Sau làn sóng dịch kinh hoàng do biến chủng delta, Ấn Độ giờ ra sao?

24/07/2021 12:10 GMT+7
Từ đầu mùa dịch, Ấn Độ ghi nhận ít nhất 31,2 triệu ca nhiễm Covid-19 và gần 419.000 trường hợp tử vong, trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

Biến thể virus delta lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái. Chính biến chủng này là nguyên nhân dẫn đến làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai thảm khốc tại quốc gia Nam Á này vào tháng 4 - tháng 5 vừa qua. Chưa dừng lại ở đó, biến chủng delta đã lây lan ra nhiều quốc gia trên thế giới, thúc đẩy làn sóng dịch bệnh tiếp theo ở Đông Nam Á, châu Âu và đa số ca nhiễm tại Mỹ.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, Tiến sĩ Rochelle Walensky cho hay biến thể delta hiện chiếm tới 83% trong tổng số các ca nhiễm mới Covid-19 tại Mỹ gần đây, tăng đáng kể so với mức 50% một tuần trước đó.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã cảnh báo rằng biến thể delta dự kiến sẽ nhanh chóng vượt qua các biến thể nguy hiểm khác để trở thành chủng virus gây dịch Covid-19 phổ biến nhất hành tinh trong những tháng tới. 

Trong báo cáo mới đây nhất công bố hôm 21/7, WHO chỉ ra rằng tỷ lệ các ca nhiễm Covid-19 biến thể delta trong tổng số các mẫu xét nghiệm dương tính 4 tuần qua đã vượt quá 75% tại hàng loạt quốc gia trên thế giới bao gồm Úc, Bangladesh, Botswana, Trung Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Bồ Đào Nha, Nga, Singapore, Nam Phi và Vương quốc Anh.

Sau làn sóng dịch kinh hoàng do biến chủng delta, Ấn Độ giờ ra sao? - Ảnh 1.

Bản đồ phân bổ 4 biến chủng virus gây dịch Covid-19 nguy hiểm nhất trên toàn cầu, trong đó biến chủng delta (màu tím) đang chiếm ưu thế và có khả năng vượt qua cả biến chủng alpha (Ảnh: CNBC)

Tại Ấn Độ, nơi biến thể delta lần đầu xuất hiện, mặc dù đỉnh dịch đã đi qua nhưng tình hình đại dịch vẫn còn nhiều bất ổn. Ở thời điểm đinh dịch hôm 7/5, Ấn Độ báo cáo hơn 414.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Số ca nhiễm mới đã giảm mạnh cho đến nay. Tính trong ngày 22/7, Ấn Độ báo cáo 41.383 ca nhiễm mới Covid-19 và 507 ca tử vong, theo thống kê chính thức từ Bộ Y tế Ấn Độ. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins và Our World in Data, số ca nhiễm mới bình quân tại quốc gia này trong 7 ngày gần nhất là 38.538 ca mỗi ngày, giảm gần 3% so với mức bình quân một tuần trước đó. Từ đầu mùa dịch, Ấn Độ ghi nhận ít nhất 31,2 triệu ca nhiễm Covid-19 và gần 419.000 trường hợp tử vong, trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.

Hậu quả thảm khốc chủ yếu đến từ làn sóng dịch thứ hai với sự tàn phá nặng nề của biến chủng delta. Chính quyền Thủ tướng Narendra Modi đã buộc phải áp đặt trở lại các lệnh phong tỏa quốc gia, hạn chế di chuyển nghiêm ngặt; cho dù động thái này phải trả giá bằng áp lực kinh tế quá lớn. 

Trong nỗ lực kiểm soát cuộc khủng hoảng đại dịch, Ấn Độ đã tạm ngừng xuất khẩu vắc xin để tập trung cho chiến dịch tiêm chủng trong nước. Cho đến nay, dữ liệu từ Our World in Data cho thấy đã có khoảng 87,5 triệu người Ấn Độ được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi tiêm và 330,2 triệu người được tiêm ít nhất một liều. Con số này tuy lớn nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân 13% dân số được tiêm chủng trên toàn cầu. Thủ tướng Modi hôm 20/7 bày tỏ mối quan ngại rằng một lượng đáng kể nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch hiện vẫn chưa được tiêm chủng dù rằng chương trình tiêm chủng đã bắt đầu hơn 6 tháng nay.

Các chuyên gia y tế nhận định các biện pháp phong tỏa xã hội, hạn chế di chuyển và chiến dịch tiêm chủng nhìn chung đã giúp Ấn Độ giảm số ca nhiễm mới Covid-19 trong làn sóng dịch bệnh thứ hai vừa qua. Ngoài ra, tỷ lệ lây lan mạnh mẽ của biến chủng virus delta trong đợt dịch qua cũng giúp tăng tỷ lệ người dân có kháng thể chống lại virus trên tổng dân số. 

Cuộc khảo sát huyết thanh toàn quốc mà chính phủ Ấn Độ công bố hồi đầu tuần này cho thấy ước tính khoảng 2/3 dân số Ấn Độ hiện có kháng thể chống Covid-19, dù rằng 1/3 còn lại, tương đương khoảng 400 triệu người vẫn chưa có kháng thể.

New Delhi hiện đặt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ 2 mũi cho 100% dân số trưởng thành, ước tính khoảng 940 triệu người. Đây chắc chắn là nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng tại Ấn Độ vẫn ở mức thấp như hiện tại.

Chandrakant Lahariy, một chuyên gia vắc xin tại New Delhi nhận định tỷ lệ tiêm chủng thấp và biến chủng virus delta dễ lây nhiễm vẫn là mối đe dọa lớn với Ấn Độ. “Với 400 triệu dân vẫn chưa sản sinh được kháng thể, việc mất cảnh giác lúc này sẽ tạo nguy cơ thổi bùng làn sóng dịch tiếp theo. Ấn Độ cần chuẩn bị cho bất kỳ làn sóng dịch nào sau đó. Những gì đang diễn ra ở Indonesia hay một số quốc gia khác là hồi chuông cảnh báo rằng không quốc gia nào nên buông lỏng cảnh giác vào lúc này”.


NTTD
Cùng chuyên mục