Sẽ có nhiều cán bộ cấp cao được điều động, luân chuyển để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 26

PVCT Thứ sáu, ngày 29/07/2022 13:24 PM (GMT+7)
Theo thống kê của Dân Việt, đến nay cả nước có 39/63 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không phải là người địa phương và theo mục tiêu của Nghị quyết 26, đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII cơ bản bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương.
Bình luận 0

Nhiều Bí thư được điều động sau Đại hội

Trong tuần qua đã diễn ra 2 trường hợp điều động, luân chuyển nhân sự giữ chức Bí thư Tỉnh ủy để thay thế cho 2 Bí thư Tỉnh ủy được điều động về Trung ương công tác.

Theo đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn được điều động về làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 (thay bà Đào Hồng Lan, bà Lan được giao làm Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế);

Sẽ có nhiều cán bộ cấp cao được điều động, luân chuyển để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 26 - Ảnh 1.

Ông Ngô Văn Tuấn (trái) thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình để giữ chức Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách Kiểm toán Nhà nước. Ảnh Quốc hội

Ông Nguyễn Phi Long, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định được điều động làm Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025 (thay ông Ngô Văn Tuấn, ông Tuấn được bổ nhiệm làm Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, phụ trách Kiểm toán Nhà nước).

Như vậy tính đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ổn định nhân sự Bí thư cấp ủy cấp tỉnh. Theo thống kê của Dân Việt, đến nay có 39/63, Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không phải là người địa phương. Trong đó 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bí thư Thành ủy đều là người ở địa phương khác.

Vào tháng 10/2020, khi 63 tỉnh, thành hoàn thành việc tổ chức đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025, có 27 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không là người địa phương, đạt tỷ lệ 41,54%, cao hơn nhiệm kỳ trước 23,08%.

Sẽ có nhiều cán bộ cấp cao được điều động, luân chuyển để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 26 - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Phi Long nhận quyết định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh TTXVN

Tính từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, có 16 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy được điều động, phân công công tác khác, có 14 người về công tác tại các cơ quan Trung ương, 2 người chuyển sang địa phương khác, có 1 Bí thư Tỉnh ủy bị kỷ luật cách chức (ông Trần Văn Nam, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, hiện sắp bị đưa ra xét xử trong vụ án hình sự).

Bí thư không phải người địa phương cơ bản sẽ tốt hơn

Tại Hội nghị trực tuyến Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022 (ngày 14/7/2022), Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 26, đến cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII cơ bản bố trí Bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương.

Vấn đề này tiếp tục được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhắc lại tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (tổ chức ngày 21 và 22/7/2022).

Như vậy, trong thời gian tới sẽ có nhiều cán bộ cấp cao được điều động, luân chuyển để đảm bảo mục tiêu như Nghị quyết 26. Hiện có 24 Bí thư Tỉnh ủy là người địa phương, như Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau...

Tại Hội nghị ngày 14/7/2022, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương có nêu câu hỏi: "Bí thư không phải người địa phương có tốt hơn Bí thư là người địa phương không? Bí thư làm Chủ tịch UBND tốt hơn hay Bí thư làm Chủ tịch HĐND tốt hơn?". Sau đó bà Trương Thị Mai cho biết, bằng thực tiễn những năm công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, có thể khẳng định về cơ bản Bí thư không phải là người địa phương sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, vấn đề này cũng không nên máy móc, đối với một số cán bộ là dân tộc thiểu số, họ là đại diện cho cộng đồng lớn nhất của địa bàn đó thì nên làm Bí thư ở đó. Nếu cán bộ được điều động qua địa bàn khác, không có cộng đồng đó có khi lại không phù hợp.

Bà Trương Thị Mai cũng nêu rõ, Bí thư là người địa phương không phải không tốt mà tùy theo cán bộ. Nhưng thực tiễn cho thấy người từ nơi khác đến cũng có những động lực khác so với người ở địa phương. Người địa phương có thuận lợi hơn là được lớn lên, trưởng thành ở đó, nhưng cũng có thể có những khó khăn, ví dụ như ỷ lại, "sống lâu lên lão làng".

Mục tiêu của Nghị quyết 26 ngày 19/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ:

Đến năm 2025: (1) Tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hoá, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; (2) Cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; (3) Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem