Shark Bình nói về chuyển đổi số, "long mạch" và đón "gió đông"

Nguyễn Thịnh Thứ năm, ngày 20/05/2021 08:15 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT NextTech Group đã nhận định, dịch bệnh Covid-19 như là một cú huých bằng cả chục năm xã hội "kêu gào" chuyển đổi số. Và đây thực sự là cơ hội vàng để Việt Nam đưa ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số lên một tầm cao mới.
Bình luận 0

Khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau.

Tuy nhiên, để có thể định nghĩa một cách ngắn gọn và dễ hiểu thì chuyển đổi số (Digital Transformation trong tiếng Anh) là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một doanh nghiệp, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và cung cấp các giá trị mới cho khách hàng của doanh nghiệp đó cũng như tăng tốc các hoạt động kinh doanh. Chuyển đổi số cũng là một sự thay đổi về văn hóa của các doanh nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, thử nghiệm cái mới và thoải mái chấp nhận các thất bại.

Shark Bình nói về chuyển đổi số, "long mạch" và đón "gió đông" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT NextTech Group.

Thời gian gần đây, khái niệm "chuyển đổi số" được nhắc nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tại Việt Nam, khái niệm này được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng việc áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (computing cloud),… nhằm thay đổi phương thức quản lý, quy trình làm việc cũng như văn hóa công ty.

Bàn về vấn đề khởi nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, Shark Nguyễn Hòa Bình – Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nextech cho rằng, chuyển đổi số không phải điều gì đó quá phức tạp hay hoành tráng, nó là những hành vi cực kỳ nhỏ.

"Theo định nghĩa, chuyển đổi số là sự ứng dụng liên tục các công cụ số vào mọi mặt kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi có 4 lời khuyên dành cho các bạn startup, những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ nhất là dùng nền tảng, dịch vụ, phần mềm trực tuyến sẵn có. Thứ hai là tìm đối tác để chuyển đổi số, riêng con đường thứ hai này thì chỉ phù hợp với các doanh nghiệp tư và lớn, không phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thứ ba là săn giám đốc cao cấp về công nghệ. Thứ tư, khi không tìm được cách nào, thì ta tìm tri kỷ của chuyển đổi số. Tri kỷ là ai? Tri kỷ là những doanh nghiệp công nghệ, giống như chúng tôi", shark Bình nói.

Shark Bình nói về chuyển đổi số, "long mạch" và đón "gió đông" - Ảnh 2.

Shark Bình là thành viên Hội đồng đầu tư chương trình truyền hình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ.

Trả lời cho câu hỏi từ các khách mời tham dự, liệu rằng trong thời điểm chuyển đổi số, làm thế nào để doanh nghiệp có thể gắn liền chuyển đổi với minh bạch thông tin, shark Bình cho biết thêm:

"Chuyển đổi số gắn liền với số liệu và tất cả các bộ phận. Chúng ta nói gì, đưa ra quyết định gì đều phải dựa trên số liệu, dữ liệu. Có 2 điểm khác biệt giữa doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp số, đó là doanh nghiệp truyền thống đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm và cảm tính; còn doanh nghiệp chuyển đổi số đưa ra quyết định dựa trên chứng minh và dữ liệu, số liệu. Với số liệu, lập tức mọi thứ trở nên minh bạch. Còn nếu tiếp tục lập kết luận dựa trên cảm tính thì vẫn còn chưa đủ minh bạch".

Shark Bình cũng khẳng định, đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp công nghệ và toàn thể người tiêu dùng Việt Nam đi nhanh hơn lên hiện đại hóa, 4.0.

"Trong quá khứ, các doanh nghiệp công nghệ từng phải đi đốt tiền để lấy người dùng với những chi phí siêu đắt đỏ. Tuy nhiên, đại dịch giúp họ làm điều này một cách rất hiệu quả và hoàn toàn miễn phí. Vết thương từ cuộc khủng hoảng này quá lớn, chưa biết bao giờ mới kết thúc. Ngay kể cả kết thúc rồi nhưng vết thương của nó khiến cả người dân và doanh nghiệp phải phòng ngừa, duy trì các kênh online song song với offline", ông Bình rất tự tin về cơ hội chuyển đổi số của Việt Nam thời điểm hiện tại.

Ông Bình lấy ví dụ, một quan bar nổi tiếng ở Trung Quốc bị đóng cửa vì dịch. Thay vì nằm yên, họ đã livestream chương trình đánh nhạc kéo dài 5 tiếng. Họ thu hút hơn 1 triệu người tham gia trong khi thực tế, khi hoạt động, họ cùng lắm chỉ có thể thu hút được một vài nghìn người. Hoạt động online giúp họ thu về 2 triệu tệ (khoảng 6 tỷ đồng) từ tiền tip. Thành công này khiến họ tính tới hình thức mới là kinh doanh online ngay cả khi dịch bệnh đã qua đi.

Shark Bình nói về chuyển đổi số, "long mạch" và đón "gió đông" - Ảnh 3.

Shark Bình cho rằng, Covid có thể "giết số doanh nghiệp nhiều hơn số người mà nó giết", nhất là các Micro-SME – những doanh nghiệp chỉ đủ dòng tiền hoạt động từ 1-3 tháng. Shark Bình đặt ra vấn đề trong đại dịch "chúng ta bán hàng hay là chết" và khẳng định: "Chúng ta phải bán hàng bằng online, bằng chuyển đổi số".

Nhờ đó, năm 2020 Tập đoàn NextTech của Shark Bình tăng trưởng 180% so với năm 2019. Với bài học đã trải qua, Shark Bình rút ra kết luận: "Tất cả các cuộc cách mạng đều đến từ cuộc khủng hoảng. Và cuộc cách mạng chuyển đổi số này cũng vậy. Covid-19 đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hơn 10 năm trước đó".

Là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn NextTech, ông Nguyễn Hòa Bình (thành viên Hội đồng đầu tư chương trình truyền hình Shark Tank - Thương vụ bạc tỷ) thuộc thế hệ doanh nhân khởi nghiệp tiên phong trong lĩnh vực công nghệ - chuyển đổi số.

Shark Bình cũng có lời khuyên cho startup truyền thống hãy "dĩ bất biến ứng vạn biến" bằng chuyển đổi số để tối ưu chi phí và phát triển kinh doanh. Chuyển đổi số đơn giản là sử dụng các công cụ công nghệ để tối ưu mọi mặt của quá trình kinh doanh, từ đó tối ưu chi phí. Riêng các startup công nghệ hãy nói ít về công nghệ mà tập trung nói về thị trường và bán hàng, phải tìm được "long mạch" và đón được "gió đông".

Khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên năm thứ 2 Đại học Quốc gia Hà Nội, sau gần 20 năm "chèo lái" doanh nghiệp công nghệ thuần Việt đầu tiên, đến nay ông Nguyễn Hòa Bình đã đưa NextTech trở thành tập đoàn điện tử hóa trên không gian mạng hàng đầu tại Việt Nam và khu vực. NextTech đã xây dựng hệ sinh thái với gần 20 dịch vụ cung cấp tại Việt Nam, 8 thị trường khác tại Đông Nam Á và Trung Quốc trong 4 lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần và đầu tư khởi nghiệp. Đặc biệt, NexTech là một trong tốp 10 doanh nghiệp ứng dụng và nội dung số có ảnh hưởng lớn nhất đến internet Việt Nam trong một thập kỷ do Hiệp hội Internet Việt Nam công bố tháng 11-2017.

Trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động kinh doanh của NextTech đều tăng trưởng dương, đó là thành quả rất đáng tự hào. Ông Nguyễn Hòa Bình nhận định, Covid-19 là cú hích bằng cả chục năm xã hội "kêu gọi" chuyển đổi số. Đây là lúc để Việt Nam đưa ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số lên một tầm cao mới và cũng là cơ hội để các công ty thiên về công nghệ như NextTech phát huy giá trị của mình.

Về Tập đoàn NextTech

Thuộc thế hệ Startup công nghệ đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2001, NextTech Group đã có 20 năm lịch sử khởi nghiệp và trở thành Hệ sinh thái Kinh tế số toàn diện với gần 20 dịch vụ điện tử hóa hoạt động tại Việt Nam, 8 thị trường khác tại Đông Nam Á và Trung Quốc trong 4 lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, dịch vụ hậu cần và đầu tư khởi nghiệp.

Từng được trang tin công nghệ tại Trung Quốc Technode ví von như "Alibaba của Việt Nam", NextTech được bình chọn trong Top 10 doanh nghiệp có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet tại Việt Nam trong giai đoạn 10 năm (2007-2017). Sở hữu nhiều thương hiệu công nghệ có tên tuổi như mPoS.vn, VIMO.vn, NganLuong.vn… NextTech hiện có gần 2.500 nhân viên và xử lý sản lượng giao dịch điện tử ước đạt 4 tỷ USD mỗi năm.

Tháng 8 năm 2019, NextTech ra mắt Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn sớm Next100 - Startup Soulmate với quy mô 10 triệu USD. Với khẩu hiệu "Tri kỷ của Startup", ngoài đầu tư & hỗ trợ về tài chính, Next100 còn kết nối Startup với hàng trăm nghìn doanh nghiệp và nhiều chục triệu khách hàng tại Việt Nam, cùng nhau hướng tới mục tiêu Chuyển Đổi Số toàn diện cho hàng triệu Micro-SME và đóng góp thêm 15 tỷ USD vào GDP của Việt Nam trong 5 năm tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem