Sẽ huy động gần 10 tỷ USD cho nông thôn mới và giảm nghèo năm 2018

Đình Thắng- Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 28/02/2018 21:28 PM (GMT+7)
Nguồn vốn 212.000 tỷ đồng (tương đương gần 10 tỷ USD) sẽ được huy động trong năm 2018 nhằm thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 tổ chức chiều nay (28.2) do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì.

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 tổ chức chiều nay (28.2). Ảnh: Đình Thắng

Nguồn vốn bố trí lớn

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch & Đầu tư trong năm 2017, cả nước đã bố trí 171.122 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách trung ương, địa phương, nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội cho đồng tư và từ các tổ chức, doanh nghiệp để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Về kết quả thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia năm 2017, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, năm 2017 việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có chuyển biến mạnh mẽ ở tất cả các cấp. Vì vậy các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã đạt được những kết quả hết sức tích cực”.

img

Trong năm 2017 cả nước có 3.069 xã (34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: IT

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới trong năm 2017 cả nước có 3.069 xã (34,4%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó đã có khoảng 492 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, tăng 712 xã so với cuối năm 2016.

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng BNN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: “Nhiều tỉnh thành phố đã vận dụng sáng tạo, chủ động ban hành các cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, cụ thể một số địa phương như Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đã có cơ chế hỗ trợ trực tiếp xây dựng nông thôn mới ở cấp thôn, bản ở những vùng khó khăn.

Cũng trong năm 2017, xuất hiện nhiều mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được củng cố và nhân rộng, số lượng chuỗi nông sản an toàn tăng 78 chuỗi so với năm 2016, kinh tế hợp tác có bước phát triển rõ rệt với số hợp tác xã nông nghiệp tăng thêm 1.275 hợp tác xã”.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trong năm 2017 tỷ lệ giảm nghèo bình quân cả nước đã giảm còn khoảng 6,72%, giảm 1,51% so với cuối năm 2016. Trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016; hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016. Có 10/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Về mục tiêu nhiệm vụ năm 2018, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, phấn đấu cả nước có ít nhất 39% xã (khoảng 3.500 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5% so với năm 2017, có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng để hoàn thành mục tiêu đề ra, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phấn đấu đảm bảo nguồn vốn khoảng 212.024 tỷ đồng thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ngân sách trung ương dành 16.024 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 26.000 tỷ đồng. Đồng thời tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, kêu gọi sự chung tay, góp sức từ doanh nghiệp, cộng đồng và từ các đối tác phát triển, phấn đấu huy động trên 170.000 tỷ đồng cho hai chương trình này.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tính chủ động chưa cao

img

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các địa phương chủ động và quyết liệt hơn thực hiện CTMTQG năm 2018. Ảnh: Nguyên Vỹ

Phó Thủ tướng đánh giá có được thành quả toàn diện trong năm 2017 là nhờ sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ đến địa phương. Thắng lợi này góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu chung kinh tế - xã hội 2017.

Để tiếp tục hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2018, Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần bám sát 5 phương châm: “Chủ động, quyết tâm, sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả. Trong đó quan trọng nhất là tính chủ động và khơi thông được sức dân”.

Với các phương châm khác, Phó Thủ tướng cho biết đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo thì sáng tạo và quyết liệt hơn nữa, đã hiệu quả thì phải đảm bảo bền vững chứ không chỉ chạy đua theo kết quả đạt được.

img

Một trong những biểu hiện cụ thể từ thắng lợi của CTMTQG là nhân dân đón mùa xuân mậu tuất tươi vui, nhân văn khi đảm bảo an sinh xã hội khu vực nông thôn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Với tư cách là thành viên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, tuy đạt được nhiều kết quả nhưng năm qua, cả nước vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế nhất định khi thực hiện Chương trình CTMTQG.

Trước hết là khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền của cả nước vẫn còn khá lớn, như vùng ĐBSH (63,33%), Đông Nam Bộ (63,22%) thì Miền núi phía Bắc (15,53%), Tây Nguyên (22,50%), ĐBSCL (29,43%).

img

Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng NTM giữa các vùng, miền của cả nước vẫn còn khá lớn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tác động của thiên tai đạt mức kỷ lục trong năm 2017 với 16 cơn bão, 4 đợt áp thấp nhiệt đới, lũ quét, sạt lở đất… và biển đổi khí hậu đã gây thiệt hại về tài sản, con người; và ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt sản xuất của người dân.

Sản xuất nông nghiệp mặc dù có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị sản xuất bền vững nên thu nhập của người dân còn bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào giá cả thỉ trường. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp còn chậm.

Một số tỉnh có nợ xây dựng cơ bản lớn, nhưng kết quả xử lý trong năm 2016 và 2017 còn chậm nên khó đảm bảo về tiến độ theo quy định của Quốc hội.

Năng lực cán bộ cơ sở nhất là ở vùng sâu, xa còn hạn chế. Vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng có dấu hiệu nghiêm trọng ở một số địa bàn phức tạp, khó xử lý.

img

Nhiều vấn đề còn tồn tại trong đó có ô nhiễm nguồn nước các kênh mương cần được tiếp tục khắc phục. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Bộ trưởng bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường kiến nghị: Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương do nguồn bổ sung đợt 2 năm 2017 chậm giao cho các bộ, ngành; ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ.

Bộ NNPTNT đề nghị bổ sung nguồn vốn ngân sách trung ương (4.000 - 5.000 tỷ đồng) năm 2018 để giúp các địa phương có nguồn lực thực hiện các mục tiêu, đồng thời giảm bớt áp lực ngân sách ngân sách trung ương các năm tiếp theo. (Kế hoạch tổng vốn ngân sách trong 3 năm 2016 – 2018 là gần 24.000 tỷ đồng, chiếm 37,8% tổng vốn cả giai đoạn 5 năm).

Giao Bộ NNPTNT chủ trì phối hợp đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh phương thức phân bổ nguồn vốn dự phòng 10% của giai đoạn 2016 – 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem