Sấy lạnh là sấy như thế nào mà rau, củ, quả Đắk Nông "chạy" qua máy là giá trị tăng hẳn lên?

Thứ năm, ngày 03/11/2022 13:54 PM (GMT+7)
Để nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản, nhiều doanh nghiệp ở Đắk Nông đang tích cực áp dụng khoa học, công nghệ vào trong quá trình sản xuất, chế biến. Trong đó, sử dụng công nghệ sấy lạnh (sấy thăng hoa) là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Bình luận 0

Năm 2020, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp công nghệ cao Nấm vàng và hoa (Gia Nghĩa) được ngành chức năng hỗ trợ 1 máy sấy lạnh để chế biến sản phẩm đông trùng hạ thảo.

Ông Nguyễn Xuân Nhu, đại diện Công ty cho biết, máy được nhập khẩu nguyên bản từ Mỹ, có công suất sấy 4 kg/mẻ. Thời gian của mỗi mẻ sấy vào khoảng 48 tiếng.

Sau khi được hỗ trợ công nghệ này, Công ty đã chuyển hoàn toàn từ sấy nhiệt qua sấy lạnh. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm của Công ty được bảo đảm hơn trước rất nhiều.

Sấy lạnh là sấy như thế nào mà rau, củ, quả Đắk Nông "chạy" qua máy là giá trị tăng hẳn lên? - Ảnh 1.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo bảo đảm chất lượng nhờ công nghệ sấy lạnh

Trong đó, màu sắc của sản phẩm được giữ nguyên, sợi đông trùng hạ thảo không bị co lại. Sản phẩm đưa ra thị trường được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao.

Cũng theo ông Nhu, trong buồng sấy, máy sấy được thiết kế linh hoạt với mọi kích thước của sản phẩm. Các khay sấy được làm bằng inox chống rỉ sét. Vách ngăn sử dụng chất liệu xốp chống cháy, có khả năng cách nhiệt tuyệt đối với môi trường bên ngoài.

Điều này giúp tối ưu khả năng sấy và tiết kiệm điện. Máy có cơ cấu lắp ráp đơn giản, cơ động, phù hợp với những không gian nhỏ hẹp, nên rất thuận tiện cho Công ty.

Tương tự, năm 2019, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Macca sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa), được quỹ khuyến công hỗ trợ 1 máy sấy lạnh để phục vụ quá trình sản xuất hạt mắc ca.

Sấy lạnh là sấy như thế nào mà rau, củ, quả Đắk Nông "chạy" qua máy là giá trị tăng hẳn lên? - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ công nghệ sấy lạnh để chế biến nông sản

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Giám đốc Công ty cho hay, trước đây, Công ty chỉ sử dụng các máy sấy nóng, nên tỷ lệ hạt mắc ca cháy rất nhiều. Màu sắc sản phẩm lại ố vàng, cháy sém, làm mất thẩm mỹ.

Hiện tại, Công ty đã chuyển hoàn toàn sang công nghệ sấy lạnh, với công suất sấy 3 tấn mắc ca/mẻ. Sản phẩm sau sấy được giữ nguyên chất dinh dưỡng, nguyên màu, nguyên vị.

Hiện tại, Công ty đã có 2 máy sấy lạnh, vẫn chưa bảo đảm cho sản lượng hạt mắc ca sấy cung ứng ra thị trường. Máy sấy lạnh có giá cao hơn máy sấy nóng từ 5-6 lần, nên Công ty mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ vay vốn hoặc kinh phí đầu tư từ Nhà nước để trang bị thêm nhiều máy mới.

Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương), nếu như trước đây, hoạt động hỗ trợ chỉ đơn thuần là những máy móc bán tự động thì nay được chuyển qua tự động hoàn toàn, giúp doanh nghiệp tạo ra các dòng sản phẩm tốt cho thị trường.

Trong đó, sấy lạnh là một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong chế biến nông sản sau thu hoạch. Công ngày này giúp nâng cao giá trị các loại nông sản cho doanh nghiệp.

Công nghệ này có quy trình hoạt động làm khô sản phẩm trong buồng sấy nhiệt độ âm sâu để thoát hơi nước. Công nghệ sấy này cũng có thể thực hiện được với hầu hết các loại nông sản, cho thời hạn bảo quản rất lâu.

Hiện đã có khá nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh sử dụng công nghệ này. Trung tâm sẽ tiếp tục chuyển giao, hỗ trợ để các doanh nghiệp đầu tư, áp dụng công nghệ này vào sản xuất.

Từ nguồn quỹ khuyến công của Trung ương, trong năm 2022, toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ðắk Nông được hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào quá trình sản xuất. Ðây là động lực lớn, giúp doanh nghiệp mạnh dạn thay đổi quy trình chế biến để cho ra thị trường nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng.

Lê Dung (Báo Đắk Nông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem