SEA Games 32: Gặp nhân chứng thảm họa lễ hội đua thuyền khiến hàng trăm người chết

Minh Đức (từ Phnom Penh) Chủ nhật, ngày 30/04/2023 14:10 PM (GMT+7)
Trong hành trình tác nghiệp tại SEA Games 32 ở Campuchia, phóng viên Dân Việt đã gặp được bạn Lâm Minh Nhỏ - nhân chứng của thảm họa giẫm đạp trên cầu Koh Pich (Kim Cương) khiến 378 người chết hồi cuối tháng 11/2010.
Bình luận 0

"Chúng tôi lặng người, chỉ còn biết cầu trời…"

Thời điểm này, bầu không khí SEA Games 32 đang trở nên vô cùng sôi động tại Thủ đô Phnom Penh. Trên mọi nẻo đường dẫn tới Khu LHTTQG Morodok Techo hay các địa điểm thi đấu như Đại học Phnom Penh, Khách sạn 4 sao Phnom Penh nơi U22 Việt Nam đóng "đại bản doanh", vườn hoa trung tâm thành phố Phnom Penh… đều được trang trí cờ, băng-rôn, khẩu hiệu với sự nổi bật của cặp đôi linh vật Borey (thỏ đực màu xanh cầm đuốc) và Rumduol (thỏ cái màu đỏ cúi chào quý khách) trong trang phục võ cổ truyền Campuchia Kun Bokator.

SEA Games 32: Gặp nhân chứng thảm họa lễ hội đua thuyền khiến hàng trăm người chết - Ảnh 1.

Công nhân môi trường cắt tỉa lá úa cây thốt nốt tại khu vực Vườn hoa trung tâm thủ đô Phnom Penh đoạn ngã tư quốc lộ 6, tạo mỹ quan chào đón du khách, các đoàn thể thao quốc tế tới dự SEA Games 32. Ảnh: Minh Đức

Tham gia giao thông trên đường hay vào các nhà hàng, quán ăn, chúng tôi đều nhận được những nụ cười thân thiện. Ở Campuchia có khá đông người Việt Nam sinh sống và làm việc. Chỉ tính riêng Phnom Penh ước tính cũng có tới hàng nghìn người, theo lời anh Neang Hùng - một chủ thầu xây dựng đã sang Campuchia làm ăn được gần 30 năm, bắt đầu mưu sinh với nghề điêu khắc.

Qua anh Neang Hùng, người viết được quen bạn Lâm Minh Nhỏ (sinh năm 1993), người có cha là bộ đội tình nguyện Việt Nam sang Campuchia đập tan chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary năm 1979. Mẹ Minh Nhỏ quê Đồng Tháp và gia đình Minh Nhỏ có 7 anh chị em (5 trai, 2 gái), gia đình anh cả hiện ở Cà Mau, chị thứ 3 sang Singapore lập gia đình, sinh sống.

SEA Games 32: Gặp nhân chứng thảm họa lễ hội đua thuyền khiến hàng trăm người chết - Ảnh 2.

Lâm Minh Nhỏ chụp ảnh selfie cùng phóng viên Dân Việt trên chuyến phà từ trung tâm thủ đô Phnom Penh sang Bãi Cải - nơi có cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia sinh sống.

"Tôi là con áp út trong nhà. Sinh ra đã ở Campuchia và thi thoảng dịp Tết mới về Việt Nam, vào TP.HCM chơi sau đó đến nhà anh cả tôi ở Cà Mau. Lúc này, cha mẹ tôi cũng đang về Việt Nam thăm họ hàng.

Gia cảnh khó khăn nên tôi cũng không được ăn học gì nhiều. Trong khu Kotnorea tôi sống có nhiều dân lao động, tôi chỉ học đến lớp 3, lớp 4 là nghỉ, ở nhà phụ giúp gia đình việc nhà.

15 tuổi, tôi đi phụ hồ, một ngày được 3 nghìn riel Campuchia (tính ra là 18 nghìn VNĐ lúc này) nhưng tiền lúc đó rất quý. Sau này tiền lương cũng lên từ từ, được 5 nghìn rồi 10 nghìn riel/ngày. Lương phụ hồ hiện nay ở Campuchia vào khoảng 40 đến 50 nghìn riel (khoảng 240 nghìn đến 300 nghìn VNĐ).

Ở bên này, sau thời gian đi phụ hồ, tôi cũng đã thử nhiều nghề khác như đi lái xe… và giờ làm trong lĩnh vực chống thấm cùng anh em người Việt, lương cũng được 60 nghìn riel/ngày (gần 300 USD).

Gặp nhân chứng thảm họa lễ hội đua thuyền khiến hàng trăm người chết.

Theo dòng tâm sự, Minh Nhỏ nhớ về một kỷ niệm "sốc" nhất khi anh còn là thanh niên, đang tuổi ăn tuổi chơi: "Tối hôm đó, tôi đang chơi ở bên đảo Kim Cương cùng nhóm bạn thì bất ngờ cúp điện. Có một bạn gái làm nghề buôn bán tại Lễ hội Bon Om Touk (Lễ hội nước, lễ hội đua thuyền Campuchia) hốt hoảng chạy lại về phía tôi hét: "Gãy cầu, sập cầu, nhiều người chết lắm!".

Chỗ chúng tôi rơi cách cây cầu khoảng hơn 1km. Tôi và 2 người bạn chạy qua thì thấy cảnh nhiều người nhảy từ trên cầu xuống sông thoát thân và nhiều người không kịp thoát hiểm.

Chứng kiến cảnh tang thương ấy, chúng tôi chẳng biết nói gì nữa, cảm giác lặng người, chỉ biết nắm tay nhau đi về và cầu trời sao cho không có người ở xóm mình gặp nạn", Minh Nhỏ xúc động nhớ lại, tay chỉ về khoảng không, nơi xảy ra thảm họa giẫm đạp trên cầu Kim Cương làm gần 400 người chết đêm 22/11/2010.

"Sports: Live in peace"

Nhiệt tình bỏ cả công việc chở tôi trên chiếc xe dream chạy quanh thành phố Phnom Penh, dạo qua các địa điểm thi đấu SEA Games 32 trong đó có sân Olympic, sân Prince – nơi U22 Việt Nam thi đấu vòng bảng B môn bóng đá nam SEA Games, Khu LHTTQG Morodok Techo – nơi diễn ra Lễ khai mạc SEA Games 32 vào ngày 5/5 tới và tổ chức nhiều môn thi đấu như điền kinh, kick-boxing, võ Kun Khmer, bóng bàn, quần vợt… Minh Nhỏ chia sẻ Bãi Cải là một trong những nơi tập trung đông người Việt Nam sinh sống nhất.

Từ trung tâm Phnom Penh (đảo Kim Cương) phải đi qua phà (bến phà nằm ngay cạnh NagaWorld – sòng bạc lớn nhất Campuchia) mới sang được Bãi Cải. Từ Bãi Cải lại đi phà trở lại Phnom Penh rồi lại thêm một chuyến phà nữa mới sang được khu xóm Kotnorea mà gia đình Minh Nhỏ ở.

SEA Games 32: Gặp nhân chứng thảm họa lễ hội đua thuyền khiến hàng trăm người chết - Ảnh 4.

Lâm Minh Nhỏ đứng trên chiếc cầu "vô danh", mắt nhìn xa xăm vào khoảng không nơi chiếc cầu "Kim Cương" đã bị phá bỏ sau thảm họa năm 2010. Ảnh: Minh Đức

"Hôm xảy ra thảm họa và cũng là ngày thứ 3, ngày cuối cùng của Lễ hội đua thuyền, trời đã về đêm và chúng tôi cần phải đi một chuyến phà nữa mới có thể trở về nhà nên cảm xúc rất khó tả…

Gần 13 năm trôi qua, mỗi lần đi qua "cây cầu vô danh này" (sau thảm họa, cầu Kim Cương đã bị phá bỏ và Campuchia đã xây dựng 2 cây cầu mới song song nhau. Khoảng giữa 2 cây cầu mới này chính là cây cầu Kim Cương tang thương năm 2010 – PV), tôi cũng chỉ biết cầu nguyện cho những người không may; và mong ước về một cuộc sống hạnh phúc, may mắn với mọi người đang sống. Cũng như mọi người dân trên toàn cầu từng hứng chịu đau thương, mất mát từ chiến tranh cũng như những thảm họa, thiên tai… người dân Campuchia luôn cầu mong về một thế giới hòa bình, đúng như khẩu hiệu của SEA Games 32 - "Sports: Live in peace - Thể thao: Sống trong hòa bình", Minh Nhỏ bộc bạch.

"Tôi từng được coi là "cầu thủ dự bị" của U23 Việt Nam"

Trong suốt hành trình giúp tôi tham quan, cảm nhận về đời sống của người dân Việt Nam tại Campuchia, sự thân thiện, mến khách của người dân nước chủ nhà, Minh Nhỏ đã kể về niềm đam mê bóng đá của mình: "Đội bóng xóm Kotnorea của tôi từng được đại diện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia thi đấu giải giao hữu với các Công ty, cơ quan, doanh nghiệp bên này hồi năm 2019. Tôi đá kèo trái, sở trường tiền vệ trái và giải đấu đó tôi ghi được 1 bàn thắng, cùng đội nhà vô địch".

SEA Games 32: Gặp nhân chứng thảm họa lễ hội đua thuyền khiến hàng trăm người chết - Ảnh 5.

Minh Nhỏ và chiếc Cúp vô địch giải bóng đá giao hữu do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tổ chức năm 2019.

Hàng tuần, vào thứ 7, Minh Nhỏ cùng các anh em trong đội vẫn thường ra sân nằm trong khuôn viên trường Chbar Ampov High School chơi bóng sân 11 người: "Thắng thua gì hai đội cũng đều chia đôi tiền sân 80 USD/đội. Qua bóng đá, anh em người Việt Nam có điều kiện giao lưu và đây chính là lực lượng CĐV nòng cốt, cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam mỗi khi sang Campuchia thi đấu", Minh Nhỏ hào hứng kể.

Nhớ về kỷ niệm cùng U23 Việt Nam lên ngôi vô địch U23 Đông Nam Á đầu năm 2022, Minh nhỏ vui vẻ chia sẻ: "Thời điểm đó Covid-19 đang bùng phát và U23 Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn để có đầy đủ lực lượng ra sân so tài. Trận đấu vòng bảng với U23 Singapore trên sân Prince Visakha, ước tính có hàng trăm CĐV Việt Nam đã có mặt "tiếp lửa" cho đội, dù phải trải qua nhiều thủ tục khắt khe đảm bảo quy định thi đấu trong "thời Covid".

SEA Games 32: Gặp nhân chứng thảm họa lễ hội đua thuyền khiến hàng trăm người chết - Ảnh 6.

Minh Nhỏ với chiếc áo ĐT Việt Nam anh từng mặc tới sân Prince cổ vũ cho U23 Việt Nam thắng đậm U23 Singaporre 7-0 tại vòng bảng Giải U23 Đông Nam Á 2022. Ảnh: Minh Đức

Hôm đó, tôi tình cờ mặc đúng chiếc áo màu trắng, chiếc áo mà U23 Việt Nam ra sân thi đấu, trong khi các CĐV khác mặc áo màu đỏ. Đội không còn cầu thủ dự bị và truyền hình đã quay lên khán đài, bắt hình ảnh của tôi và bình luận: "Chúng ta vẫn còn một cầu thủ dự bị". Tôi cảm thấy rất vui với khoảnh khắc ấy và thực sự nếu được vào sân thật thì dù thế nào tôi cũng sẽ "chiến đấu" hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc, như các em U23 Việt Nam đã lăn xả, tận hiến và giành được chiếc Cúp vô địch lịch sử tại Campuchia".

SEA Games 32: Gặp nhân chứng thảm họa lễ hội đua thuyền khiến hàng trăm người chết - Ảnh 7.

Lâm Minh Nhỏ đứng từ vị trí đảo Kim Cương nhìn về phía cây cầu đang được xây dựng. Cây cầu này sẽ nối liền từ Quốc lộ 1 của Campuchia sang đảo Kim Cương, giúp việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. Ảnh: Minh Đức

Tại SEA Games 32, U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Philippe Troussier lại thi đấu vòng bảng trên sân Prince quen thuộc. Minh Nhỏ cũng như kiều bào Việt Nam Campuchia đều làm tất cả những gì có thể để "tiếp lửa" cho đội nhà bảo vệ thành công HCV SEA Games 32.

"Tại giải U23 Đông Nam Á 2022, trong điều kiện khó khăn đủ bề như vậy, U23 Việt Nam vẫn thành công. Trong đội hình U22 Việt Nam dự SEA Games 32 vẫn còn nhiều nhân tố từng bước lên bục cao nhất hơn 1 năm trước như Phan Tuấn Tài, Vũ Tiến Long, Lương Duy Cương, Nguyễn Quốc Việt… Tôi tin kinh nghiệm, bản lĩnh, sự hiểu biết của các em về mặt cỏ sân Prince và sân Morodok Techo sẽ là thứ "vũ khí" lợi hại chinh phục đỉnh cao trên đất Campuchia", Minh Nhỏ thể hiện niềm tin!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem