Siêu cường Mỹ có nguy cơ vỡ nợ

Thứ hai, ngày 18/07/2011 06:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong bài phát biểu hàng tuần qua đài phát thanh và Internet, ngày 17.7, Tổng thống Mỹ Obama lên tiếng kêu gọi tất cả người dân Mỹ có ý kiến về khoản nợ 14,4 nghìn tỷ USD vì “chúng ta sống trong cùng một quốc gia”.
Bình luận 0

Cần “cao kiến” của dân

Tổng thống Obama nhấn mạnh, những người giàu nhất nước Mỹ phải “trả phần công bằng của họ”. Tổng thống Obama thúc giục, dân chúng phải có “cao kiến” về vấn đề này khi ngày 2.8 tới sẽ là hết thời hạn cho những nỗ lực của ông về việc cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Nợ quốc gia của Mỹ hiện là 14,4 nghìn tỷ USD, nhưng các quan chức chính phủ, nhà kinh tế và chuyên gia tài chính đã cảnh báo việc chính phủ quá hạn trả nợ có thể gửi đi những tín hiệu xấu trong bối cảnh nền kinh tế đang đầy bất trắc.

img
Tổng thống Obama kêu gọi dân chúng có ý kiến về khoản nợ.

Giám đốc truyền thông của ông Obama, Dan Pfeiffer nói rằng, Tổng thống, Phó Tổng thống Joe Biden và các trợ lý của Nhà Trắng đang thảo luận “những lựa chọn khác nhau” với các lãnh đạo nhánh lập pháp ở hai viện từ cả hai đảng.

Hạ viện, do phe Cộng hòa kiểm soát, dự kiến sẽ bỏ phiếu trong tuần tới về việc có cho phép hay không nới lỏng hạn chế vay mượn của Chính phủ. Tại Thượng viện, cuộc thương lượng có thể dễ dàng hơn cho ông Obama khi lãnh đạo hai đảng chính đã lên kế hoạch cho phép tổng thống nâng giới hạn nợ mà không cần phải bỏ phiếu.

Trong khi chú trọng phần nhiều vào khả năng bị vỡ nợ, các nhà kinh tế cho rằng Chính phủ Mỹ có khả năng cắt giảm chi tiêu hơn nữa trước ngày 2.8, thời điểm Chính phủ sẽ không còn tiền để thanh toán các khoản chi tiêu nếu Quốc hội không thông qua dự luật cho phép Chính phủ tiếp tục vay tiền.

Với mức thâm hụt ngân sách hiện nay, Chính phủ Mỹ có thể sẽ phải cắt giảm 40% hoạt động như đóng cửa phần lớn các cơ quan chính phủ, ngừng xuất chi phiếu trả lương cho binh sĩ, đóng cửa các tòa án hoặc hoãn trả an sinh xã hội cho người già. Ông Michael Ettlinger thuộc Trung tâm Tiến bộ Mỹ nói: "Đây sẽ là một thảm họa thực sự".

Đồng USD sẽ tới hồi cáo chung?

Trong khi đó, Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, cảnh báo: "Đồng USD sẽ tới hồi cáo chung. Các tập đoàn lớn không thể vay nợ, thị trường chứng khoán sụp đổ, các cơ cấu thanh toán cơ bản hỗ trợ nền kinh tế sẽ bị hủy hoại. Đây sẽ là cú đòn giáng vào niềm tự hào quốc gia của người Mỹ”.

Trung tâm chính sách lưỡng đảng đóng vai trò độc lập, cho biết: "Bộ Tài chính Mỹ không có chiếc túi thần kỳ bí mật nào để tài trợ cho hoạt động của Chính phủ sau ngày 2.8". Nếu Chính phủ không được vay tiền, nền kinh tế Mỹ sẽ hứng chịu một cú sốc nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.

Ông Roman Andreev - Giám đốc điều hành của Hãng đầu tư QUADRO, nhận định: "Chắc hẳn sẽ xuất hiện làn sóng rút tiền gửi khỏi các ngân hàng, khu vực doanh nghiệp chắc sẽ bắt đầu nỗ lực sa thải và thu hẹp biên chế, tất cả sẽ phải thắt lưng buộc bụng và cắt giảm chi phí. Điều này sẽ tác động đến, thứ nhất là ngành công nghiệp Mỹ, và thứ hai là đánh vào lòng tin của giới tiêu dùng. Và sau đó, đây sẽ không chỉ là vấn đề của một quốc gia, mà là vấn đề mang tầm thế giới".

Tuy nhiên, hiện các chuyên gia Mỹ vẫn giữ tinh thần lạc quan vì tin rằng Tổng thống Obama và Quốc hội không thể nào để khối nhân viên nhà nước và giới hưu trí rơi vào cảnh không có lương và phụ cấp, còn nền kinh tế thiếu đầu tư. Hiện giờ, các quan chức Mỹ đang huy động mọi khả năng hùng biện để thuyết phục giới đầu tư không nên hoảng sợ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem