Sát Tết Tân Sửu phát hiện 2 ca Covid-19, nâng mức phòng chống dịch

Diệu Linh Thứ năm, ngày 28/01/2021 08:38 AM (GMT+7)
Ngày 28/1 (16 tháng Chạp), sát Tết Tân Sửu, Bộ Y tế công bố phát hiện 2 ca lây nhiễm Covid-19 tại cộng đồng. Cũng tầm này năm ngoái (ngày 23/1 dương lịch, 29 Tết Canh Tý), 2 ca Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam đã được công bố.
Bình luận 0

29 Tết Canh Tý phát hiện 2 ca Covid-19 đầu tiên

Ngày 23/1/2020 (29 Tết Canh Tý), Việt Nam phát hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên là hai cha con người Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi xuất phát các ca bệnh đầu tiên trên thế giới. Hai bệnh nhân này được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM). 

Trước đó, người cha (65 tuổi, sống ở quận Wuchang thuộc TP Vũ Hán, Trung Quốc) đã bay từ Vũ Hán (nơi đầu tiên phát hiện ca Covid-19 từ cuối tháng 12/2019) đến Hà Nội, sau đó bay vào Nha Trang gặp con. Vài ngày sau, ông bố phát sốt, rồi đến con phát sốt. Khi đến khám tại Bệnh viện huyện Bình Chánh (TPHCM) và được tư vấn đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Xét nghiệm cho thấy 2 cha con đã mắc Covid-19.

Sát Tết Tân Sửu phát hiện 2 ca Covid-19, nâng mức phòng chống dịch - Ảnh 1.

Bệnh viện Chợ Rẫy khám và tư vấn cho 1 trong 2 bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 tại Việt Nam

Cùng ngày 29 Tết Canh Tý, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19).

Suốt Tết Canh Tý, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 đã liên tục họp khẩn, bàn các quyết sách phòng chống dịch, bảo vệ Tết cho người dân.

Trong suốt 1 năm, Việt Nam đã trải qua 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng vào tháng 3, tháng 7. Tuy nhiên, với chiến lược nhất quán, xuyên suốt, chúng ta đã nhanh chóng dập tắt các ổ dịch, ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng.

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã nhận định: Trong công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, rất nhiều quyết định "thần tốc", kế hoạch "thần tốc", hành động "thần tốc" đã được gấp rút đưa ra để phù hợp với diễn biến thay đổi chóng mặt của dịch.

Đồng thời, chúng ta có một chiến lược xuyên suốt, nhất quán và đã làm nên thành công trong chống dịch:

"Thời gian qua chúng ta đã "kìm chân" được Covid-19 chính là nhờ 5 chiến lược lớn xuyên suốt, nhất quán để phòng chống dịch Covid-19 và đã được chứng minh qua thực tiễn là phù hợp và hiệu quả. Đó là: "ngăn chặn - phát hiện - cách ly -  khoanh vùng dập dịch - điều trị hiệu quả", ông Dương cho biết.

PGS.TS Trần Như Dương là người người đã trực tiếp đi vào các điểm nóng của dịch tại các vùng bị cách ly, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chống dịch với người dân.

Sát Tết Tân Sửu, nâng một mức chống dịch Covid-19

Như vậy, tính theo Âm lịch, gần tròn 1 năm chúng ta phát hiện ca Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam. Sáng 28/1 (16 Tháng Chạp), chỉ còn hơn 10 ngày nữa chúng ta đón Tết Tân Sửu, sau hơn 60 ngày không phát hiện ca Covid-19 tại cộng đồng, Việt Nam lại phát hiện 2 ca.

Sát Tết Tân Sửu phát hiện 2 ca Covid-19, nâng mức phòng chống dịch - Ảnh 2.

Lịch trình di chuyển của 2 bệnh nhân Covid-19 tại Quảng Ninh và Hải Dương vừa được công bố sáng nay 28/1

Đó là ca bệnh 1552 (BN 1552): nữ, 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam, nghề nghiệp: công nhân công ty TNHH POYUN, có địa chỉ thường trú tại Kim Điền, xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân có giao tiếp gần với bệnh nhân nữ được phát hiện dương tính sau khi nhập cảnh Osaka (Nhật Bản).

Ca bệnh 1553 (BN 1553): nam, 31 tuổi, quốc tịch Việt Nam, nghề nghiệp: nhân viên Cảng hàng không Vân Đồn, có địa chỉ thường trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.Do có biểu hiện sốt, ho khan, đau họng, bệnh nhân đã tự đến bệnh viện khám.

Sát Tết Tân Sửu phát hiện 2 ca Covid-19, nâng mức phòng chống dịch - Ảnh 3.

Văn bản chi đạo của Bộ Y tế điều động các chuyên gia xét nghiệm của các đơn vị đầu ngành của Bộ Y tế về Hải Dương hỗ trợ công tác xét nghiệm

Nhận được tin về 2 ca bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã tổ chức cuộc họp khẩn với Thường trực Ban chỉ đạo tại Bộ Y tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo: "Do thời điểm cận kề với Tết Nguyên đán, nên việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch phải cao hơn một cấp. Hải Dương phải tự đặt trong tình trạng như Đà Nẵng trước đây, Bộ Y tế sẽ chi viện tối đa, tuy nhiên Hải Dương phải tập trung cao độ, làm sao để trong 10 ngày phải khoanh vùng triệt để".

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, do ca bệnh ở Hải Dương có liên quan tới ca bị nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới theo thông tin của phía Nhật Bản, nên cần đặc biệt cẩn trọng, đảm bảo an toàn tối đa cho lực lượng phòng, chống dịch.

Sát Tết Tân Sửu phát hiện 2 ca Covid-19, nâng mức phòng chống dịch - Ảnh 4.

Kiểm tra thân nhiệt cho người qua lại tại cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) ngày 20/1

Bộ Y tế tiếp tục điều động PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, – người đã có kinh nghiệm chống dịch tại các điểm nóng trong năm qua như Sơn Lôi, Bình Thuận, Đà Nẵng..., dẫn đầu đoàn công tác đến Hải Dương để, điều hành công tác giám sát, truy vết, khoanh vùng. 

Đoàn sẽ cắm chốt tại Hải Dương và phối hợp với tỉnh thực hiện ngay các biện pháp tổng thể chống dịch theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về “thần tốc chống dịch”. 

Tính đến sáng ngày 28/1, sau hơn 1 năm phát hiện ca Covid-19 đầu tiên (31/12/2019) tại Vũ Hán (Trung Quốc), hiện dịch đã lan ra 221 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 101 triệu ca mắc, 2,18 triệu ca tử vong. Việt Nam xếp thứ 174/221 quốc gia với 1553 ca Covid-19, 35 ca tử vong.

Hiện dịch đang bùng phát dữ dội tại các nước Châu Mỹ, châu Âu với gần 600.000 ca Covid-19 mắc mới mỗi ngày. Nhiều nước châu Á như Indonexia, Phillipines, Nhật Bản, Malaisia số ca mắc cũng gia tăng không ngừng.

.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem