành riêng cho phóng viên NTNN cuộc trao đổi, qua đó đưa ra những phân tích, mổ xẻ cũng như đề xuất giải pháp để giúp người dân miền Tây từng bước thích nghi với hạn, mặn.
Bình luận 0

Nhiều ý kiến cho rằng, hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là do hệ lụy từ phía thượng nguồn xây đập thủy điện tích trữ nước. Theo GS, đó có phải là nguyên nhân chính hay không?

- Có thể khẳng định nguyên nhân chính gây ra hạn, mặn ở ĐBSCL là do hiện tượng El Nino, phía thượng nguồn tích nước chỉ là một tác nhân phụ. Cụ thể, Trung Quốc xây đập nhưng ở quốc gia đó cũng bị khô hạn, thiếu nước giống như ĐBSCL. Còn ở Thái Lan, khô hạn còn nặng hơn nữa, đã có 12 tỉnh bị hạn hán bao trùm.

img

Nhiều diện tích lúa ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre bị thiệt hại do hạn, mặn.   Ảnh: HUỲNH XÂY

Xin nói thêm, hiện tượng El Nino cũng do chính con người tạo ra. Con người bón phân hoá học trồng lúa quá nhiều, cây không hấp thu hết nên bốc hơi lên không trung. Ngoài ra, khói xe cộ, nhà máy, đốt đồng, chất thải chăn nuôi... cũng làm cho bầu khí quyển nóng lên thêm. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, con người còn sử dụng quá nhiều nước ngọt trong mùa nắng do mở rộng vùng trồng trọt, nhất là trồng lúa.

Nhiều địa phương xin T.Ư hỗ trợ hàng nghìn tỷ đồng đầu tư thêm hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt. Thưa GS, giải pháp này liệu có khả thi?

- El Nino sẽ ngày càng khốc liệt hơn trong những năm tới đây, lưu lượng dòng chảy sông Cửu Long trong mùa nắng sẽ ngày càng giảm, không thể đủ nước ngọt đưa xuống ĐBSCL. Vì vậy, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn tiếp tục và nước ngọt cũng ngày càng thiếu. Nếu chúng ta tiếp tục đầu tư hệ thống cống ngăn mặn tốn kém hàng chục nghìn tỷ đồng ở các địa phương ven biển như nhiều năm qua thì nước ngọt cũng không bao giờ đủ cho cây lúa. 

Trái lại sự ngăn mặn đã ngăn luôn cơ hội cho các nông dân nuôi tôm (ao tôm thiếu nước mặn, nắng nóng kéo dài làm độ mặn tăng cao khiến tôm chết nhanh hơn). Với kinh nghiệm 40 năm qua, tôi thấy các dự án ngăn mặn giữ ngọt cho ĐBSCL là lãng phí, không đem về lợi ích kinh tế cho đất nước.

Chúng ta có Quyết định 899 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu lực từ năm 2013, vậy tại sao cứ khăng khăng giữ diện tích lúa không hiệu quả đối với đất bị nhiễm mặn. Tạo sao chúng ta lại bỏ nguồn vốn lớn đầu tư thêm hệ thống ngăn mặn ở những địa phương vốn đã bị nhiễm mặn và khó có thể trồng lúa? Không hợp lý! Nguồn vốn chỉ nên đầu tư bảo vệ ở những địa phương có đất phù sa, lúa phát triển tốt.

Hàng trăm ngàn ha lúa bị thiệt hại nặng nề do hạn mặn, gây thiệt hại vô cùng to lớn cho bà con nông dân. Vậy thưa GS, có giải pháp nào hiệu quả để làm giảm tổn thất thiệt hại?  

- ĐBSCL bị thiệt hại lớn là ở diện tích lúa tại các địa phương ven biển. Thiệt hại này đáng lẽ ra chúng ta tránh được nếu ngành chức năng không khuyến khích dân trồng lúa để có sản lượng lớn phục vụ xuất khẩu. Theo tôi, chúng ta đừng cố sản xuất lúa, đừng ham tiếng là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2, thứ 3 trên thế giới để rồi không còn gì khác. Người dân thực chất vẫn còn nghèo vì lúa bán luôn rẻ, thu lợi không bằng ngành nghề khác trong nước. Bằng chứng là khi thu hoạch lúa xong, người dân cố bán lúa nhanh để trả nợ cho các đại lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Chúng ta không thể cứ xuất khẩu sang các nước, để dân nước bạn hưởng lợi, ăn gạo với giá rẻ để rồi họ tập trung sản xuất những cây trồng có giá trị hơn, giàu hơn dân ta.

Lúa chúng ta đã có quá nhiều rồi, giá trị của nó cũng không còn cao. Thêm vào đó, vấn đề an ninh lương thực không còn là mục tiêu số 1 đối với nước ta nữa, mục tiêu của chúng ta hiện nay là làm cho dân giàu. Vì vậy, diện tích lúa của vùng không nên giữ làm gì, nhất là ở khu vực ven biển. Cơ quan chức năng không nên chỉ biết khuyến khích dân ta trồng lúa một cách rất tốn kém tiền ngân sách và tốn lượng nước ngọt đang ngày càng quý hiếm.

Đó là về sản xuất lúa. Còn để nhà nông nói chung có thể thích nghi “sống chung” với hạn hán, xâm nhập mặn, chúng ta cần có những định hướng, giải pháp như thế nào?

- Chúng ta chỉ nên trồng lúa tại các vùng đất phù sa ven sông, kênh trong nội đồng bảo đảm có nước ngọt quanh năm. Cũng có thể cho sản xuất 3 vụ/năm. Đối với vùng đất giồng cát ven biển thì nhà nước có thể tổ chức cho nông dân trồng màu (củ hành, tỏi, sắn...) hoặc cây ăn trái (xoài, nhãn, vú sữa, chuối...) liên kết với các doanh nghiệp chế biến bảo quản các sản phẩm này đưa ra thị trường trong nước hoặc xuất khẩu.

Còn những nơi thường bị nhiễm mặn, giáp biển thì có thể nuôi tôm. Tuy nhiên, việc nuôi tôm ở đây phải có nhà nước can thiệp quy hoạch xây dựng hệ thống mương thủy lợi lấy nước ra vào hợp lý, tránh ao này xả nước thải ra, ao khác lại hứng nước thải đó vào nuôi tôm gây ra dịch bệnh như hiện nay.

Xin cảm ơn GS!

Đáng lẽ nông dân các vùng ven biển đã được sung sướng hơn nếu cơ quan chức năng chủ động, hướng dẫn canh tác, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hợp lý. Hạn hán, xâm nhập mặn sẽ còn tiếp cho nên thay vì chống lại thì chúng ta nên sống chung với nó, xem nó là bạn và tính toán trồng cây gì để hưởng được cái mặn này”.

GS- TS Võ Tòng Xuân

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem