SGK Mĩ thuật cấp THPT sẽ góp phần tạo ra một thế hệ công chúng "biết, hiểu và yêu thích nghệ thuật"

Anh Đức Thứ sáu, ngày 29/03/2024 15:59 PM (GMT+7)
Ông Phạm Duy Anh - chủ biên sách giáo khoa (SGK) Mĩ thuật 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho biết, ý nghĩa lâu dài của bộ sách là góp phần đào tạo ra một thế hệ công chúng "biết, hiểu và yêu thích nghệ thuật".
Bình luận 0

SGK Mĩ thuật lớp 10, 11, 12 thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống là SGK cấp THPT (do PGS.TS Đinh Gia Lê là Tổng chủ biên) duy nhất đáp ứng được quy định về tiêu chuẩn trong thẩm định và đã được Bộ GDĐT phê duyệt sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Đây cũng là nội dung giáo dục lần đầu tiên xuất hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông và có tới 11 cuốn ở mỗi khối lớp, trong đó có 10 cuốn SGK tương ứng với 10 nội dung giáo dục và 1 cuốn Chuyên đề học tập.

SGK Mĩ thuật cấp THPT sẽ góp phần tạo ra một thế hệ công chúng "biết, hiểu và yêu thích nghệ thuật"- Ảnh 1.

Ông Phạm Duy Anh - chủ biên sách giáo khoa (SGK) Mĩ thuật 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phạm Duy Anh - chủ biên sách giáo khoa (SGK) Mĩ thuật 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống - cho biết: Một trong những định hướng quan trọng trong môn Mĩ thuật - Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm và vận dụng mĩ thuật vào đời sống; giúp học sinh nhận thức được mối liên hệ giữa mĩ thuật với văn hoá, xã hội…; làm tiền đề cho học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai... Trong bộ sách Mĩ thuật ở các cấp, định hướng này được làm rõ thông qua các hình ảnh minh họa ở các chủ đề, bài học một cách gần gũi, hấp dẫn.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một sự thay đổi lớn về tư duy khi thay đổi cách tiếp cận Mĩ thuật, giúp học sinh nói riêng và xã hội nói chung hiểu biết đầy đủ hơn, toàn diện hơn về lĩnh vực Mĩ thuật. Thông qua đó, các em sẽ vận dụng được kiến thức mĩ thuật vào cuộc sống ở các mức độ biết, hiểu và vận dụng để thực hành sáng tạo sản phẩm có tính mĩ thuật.

Cũng như vậy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chính vì thế, SGK Mĩ thuật cấp THPT dù có tính định hướng nghề nghiệp rõ ràng, giúp học sinh có thể tự tin lựa chọn nghề nghiệp liên quan đến nghệ thuật thị giác hay lựa chọn trường đại học khối nghệ thuật sau khi tốt nghiệp lớp 12 nhưng không chỉ phục vụ định hướng hướng nghiệp.

Ý nghĩa nhân văn và lâu dài mà bộ sách hướng đến là góp phần đào tạo ra một thế hệ công chúng biết, hiểu và yêu thích nghệ thuật. Chẳng hạn, học về điêu khắc giúp các em hiểu được vẻ đẹp của khối; học về lý luận và lịch sử mĩ thuật giúp các em hiểu được dòng chảy nghệ thuật từ quá khứ đến hiện đại, từ thế giới đến Việt Nam... Khi các em có đủ vốn kiến thức phổ thông về mĩ thuật thì các em sẽ là những công chúng biết thưởng thức nghệ thuật một cách tích cực.

SGK Mĩ thuật cấp THPT sẽ góp phần tạo ra một thế hệ công chúng "biết, hiểu và yêu thích nghệ thuật"- Ảnh 2.

Trang sách trong sách giáo khoa Mĩ thuật 5, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC

Theo ông Phạm Duy Anh: Trong sách giáo khoa Mĩ thuật, những việc làm hàng ngày được khai thác và chuyển hóa thành những "chất liệu tạo hình", lấy cảm hứng sáng tạo từ cuộc sống, giúp học sinh tăng cường khả năng quan sát, cảm nhận và điều quan trọng đó chính là hình thành cho các em biết, hiểu và có ý thức về những giá trị mà những công việc tưởng chừng rất bình dị trong cuộc sống đem đến cho cộng đồng. Những công việc như hành trình mang điện lưới quốc gia về các vùng nông thôn, bản, làng vùng cao, vùng sâu là hành trình đầy gian nan, vất vả của công nhân ngành điện nhưng cũng nhiều ý nghĩa, bởi những vùng khó khăn có điện đã đem đến niềm tin, niềm hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn với người dân.

Cùng với đó, những hình ảnh về bộ đội biên phòng giúp người dân khám sức khỏe; thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân làm công việc đồng áng; cô công an lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân… đều là những việc làm đẹp, cần được nhân rộng trong cuộc sống. Điều thú vị khi sử dụng sách giáo khoa Mĩ thuật trong nhà trường là những hình ảnh này được mở rộng phù hợp với đặc thù ở mỗi địa phương, thầy - cô giáo cũng có thể sử dụng hình ảnh ở những cuốn sách, tài liệu khác để làm phong phú nội dung giáo dục liên quan, hay học sinh có thể nói đến những việc làm "bình dị mà cao quý" mà các em đã được biết đến. Điều này giúp cho rất nhiều hình ảnh việc làm có ý nghĩa trong cuộc sống xuất hiện trong mỗi chủ đề, bài học và góp phần không nhỏ giúp cho học sinh hiểu sâu sắc hơn về những việc làm có ý nghĩa đối với cộng đồng, tô điểm thêm vẻ đẹp của cuộc sống.

SGK Mĩ thuật cấp THPT sẽ góp phần tạo ra một thế hệ công chúng "biết, hiểu và yêu thích nghệ thuật"- Ảnh 3.

Trang sách trong sách giáo khoa Mĩ thuật 9, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Ảnh: NVCC

"Không chỉ vậy, yếu tố định hướng nghề nghiệp được xuất hiện ở nhiều bài học trong sách giáo khoa Mĩ thuật, góp phần giúp cho học sinh hiểu hơn về những lĩnh vực khác nhau của mĩ thuật trong cuộc sống. Nhiều công việc liên quan đến như nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, nhà thiết kế thời trang, nhà sáng tạo nội dung số… được xuất hiện bên cạnh những công việc quen thuộc của lĩnh vực mĩ thuật như họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà phê bình mĩ thuật… Qua những chủ đề, học sinh không những được hình thành năng lực mĩ thuật theo các mức độ ở mỗi cấp học mà còn có những hiểu biết ban đầu về vị trí, ý nghĩa của môn học trong đời sống xã hội, cũng như biết đến mỗi ngành, nghề đều có ý nghĩa tích cực, cần thiết, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong sự phát triển chung của đất nước. 

Có thể thấy, mối liên hệ giữa môn Mĩ thuật với đời sống văn hóa, xã hội được thể hiện qua những bức ảnh trong những trang sách giáo khoa Mĩ thuật đã góp phần kết nối trí thức với cuộc sống một cách sinh động, mang tính trực quan, góp phần hình thành, phát triển năng lực mĩ thuật của học sinh một cách toàn diện, có ý nghĩa tích cực hơn về thái độ, hành vi để có những ứng xử đẹp đối với người lao động, những người xung quanh, công việc… mà mỗi học sinh tiếp xúc trong cuộc sống hằng ngày", chủ biên SGK Mĩ thuật 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống khẳng định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem