Sau 1 nghị quyết, làng quê nào cũng xuất hiện nhiều tỷ phú, nhà cửa khang trang, đường, trường sạch đẹp

Thu Hà Thứ bảy, ngày 07/05/2022 18:09 PM (GMT+7)
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các ủy viên Trung ương Đảng dành thời gian thảo luận về Đề án tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trên thực tế, sau 15 năm, Nghị quyết 26 đã tạo ra những đổi thay về chất cho tam nông.
Bình luận 0

 Hình thành những nông dân mới, năng động

Trong tâm thức của nhiều người dân sinh ra ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, cái thời đồng đất cằn cỗi, làm lụng vất vả quanh năm mà vẫn nghèo khó trôi dần về ký ức.

 Giờ đây, hiển hiện trước mắt họ là những bờ ao vuông vức được kè kiên cố nuôi tôm, nuôi cá ứng dụng công nghệ cao, những vườn cây xanh mát, nhà nuôi chim yến cao vút vươn lên giữa cánh đồng…

15 năm thực hiện Nghị quyết 26: "Làn gió mới" hình thành nên những nông dân mới - Ảnh 1.

Mô hình nuôi tôm trên bể xi măng của tỷ phú nông dân Nguyễn Văn Cường ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Thu Hà

Anh Vũ Văn Bách - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Đông phấn khởi nói: Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều hộ nông dân trong xã đã hưởng ứng bằng cách chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi thả cá, trồng cây ăn quả và trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, xã Hải Đông có nhiều tỷ phú nông dân nhiều nhất nhì ở huyện Hải Hậu.

Điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn Luật đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang làm trang trại tổng hợp nuôi lợn, gà, cá, cho thu nhập bình quân mỗi năm hàng tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, nhờ trang trại chăn nuôi tổng hợp, anh Luật ở xóm Tây Cát xây được nhà lầu, sắm được xe hơi đắt tiền, cuộc sống đủ đầy. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Luật đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Hay anh Nguyễn Văn Cường cũng được nhiều người biết tiếng là một tỷ phú nông dân trẻ năng động, sáng tạo với mô hình nuôi tôm trên bể xi măng ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay với 80 bể xi măng, 1 năm anh nuôi 3 vụ tôm, mỗi bể cho khoảng 2,1 tạ tôm thịt thương phẩm. 

Tính theo giá thị trường mỗi bể cho anh thu khoảng 15 triệu đồng/năm. Mỗi năm anh Cường có thu nhập tiền tỷ từ mô hình nuôi tôm thẻ trong bể xi măng.

Hay mô hình mới - xây nhà 3 tầng nuôi chim yến của tỷ phú nông dân trẻ Đinh Văn Thuận (SN 1984) cũng là điển hình ở địa phương.

Phát huy vai trò của Hội Nông dân trong thực hiện Nghị quyết tam nông

Xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du) là một trong những điểm sáng trong sản xuất rau an toàn ở Bắc Ninh với sự phát triển mạnh mẽ của HTX nông sản an toàn Liên Ấp. HTX đang canh tác trên tổng diện tích hơn 20ha, gắn kết được hơn 100 hộ cùng sản xuất các loại rau cải, dưa chuột Nhật Bản, cà chua, hành, tỏi… theo quy trình an toàn.

15 năm thực hiện Nghị quyết 26: "Làn gió mới" hình thành nên những nông dân mới - Ảnh 2.

Mô hình trồng rau, củ, quả sạch của HTX nông sản an toàn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (Tiên Du, Bắc Ninh). Ảnh: Thu Hà.

Ông Nguyễn Văn Hiệp - Giám đốc HTX nông sản an toàn Liên Ấp cho biết: Trước khi có HTX, người dân thôn Liên Ấp canh tác ruộng lúa là chủ yếu, sản lượng, năng suất không cao, dần dần người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại rau, củ, quả.

HTX nông sản an toàn Liên Ấp khởi đầu từ mô hình tổ hợp tác trồng rau do Hội Nông dân xã hướng dẫn thành lập. Từ hiệu quả ban đầu tổ hợp tác, năm 2018, HTX nông sản an toàn Liên Ấp được thành lập.

Hiện nay, bình quân mỗi ngày, HTX nông sản an toàn Liên Ấp sản xuất và cung ứng ra thị trường gần 8 tạ nông sản an toàn. Trong đó, hơn 70% nông sản được Ban Giám đốc ký kết cung ứng cho các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, các siêu thị, cửa hàng bán sản phẩm nông nghiệp an toàn trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận theo chuỗi giá trị với giá thành ổn định; gần 30% bán ra thị trường tự do.

Trong các năm 2020 -2021, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, HTX nông sản an toàn Liên Ấp vẫn tiêu thụ thuận lợi. Tổng doanh thu của HTX đạt 7 - 8 tỷ đồng/năm. Một số thành viên trồng 8 sào - 1,2 mẫu có nguồn thu nhập ổn định 250 - 400 triệu đồng/năm.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là Nghị quyết đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó khẳng định, nông dân là chủ thể, xây dựng nông thôn mới (NTM) là căn bản, phát triển toàn diện nông nghiệp là then chốt. 

Nhiều năm qua, cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, các cấp Hội Nông dân trong cả nước nỗ lực triển khai có hiệu quả, đưa Nghị quyết 26 nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh cho biết: "Xác định Nghị quyết số 26 là Nghị quyết lớn của Đảng đề cập toàn diện đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với vai trò là tổ chức đại diện cho giai cấp nông dân, Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh chủ động tham mưu với tỉnh tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho Hội Nông dân trong việc thực hiện một số chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của nông dân.

15 năm thực hiện Nghị quyết 26: "Làn gió mới" hình thành nên những nông dân mới - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Xuân Định (thứ 2 từ bên phải vào) cùng đoàn công tác đi thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Ảnh: Minh Ngọc

Theo đó, Hội Nông dân hướng dẫn, hỗ trợ phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; chủ động xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trong từng năm với những nội dung, chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo Hội Nông dân các cấp xây dựng các văn bản, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết tới đông đảo cán bộ, hội viên".

Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có gần 80.000 hộ hội viên ND đạt danh hiệu "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi". Trong đó, nhiều hội viên NDSXKD giỏi có mô hình kinh tế cho hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho bà con.

Từ phong trào đã khuyến khích ND mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong SXKD. Đồng thời, tạo ra những liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn.

Với vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng NTM, Hội đã tuyên truyền, vận động nông dân tích cực tham gia phong trào "Nông dân Bắc Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới" đã huy động sự tham gia nhiệt tình của hội viên, nông dân, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng NTM của tỉnh.

Đặc biệt từ năm 2016, Hội Nông dân tỉnh tổ chức ký kết giao ước thi đua tham gia xây dựng NTM. Mỗi năm triển khai từ 30-40 nội dung, việc làm cụ thể trong xây dựng NTM.

Theo đó, Hội phát động ủng hộ kinh phí trao tặng 16 ngôi nhà Nghĩa tình nông dân, 109 con bò sinh sản cho hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Chú trọng phát động các phong trào tham gia bảo vệ môi trường như xây dựng mô hình "Cánh đồng không vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật" tại 100% các chi hội; duy trì hoạt động 495 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường; huy động hội viên tham gia thu gom hơn 137.000 kg vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật rác thải trên đồng ruộng; đảm nhận trồng và chăm sóc "Hàng cây nông dân" với 168.710 cây xanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem