Sẽ giám sát chuyên sâu việc bình bầu hộ nghèo

Thứ sáu, ngày 14/12/2012 10:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bà Hà Thị Liên - Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết như vậy về việc kiểm tra, giám sát và cách làm để giảm sai sót khi bình xét hộ nghèo.
Bình luận 0

Bà đánh giá thế nào về việc bình bầu, rà soát hộ nghèo vừa qua ở Việt Nam?

- Hoạt động này là để Đảng, Nhà nước và các địa phương nắm bắt được tình trạng hộ nghèo và có chính sách giúp hộ nghèo hiệu quả. Hiện, đối với hộ nghèo, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ như cho vay vốn, miễn phí y tế - giáo dục, hỗ trợ xây nhà ở, đất sản xuất, ngày tết được tặng quà… Sự quan tâm này thể hiện tính ưu việt của chế độ, phù hợp với đạo lý của người Việt Nam là tương trợ lẫn nhau, không để ai quá đói rách. Với mục đích nói trên, tôi tin rằng nhiều địa phương làm tốt, hỗ trợ các hộ nghèo phấn đấu vươn lên.

img
 Một hộ nông dân nghèo ở xã Hương Điền (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh).

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều biểu hiện tiêu cực, sai sót mà càng ngày tôi thấy báo chí phản ánh càng nhiều. Đơn cử như bình bầu không đúng hướng dẫn, có nhiều nơi vì bệnh thành tích mà khống chế số hộ nghèo; một số nơi thì nhiều gia đình không muốn ra khỏi diện nghèo, dù đã thoát nghèo. Đợt bình bầu vừa rồi cũng có câu chuyện có nhà 2 tầng, thu nhập cao vẫn thuộc diện nghèo thì tôi nghĩ cần phải phúc tra lại.

Việc bình bầu hộ nghèo do trưởng thôn và ban công tác mặt trận các thôn chủ trì thực hiện, MTTQ có tiến hành kiểm tra, giám sát không, thưa bà?

- Chúng tôi chưa thực hiện giám sát chuyên đề này trên quy mô lớn, nhưng ở địa phương, MTTQ có tham gia công tác bình bầu gắn với Ngày Vì người nghèo nên chúng tôi đều có hướng dẫn để thực hiện và giám sát. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, vai trò của MTTQ chưa được thể hiện rõ nét. Hơn nữa, cán bộ MTTQ ở các cấp thường tập trung vào việc vận động Quỹ Vì người nghèo, lo cứu trợ, lo xây nhà và an sinh xã hội nên cũng chưa chú ý được nhiều tới vấn đề này.

Trước tình hình bình bầu sai xuất hiện ngày càng nhiều, không còn là hiện tượng nhỏ lẻ nữa, sắp tới chúng tôi sẽ có hướng dẫn để MTTQ các cấp thực hiện việc giám sát chuyên sâu về việc bình bầu.

Thực tế, Thông tư 21 hướng dẫn bình bầu rất chi tiết, nhưng ở nông thôn vấn đề gia đình, dòng họ còn nặng nề nên việc bình chọn nhiều khi còn cảm tính, cả nể… dẫn tới sai sót. Nhiều trưởng thôn còn bị đánh vì không bầu người nhà. Theo bà, khi bình chọn sai thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?

- Về việc bình chọn, theo phân công, ngành LĐTBXH chủ trì hoạt động này, nhưng việc bình chọn lại thực hiện ở cơ sở cấp thôn, bản và UBND cấp xã chịu trách nhiệm. Như vậy, trách nhiệm của chính quyền các cấp là phải có, làm sai nhiều sẽ ảnh hưởng tới chính sách, gây dư luận không tốt ở địa phương thì chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã phải có trách nhiệm. Ngay cả cán bộ thôn, dù họ không ăn lương nhưng làm công tác xã hội, gánh trọng trách người dân giao phó thì phải hoàn thành tốt.

img
Bà Hà Thị Liên - Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn lực của Nhà nước hỗ trợ cho 1 hộ nghèo 1 năm không phải nhỏ. Cả nước có 2,2 triệu hộ nghèo, nếu bình bầu sai 5-10% thì số hỗ trợ bị lạm dụng cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo bà, làm thế nào để hạn chế việc bình bầu sai, tránh lãng phí nguồn lực?

- Sự thật thì ở nông thôn, các dòng họ, chi tộc có sự chi phối mạnh. Vì thế phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu ý nghĩa của việc bình bầu và bình bầu đúng sẽ có hỗ trợ đúng. Việc thứ 2 là đẩy mạnh tập huấn việc bình bầu ở cơ sở. Hiện nay hoạt động này chưa làm tới nơi tới chốn. Ngoài ra, cũng không nên khoán trắng việc bình bầu cho cơ sở mà phải có sự giám sát thường xuyên.

Một cách làm nữa để tránh sai sót là công khai danh sách hộ nghèo. MTTQ chúng tôi hàng năm đều có bình bầu hộ nghèo để hỗ trợ nhà Đại đoàn kết (nguồn quỹ khoảng 1.000 tỷ đồng/năm). Chúng tôi cũng thực hiện lựa chọn trên cơ sở danh sách các hộ nghèo đã được bình chọn trong xã, nhưng có làm kỹ hơn là trước khi hỗ trợ thì tới tận nơi xem xét thực tế nhà ở, chụp ảnh, sau khi hỗ trợ gia đình xây dựng nhà xong thì lại chụp ảnh lần nữa để so sánh và làm hồ sơ báo cáo. Làm kỹ như vậy thì giúp tránh được sai sót và cũng tạo dư luận để các hộ nghèo vươn lên.

Xin cảm ơn bà!

Ông Hà Minh Trần - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Cao Bằng: Hỗ trợ nên gắn với nguyên nhân gây đói nghèo

Tâm lý “muốn nghèo” và trông chờ, ỷ lại là tâm lý chung xảy ra ở nhiều nơi, trong đó Cao Bằng cũng không ngoại lệ bởi nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi lý do lớn nhất là chính sách “cho không” nhiều quá. Vì thế, các đợt bình xét hộ nghèo hàng năm luôn là thời điểm rất khó khăn và phức tạp.

Các quy định để bình xét hộ nghèo hiện cũng có nhiều tiêu chí, như căn cứ vào thu nhập khu vực nông thôn là 400.000 đồng. Việc tính thu nhập không phải đơn giản, một gia đình có một buồng chuối có giá 399. 999 đồng, chỉ thêm 1 đồng là không phải hộ nghèo. Một hộ có 4 khẩu, hàng tháng, mỗi khẩu chỉ thêm 5.000 đồng là không phải hộ nghèo...Từ đó, sinh ra kẽ hở giữa nhà A và nhà B, chưa kể tính chất dòng họ trong bình xét hộ nghèo, tính chất dàn xếp trong thôn bản, tổ nhóm, khu phố... Về việc bình chọn, theo tôi, cách hỗ trợ nên đi sát vào nguyên nhân gây đói nghèo, với hộ ốm đau, mất sức lao động thì chuyển sang bảo trợ; nếu do thiếu vốn, thiếu đất thì hỗ trợ bằng hình thức cho vay, không nên cho không quá nhiều thì sẽ hạn chế được việc thi nhau “xin” nghèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem