"Ship" chưa đến 1km mất gần 30.000 đồng, người bán và người mua ở Hà Nội "khóc thét"

Quang Dân Thứ tư, ngày 22/09/2021 12:08 PM (GMT+7)
Một tuần (từ ngày 16/9) sau khi UBND TP.Hà Nội cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về), tìm hiểu của PV Dân Việt, nhiều chủ cửa hàng cho biết, sau những ngày đầu đông khách, lượng người mua hàng bắt đầu sụt giảm khá mạnh...
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Nguyễn Thị Liên, chủ cửa hàng bán phở gà tại Mễ Trì, phường Nam Từ Liêm chia sẻ, một hai ngày đầu sau khi các hàng quán được bán mang về, lượng khách hàng tới mua phở tại quán của chị khá đông. Tuy nhiên những ngày sau thì khách vãn đi rất nhiều.

Theo chị Liên, có thể do đợt giãn cách kéo dài, người dân thèm ăn phở nên sau khi nới lỏng, nhiều người mua hơn bình thường. Thêm nữa, đối với những thực phẩm như bún, phở, ngồi ăn tại quán sẽ nóng và ngon hơn, cũng đầy đủ gia vị để khách nêm nếm hơn nên thực tế doanh thu từ bán hàng mang về chỉ bằng khoảng 1/2 so với bình thường.

"Trước chị bán được khoảng 100 bát phở/ngày thì nay chỉ bán được 40-50 bát phở/ngày, nhưng vậy cũng tạm ổn vì cũng gọi là đủ chi tiêu cho cuộc sống. Vui nhất là bếp lại được đỏ lửa. Mong Chính phủ nhanh chóng dập được dịch, đời sống quay trở lại như bình thường", chị Liên cười nói.

Quán hàng tại Hà Nội được bán mang về, người mua và bán vẫn "khóc thét" vì phí giao hàng tăng cao - Ảnh 1.

Một quán phở gà bán hàng mang về tại phường Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh chụp ngày 22/9: Q.D

Trong khi đó, chủ quán bún cá rô đồng trên đường Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy cho hay, một trong những khó khăn khi bán hàng mang về hiện nay là giá cước giao hàng tại các ứng dụng giao hàng khá cao. Việc giá cước tăng khiến giá thực phẩm đến tay khách hằng tăng lên gấp đôi, thậm chí hơn (cho những đơn hàng ở xa -pv), nên người dân e ngại khi quyết định đặt đơn.

Để giải quyết cho tình trạng này, quán đã áp dụng hình thức tự giao hàng có tính phí trong phạm vi 5km tính từ vị trí của quán. Đối với những đơn gần, hay đơn số lượng lớn quán sẽ free ship (không lấy tiền giao hàng) để kích cầu, tăng doanh thu. Tuy quán giao hàng tính phí nhưng giá cước chắc chắn sẽ rẻ hơn các áp giao hàng. Tuy nhiên đối với những đơn xa, hay thời điểm nhân viên không đủ thì quán vẫn hợp tác với các ứng dụng giao hàng.

Trước câu hỏi, có những quán bán được hàng trăm đơn hàng mỗi ngày từ khi mở cửa, vị chủ quán này cho rằng, có thể quán đó nổi tiếng, đã có thương hiệu từ lâu được nhiều người biết đến. Hoặc họ cũng đã tiếp cận với phương thức bán hàng qua các app từ trước đó nữa. Còn với những quán ăn nhỏ, chủ yếu khách trong khu vực thì để lượng đơn hàng bán mang về cao tương đương với trước thời điểm giãn cách là khó đạt được.

Quán hàng tại Hà Nội được bán mang về, người mua và bán vẫn "khóc thét" vì phí giao hàng tăng cao - Ảnh 2.

Nhiều quán tự tổ chức giao hàng cho khách vì giá cước giao hàng tăng cao. Ảnh: Q.D

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Cao Như Quỳnh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng, thực tế giá cước giao hàng tại nhiều ứng dụng như Grab, Be.. cao hơn so với thời điểm trước giãn cách.

"Đơn cử như đơn hàng tại quán quen, cách nhà tôi khoảng 1km trước đây tôi vẫn đặt với khoảng phí giao hàng dưới 20.000 đồng/đơn, hiện nay có nhiều thời điểm giá đã lên đến 30.000 đồng/đơn. Dịch dã thu nhập đã bị hạn chế, nên tôi cũng thắt chặt hơn trong chi tiêu", chị Quỳnh chia sẻ.

Quán hàng tại Hà Nội được bán mang về, người mua và bán vẫn "khóc thét" vì phí giao hàng tăng cao - Ảnh 3.

Giá cước giao hàng lên đến 28.000 đồng/đơn cho khoảng cách chưa đến 1km. Ảnh: NVCC

Trường hợp của bà Trần Thị Nhung (62 tuổi, địa chỉ tại đường Yên Hòa, Cầu Giấy) bán bún chả cá Đà Nẵng thì khó khăn hơn, do hai ông bà đều lớn tuổi, việc tiếp cận với công nghệ thông tin hay các áp giao hàng còn nhiều hạn chế. Thêm nữa, từ trước đến nay, quán của bà chỉ bán hàng theo hình thức truyền thống, nên như ông bà nói, dù đã mua máy cảm ứng, cố gắng thực hiện thao tác cho khách nhưng mãi vẫn không thực hiện được.

Một trong những đối tượng nằm trong diện được bán thực phẩm mang về nhưng chưa thể hoạt động là các cửa hàng cơm bình dân. Phần vì khách hàng chính là các lao động hành nghề tự do, học sinh sinh viên. Tuy nhiên, vì chưa thể trở lại trạng tháng bình thường nên quán mở ra không có khách, buộc phải đóng cửa lại, chờ ngày được bán ăn tại quán.

Quán hàng tại Hà Nội được bán mang về, người mua và bán vẫn "khóc thét" vì phí giao hàng tăng cao - Ảnh 4.

Nhiều quán cơm bình dân vẫn cửa đóng then cài chờ ngày trở lại trạng thái bình thường mới. Ảnh: Q.D

Trước đó, từ 12h trưa 16/9, địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện chỉ thị số 20 ngày 3/9) các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hằng ngày.

Theo Sở Y tế Hà Nội, xét tiêu chí trên, 19 quận, huyện đủ điều kiện gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phương, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Tây Hồ và Ứng Hoà.

Đến ngày 21/9, UBND TP.Hà Nội cho phép các mở lại các dịch vụ thiết yếu, áp dụng Chỉ thị 15.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem