Sau hơn 5 năm, điện thoại Bphone "sống" ra sao ở thị trường Việt?

PV Thứ hai, ngày 30/11/2020 06:15 AM (GMT+7)
Ra mắt được hơn 5 năm, hơn 8 phiên bản điện thoại Bphone khác nhau trình làng, nhưng sản phẩm của Bkav vẫn đang gặp khó ở chính sân nhà.
Bình luận 0

Điện thoại Bphone từng "chào sân" thế nào?

Năm 2015, Bkav đã chính thức ra mắt Bphone trong đỉnh điểm tò mò, trong rầm rộ tiếng khen, lời chê của dư luận. Lúc ấy, nhiều người nói, Bkav đã "chơi" một canh bạc lớn và rất có thể, tập đoàn công nghệ này sẽ sớm dừng chân trong cuộc đua sản xuất smartphone.

Sau hơn 5 năm, điện thoại Bphone "sống" ra sao ở thị trường Việt? - Ảnh 1.

CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng năm 2015.

Hè năm 2015, chiếc Bphone "không thể tin được" được ra mắt người Việt. Điện thoại Bphone 1 sở hữu cấu hình màn hình 5 inch Full HD, chip Qualcomm Snapdragon 801, sở hữu RAM 3GB, 3 tùy chọn bộ nhớ 16/64/128GB RAM, pin 3000mAh, hỗ trợ sạc nhanh, chạy BOS phát triển dựa trên nền Android 5.0. Bên cạnh 2 tùy chọn màu sắc đen trắng, Bphone đời đầu còn có thêm phiên bản mạ vàng 24K.


Giá bản 16GB là 10.9 triệu, giá bán 64GB là 13.9 triệu và bản Limited Edition mạ vàng 24K 128GB là 22.2 triệu. Kèm slogan không chính thức "không thể tin nổi" và cái tên Nguyễn Tử Quảng là một điểm nhấn được lặp đi lặp lại nhiều trong lần ra mắt này.

Lần đầu, chưa có kinh nghiệm nên BKAV dính hàng loạt các tin xấu như sự cố giao hàng chậm, các thông tin về camera như "chụp hình trước, lấy nét sau", BOS hay phần cứng. Cho đến cuối tháng 6/2015, chiếc điện thoại cũng đến tay khách hàng đầu tiên.

Sau khi đến tay người dùng, Bphone 1 chịu hàng loạt các thông tin xấu về chất lượng màn hình (ám xanh, ám vàng). Bị lỗi nhiệt, hệ điều hành...Hay lùm xùm về công nghệ chụp ảnh trước lấy nét sau không có thật. Có thể xem như sản phẩm đầu tay chưa thật sự thành công như mong đợi.

Với việc trực tiếp "đối đầu" với iPhone 6 - chiếc smartphone được đánh giá là số 1 lúc bấy giờ, Bphone xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông, là đề tài bàn tán của nhiều người trong suốt một thời gian dài.

Theo thống kê của Bkav, 12.000 máy được "đặt gạch" trong ngày mở bán đầu tiên. Tuy nhiên, "chậm giao hàng, nguồn gốc sản phẩm, không được phân phối chính thức tại các cửa hàng để giúp người dùng trải nghiệm"...

Hành trình sóng gió của điện thoại Bphone

Tháng 8/2017, cũng tại địa điểm cũ, Bphone 2 chính thức ra mắt. Rút kinh nghiệm, lần này Bkav đã cùng một hãng phân phối lớn bắt tay nhau để phân phối chính thức chiếc Bphone thế hệ thứ 2 này. Không biết doanh số thế nào, nhưng chỉ sau 9 tháng lên kệ, trang web bán hàng của đơn vị này đã đăng dòng thông tin dừng kinh doanh sản phẩm.


Bphone 3 ra mắt vào tháng 10/2018 được cho là "chiếc smartphone Android đầu tiên trên thế giới có thiết kế tràn đáy". Giá thành cao, không có nhiều phiên bản, kênh phân phối ít, nguồn gốc không rõ ràng... tất cả đã khiến Bphone tuy mang danh là "made in Vietnam" nhưng hầu hết nhiều người Việt Nam vẫn chưa được một lần "nhìn tận mắt, sờ tận tay" sản phẩm này.

Đến tháng 5 năm nay, giữa đại dịch Covid-19, bộ 4 chiếc Bphone 86s, Bphone 86, Bphone 60, Bphone 40 được BKAV giới thiệu với thông điệp trải nghiệm không giới hạn.

Sau hơn 5 năm, điện thoại Bphone "sống" ra sao ở thị trường Việt? - Ảnh 2.

Điện thoại Bphone mờ nhạt ở thị trường Việt.

Trong đó, chiếc điện thoại Bphone 86 gây chú ý. Bphone B86 là chiếc máy mang đậm thiết kế mà người ta chỉ cần nhìn phát là ra Bphone luôn, với thiết kế cằm mỏng, trán dày, mặt lưng kính và logo chữ B đặc trưng.

Bphone B86 đầu tư R&D chủ yếu vào camera, eSim và khả năng chống nước. Chạy theo nhiếp ảnh thuật toán không phải là thứ gì đó quá mới, nhưng với một OEM non trẻ như Bphone thì đây có thể nói là một hướng đi thiết thực hơn, so với việc chèn cảm biến to đùng vào máy như các OEM Trung Quốc đang làm.

eSim với khả năng sử dụng tới 16 số khác nhau cũng khá hay và đa dụng. Khả năng chống nước vượt trên chuẩn IP68 là thứ mà hiếm smartphone mới nào có ở mức giá dưới 10 triệu có được, vì đây là tính năng yêu cầu độ hoàn thiện cao và thường chỉ có trên các flagship thôi.

Khả năng bảo mật: BKAV khá tự tin về khả năng bảo mật smartphone của mình. Cũng phải thôi, vì tập đoàn BKAV chuyên về bảo mật máy tính.

Con chip mà Bphone B86 sử dụng là Snapdragon 675. Nhưng theo phân tích của một chuyên gia công nghệ, Bphone B86 dùng con chip Snapdrahon 675 của năm 2018, và ở mức giá 10 triệu thì chúng ta có thể đòi hỏi cao hơn.

Kể cả không chơi game hay không quan trọng sức mạnh của SOC, thì việc chạy theo nhiếp ảnh điện toán cũng sẽ khiến Bphone cần sức mạnh của con chip AI, chưa kể những công nghệ khác. Hoàn toàn không có lí do nào hợp lí để bao biện việc B86 dùng chip cũ cả.

Tính năng chụp của camera mới cũng vậy. BKAV nói rằng Bphone B86 chụp đẹp hơn DSLR, 2 camera Bphone bằng 5 camera hãng khác, song lại chỉ mới trình diễn khả năng chụp đóng băng khoảnh khắc mà không cần chỉnh tay, với cơ chế hoặt động là bắt chuyển động và chụp ảnh liên tục, là chưa đủ thuyết phục.

Điện thoại Bphone "sống" khó khăn ở thị trường Việt

CEO Nguyễn Tử Quảng từng nói, BKAV muốn và nỗ lực đem tới cho người Việt Nam chiếc điện thoại có mọi thứ tốt nhất với mức giá hợp lý nhất. Thế nhưng Bphone bán được rất ít.

Bphone năm nay ra mắt tới 4 model máy vào phân khúc giá 5 – 10 triệu, có thể thấy họ đang muốn nới rộng đối tượng chọn mua Bphone để có thể lấy thị phần.

Sau hơn 5 năm, điện thoại Bphone "sống" ra sao ở thị trường Việt? - Ảnh 3.

Khai trương một Bstore mới (Ảnh: internet)

Họ đang rất nghiêm túc trong việc muốn đưa Bphone trở thành thương hiệu smartphone của người Việt và dành cho người Việt. Nhưng thị trường Việt cũng cực kì kén chọn.

BKAV hay bất kì một hãng smartphone nào khác ở Việt Nam, nếu muốn thâu tóm thị trường (trong thời điểm hiện tại) thì chỉ có thể đi theo 1 trong 2 con đường, đó là: Giá cao, có thương hiệu, chú trọng R&D như Samsung, Oppo và Apple, hoặc thông số khủng với mức giá thấp như Xiaomi, Realme, Redmi.

BKAV đang đi sai đường thời gian qua, khi mà họ lựa chọn con đường ở giữa: Không cao cấp hẳn, không có thương hiệu, không rẻ, không thông số khủng. Họ tạo ra những chiếc máy mà những ai ít tiền thì không thể mua, còn những ai dư tiền thì lại chọn máy cao cấp hẳn.

Lại nói về hãng điện thoại Việt khác - Vsmart được ưa chuộng hơn do họ đi đúng hướng, và làm khá tốt những gì cần phải làm.

Đó là lí do chỉ trong một thời gian ngắn, Vsmart đã chiếm được rất nhiều thị phần trong nước, còn Bphone càng ngày càng "chìm".

Bphone B86 ra đời cũng gây chú ý nhưng chỉ dừng lại ở sự tò mò nhất thời của dư luận. Sự điều chỉnh về giá của Bphone đã có nhưng chưa phải chính sách thu hút người dùng, ngược lại với cách mà Vsmart giảm giá Vsmart Live vậy.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem