Siêu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ thực chất từ Chính phủ
Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam khác với các dự án lớn trước đây khi lần này, Chính phủ Việt Nam đưa ra thông điệp rõ ràng: các doanh nghiệp tư nhân trong nước không chỉ được mời tham gia, mà được kỳ vọng sẽ đảm nhận vai trò trung tâm trong nhiều khâu – từ cung cấp vật liệu, thi công hạ tầng, sản xuất thiết bị cho đến vận hành và bảo trì toàn hệ thống.
Với tổng mức đầu tư vượt 67 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang khởi đầu không chỉ như một chương trình hạ tầng quốc gia, mà còn như một bài kiểm tra chiến lược về khả năng tham gia sâu rộng của khu vực kinh tế tư nhân trong các công trình công lớn.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Doanh nghiệp Việt đủ sức thi công 80% khối lượng xây dựng
Chia sẻ tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới” do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức, ông Hồ Đức An – Giám đốc Kỹ thuật, Công ty CP FECON cho biết, hơn một thập kỷ trước, khi các tuyến đường sắt đô thị bắt đầu được triển khai, FECON đã thành lập công ty thành viên chuyên trách mảng thi công hạ tầng đường sắt.
Đồng thời, FECON xây dựng chiến lược phát triển nhân lực bài bản: tuyển dụng chuyên gia từ Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và cử kỹ sư Việt Nam tham gia trực tiếp các dự án cùng các tổng thầu quốc tế. Chúng tôi học từ công trường, không học trong sách
Hiện, với các cấu phần như nền đường, cầu, hầm, nhà ga và hệ thống kỹ thuật, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể đảm đương 70 - 80% khối lượng xây dựng của dự án.
Tuy nhiên, quy mô siêu dự án như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đòi hỏi năng lực tổ chức vượt trội, khả năng phối hợp chuỗi cung ứng liên vùng và tiếp cận công nghệ thi công hiện đại.
Đề cập đến những kiến nghị để doanh nghiệp Việt được tạo điều kiện và cơ chế tham gia vào dự án đường sắt, ông An cho rằng, thời gian tới, doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ và các bộ, ban, ngành sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí chỉ định thầu. Đồng thời, việc lựa chọn công nghệ cho dự án đường sắt cần sớm được quyết định để các doanh nghiệp có cơ sở chuẩn bị.
Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào công nghiệp đường sắt, đặc biệt là xây dựng hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia Bắc - Nam, mong muốn nhận được sự hỗ trợ thực chất từ Chính phủ.
Đơn cử, về đất đai: khi đầu tư xây dựng trụ sở sản xuất cấu kiện bê tông hoặc xưởng sản xuất, đại diện FECON đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về mặt bằng, ưu đãi thuế và tín dụng, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý để triển khai dự án.

Thứ ba, lãnh đạo FECON đề xuất Chính phủ có chương trình miễn thuế đối với các thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản phục vụ sản xuất cấu kiện bê tông, lu sắt hoặc thi công công trình đường sắt.
Tương tự, việc miễn thuế cho các linh kiện điện tử, thiết bị máy móc thi công, phụ tùng và các sản phẩm đặc thù trong ngành đường sắt cũng rất quan trọng. Điều này bao gồm cả những sản phẩm mà Việt Nam đã sản xuất được nhưng chưa đáp ứng đủ yêu cầu của dự án đường sắt Bắc - Nam.
"Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cụ thể cho các doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư vào công nghệ, cơ sở sản xuất và nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành trong thời gian tới", ông An nhấn mạnh.
Theo ông An, để doanh nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ và tham gia sâu hơn vào dự án, Nhà nước cần có cơ chế chỉ định thầu hoặc đặt hàng cho doanh nghiệp trong nước. Cần cho phép doanh nghiệp dựa trên đánh giá sơ bộ về năng lực và tiềm năng, tham gia vào các hạng mục công trình. Hoặc, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thành lập các tổ hợp, liên doanh với đơn vị nước ngoài và quy định tỷ lệ nội địa hóa khi nhận chuyển giao công nghệ.
Tham gia một dự án như đường sắt Bắc - Nam không chỉ là chuyện trúng thầu hay hoàn thành một gói việc. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt trưởng thành trong hệ sinh thái công nghiệp hạ tầng.
Với vai trò là nhà thầu thi công xây dựng, đại diện FECON cho rằng, chỉ bằng cách chỉ thầu, thành lập liên doanh, tổ hợp và quy định tỷ lệ nội địa hóa, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững hơn trong tương lai. Đây là kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, ví dụ như Trung Quốc đã áp dụng từ 30 năm trước.
"Tuy nhiên, chúng ta chưa nắm rõ các yếu tố kỹ thuật của các dự án, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao. Một trong những giải pháp mà giới chuyên môn đề xuất và chúng tôi nhất trí là phải thuê các chuyên gia, nhà tư vấn thiết kế tham gia vào tổ tư vấn thiết kế và quản lý dự án", ông An nhấn mạnh.
"Nếu chờ có chính sách rồi mới khởi công, thì chắc chắn là chậm chân..."
Là một trong những doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn Hòa Phát đã chủ động tuyên bố đầu tư vào nhà máy sản xuất ray thép – một cấu phần then chốt của dự án – ngay cả khi chưa có hợp đồng mua bán chính thức từ phía Chính phủ. Điều đó cho thấy tầm nhìn dài hạn, tinh thần tiên phong và sự sẵn sàng của khu vực tư nhân trong việc đồng hành với các chương trình quốc gia quy mô lớn.
Chia sẻ về quyết định này, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết, về lý thuyết, đầu tư là phải có thị trường, có khách hàng, rồi mới tính đến hiệu quả và đa số doanh nghiệp sẽ chờ Nhà nước ra chính sách, ra đơn hàng rồi mới đầu tư.

"Chúng tôi tính toán kỹ, ngay cả khi triển khai nhanh nhất, một nhà máy cán thép ray cũng mất ít nhất 20–22 tháng để hoàn thành. Nếu chờ đến khi Chính phủ ban hành chính sách rồi mới khởi công, thì chắc chắn là chậm chân", ông Thắng nói.
Vì vậy, với dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ngoài các yếu tố kinh tế, còn có một phần rất quan trọng là trách nhiệm chiến lược, là cống hiến cho đất nước. Đại diện Hoà Phát nói thêm, xác định dự án này là một dự án rất quan trọng và trọng điểm, cho nên xác định ngay sẽ phải tham gia dự án này ngay từ đầu.
Theo đó, nếu Hoà Phát đầu tư từ bây giờ thì cũng phải đến đầu năm 2027 mới bắt đầu có sản phẩm. Chính vì vậy, Hòa Phát quyết định đầu tư ngay từ hôm nay chứ không chờ đợi nữa.
Nói thêm về quyết định này, ông Thắng cho biết, cơ sở để Hòa Phát đưa ra quyết định này là thông điệp của Chính phủ hiện nay đang muốn phát triển ngành công nghiệp đường sắt và khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân. Đây là một thông điệp xuyên suốt, không chỉ là một câu nói đơn lẻ.
"Tôi tin tưởng rằng với thông điệp này, Chính phủ sẽ đặt hàng doanh nghiệp để thực hiện các dự án. Niềm tin này không mù quáng.
Chúng tôi nhìn thấy đường lối rõ ràng. Còn tất nhiên, để cụ thể hóa vẫn cần nhiều bước: Từ cơ chế mua bán, quy chuẩn kỹ thuật, đến chính sách giá", ông Thắng nói.
Ngày 19/12/2024, Quốc hội đã chính thức phê duyệt Nghị quyết số 172/QH15, xác lập chủ trương đầu tư cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Chưa đầy bốn tháng sau, vào ngày 23/4/2025, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 106/NQ-CP nhằm cụ thể hóa kế hoạch triển khai nghị quyết của Quốc hội – nhấn mạnh tính lưỡng dụng của hệ thống: vừa phục vụ vận tải hành khách, vừa có khả năng hỗ trợ vận tải hàng hóa và đảm bảo quốc phòng – an ninh khi cần.
Trong một động thái thể hiện sự quyết liệt, Chính phủ yêu cầu hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng trước ngày 31/12/2026 – thời điểm dự kiến khởi công dự án. Mục tiêu không chỉ là hoàn thành tuyến đường dài hơn 1.500 km nối liền hai đầu đất nước, mà còn là thiết lập một chuỗi cung ứng công nghiệp nội địa quy mô lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước.