Siết quản lý thuế với cá nhân có thu nhập "khủng" từ Facebook, Google
Quản lý thuế, thu thuế từ các hoạt động kinh doanh online, từ các cá nhân, doanh nghiệp có nguồn thu từ Facebook, Google là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Thông tin trên được ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ,chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động về các phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2021 và giai đoạn tới của ngành thuế.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, những năm gần đây, cơ quan thuế vẫn triển khai các biện pháp quản lý, thu thuế, truy thu thuế thường xuyên trong lĩnh vực thương mại điện tử, thu thuế từ cá nhân, doanh nghiệp có thu nhập từ Google, Facebook.
Kênh Youtube Bà Tân Vlog có nguồn thu lớn, cơ quan thuế cho biết chủ kênh này đã thực hiện nghĩa vụ thuế
Trong năm 2019, 2020, số tiền thuế thu được từ các cá nhân xấp xỉ 1.000 tỉ đồng. Theo ông Đặng Ngọc Minh, trong số này, có các trường hợp tự kê khai thuế, cơ quan thuế hỗ trợ họ kê khai thuế, nhưng cũng có nhiều trường hợp cơ quan thuế áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy vết, xác minh và truy thu thuế.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế khẳng định đây là một trong những nguồn thu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trước lo ngại về việc các cá nhân, doanh nghiệp có kinh doanh trên nền tảng số, có nguồn thu từ các nền tảng xuyên biên giới sẽ tìm mọi cách để "né" thuế, ông Đặng Ngọc Minh cho rằng đây là thực trạng có xảy ra nhưng theo ông, những cá nhân, doanh nghiệp làm ăn chân chính, muốn phát triển bền vững sẽ không chọn cách làm này.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng các trường hợp làm ăn "chộp giựt", cố tình né thuế thì cơ quan thuế cũng như xã hội đều bày tỏ quan điểm rõ ràng là không ủng hộ, phải kiểm tra, truy vết để xử lý theo quy định của pháp luật. Ông Minh cho biết dù thủ đoạn có tinh vi đến đâu, quá trình hoạt động kinh doanh đều có những dữ liệu, lịch sử để cơ quan thuế phối hợp với những cơ quan khác tìm ra các cơ sở để phục vụ công tác quản lý thuế.
Vị đại diện Tổng cục Thuế cũng kiến nghị cần hoàn thiện hơn nữa về khung pháp lý, bởi một số loại hình thanh toán hoặc sử dụng các đồng tiền ảo để thanh toán, pháp luật Việt Nam chưa cho phép nhưng đã có những vấn đề phát sinh trên thực tế.
Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, trong đó có Nghị định 126 đã đưa ra nhiều nội dung quan trọng, là khung khổ pháp lý để quản lý thuế đối với các hoạt động nêu trên. Ông Đặng Ngọc Minh cho biết cơ quan thuế đang khẩn trương xây dựng dự thảo thông tư hướng dẫn các nội dung liên quan, trong đó cơ quan quản lý thuế sẽ quy định trách nhiệm cụ thể với không chỉ người kinh doanh trên không gian số mà cả các bên trung gian thanh toán, doanh nghiệp cung cấp nền tảng, bộ ngành có liên quan và hệ thống ngân hàng. Việc quy trách nhiệm này sẽ phục vụ cho công tác quản lý thuế được tốt hơn.
Cơ quan thuế đã có kế hoạch làm việc với các công ty tư vấn, kiểm toán để mời các doanh nghiệp như YouTube, Google, Netflix, Amazon, Facebook… trao đổi về trách nhiệm và nghĩa vụ thuế. Đồng thời, trong quá trình xây dựng các thông tư hướng dẫn đều lấy ý kiến của các doanh nghiệp này và hướng đến sự tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.
Trước lo ngại về việc nguồn lực của ngành thuế có đáp ứng được sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, sự cởi mở trên thị trường "mạng" để thực hiện tốt công tác quản lý thuế hay không, ông Đặng Ngọc Minh cho biết Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực.
"Chúng tôi đã yêu cầu toàn hệ thống, mỗi đơn vị phải thành lập những tổ đội đủ chức năng để quản lý thuế trong lĩnh vực này. Khi trên thực tế thay đổi mô hình kinh doanh thì cơ quan thuế cũng phải thay đổi cách quản lý cho phù hợp. Cơ quan thuế đã khảo sát thực trạng kinh doanh online, phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, các doanh nghiệp trung gian thanh toán để quản lý. Cùng với đó là áp dụng các giải pháp công nghệ"- ông Đặng Ngọc Minh khẳng định.