Sinh viên "mắc kẹt" tại TP.HCM: Truyền bí kíp ăn mì gói, động viên nhau "chiến đấu với Cô Vi"

Mỹ Quỳnh Thứ tư, ngày 21/07/2021 14:44 PM (GMT+7)
Hàng trăm sinh viên bám trụ lại TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, các em vẫn lạc quan, động viên nhau cùng cố gắng để vượt qua đại dịch Covid-19.
Bình luận 0

Tính đến hết ngày 20/7, TP.HCM có 38.147 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố (chưa tính số ca nhiễm đã công bố sáng ngày 21/7). Trong đó, 37.855 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 292 trường hợp nhập cảnh.

Hôm nay cũng là ngày thứ 13 toàn TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, là thời gian then chốt để triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Chia sẻ "bí kíp ăn mì gói không nổi mụn", lạc quan vượt qua đại dịch

Trên nhiều diễn đàn dành cho sinh viên, câu chuyện xung quanh việc ăn mì dài ngày nhưng không gây nóng, không gây nổi mụn đang được quan tâm nhất những ngày gần đây. Nhiều "chuyên gia" ăn mì dài ngày đã chia sẻ bí kíp, cách ăn "đúng đắn" để không ngán và hạn chế mụn.

Có bạn cho rằng nên ăn mì với nhiều rau, kết hợp uống nhiều nước. Có bạn thì nhiệt tình chia sẻ bí kíp ăn mì ròng rã cả tháng của mình với cách trụng mì để loại bỏ dầu chiên không tốt cho sức khoẻ, sử dụng gia vị sẵn có như: muối, mì chính để pha mì chứ không dùng gói súp trong bao mì.

Sinh viên "mắc kẹt" tại TP.HCM: Truyền nhau bí kíp ăn mì không nổi mụn, động viên cố gắng cùng "chiến đấu Cô Vi" - Ảnh 1.

Đằng sau câu hỏi xin bí kíp ăn mì gói không nổi mụn, cũng chính là hoàn cảnh của hàng trăm sinh viên "mắc kẹt" tại TP.HCM trong mùa dịch. (Ảnh chụp màn hình)

Tưởng rằng đây chỉ là câu hỏi vu vơ, nhưng thực tế đằng sau đó chính là hoàn cảnh của nhiều sinh viên phải đối diện trong đợt dịch này. "Ăn nhiều mì gói đến nỗi, nghĩ đến là em nổi da gà", Bích Yên (sinh viên Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM) cho biết. Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn lạc quan chia sẻ, với điều kiện dịch bệnh hiện tại thì "có mì gói để ăn là rất hạnh phúc rồi, bị nổi mụn chút cũng không sao".

"Miễn sao an toàn chờ ngày hết dịch"

Nhiều sinh viên tỉnh khác "mắc kẹt" ở TP.HCM đang đối mặt với hàng loạt khó khăn trong cuộc sống. Trước đại dịch, nhiều em phải tự bươn chải để có tiền trang trải, lo chi phí ăn uống, thuê trọ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Dịch bùng phát, phần lớn các em không muốn trở về quê vì phải cách ly, đồng thời có nguy cơ mang theo dịch bệnh, nên vẫn bám trụ lại thành phố.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, Quốc Khánh (quê ở Bình Thuận) cho biết, Khánh là sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, một thân một mình Khánh khăn gói vào TP.HCM học đại học. Từ năm 2019 đến nay, ngoài giờ đến trường, em đều tranh thủ làm thêm để kiếm tiền trang trải.

Sinh viên "mắc kẹt" tại TP.HCM: Truyền bí kíp ăn mì không nổi mụn, động viên nhau "chiến đấu với Cô Vi" - Ảnh 4.

Sinh viên Trường đại học Tài chính - Marketing nhận nhu yếu phẩm của trường từ khu phong tỏa. (Ảnh: Kim Phụng)

"Dịch bùng phát, mất việc làm, em không kham nổi chi phí sinh hoạt hàng ngày nữa. Dù ở trọ chung với bạn, mỗi tháng tiền phòng chia đôi nhưng vẫn phải xin chủ trọ cho nợ. Trước đây, em làm phụ bàn ở trung tâm tiệc cưới, mỗi tiếng được trả 20.000 đồng. Sau khi dịch bùng phát, em thay đổi nhiều công việc nhưng cuối cùng nghỉ vì việc em làm đều liên quan đến dịch vụ ăn uống", Khánh nói.

Tương tự, H.T.N (quê ở Đắk Lắk), sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho hay, nhà nghèo nên khi vào đại học là em đi làm thêm, vừa bưng bê phụ quán, vừa làm gia sư để có tiền. H. nói: "Khá xui là đợt dịch này, khu trọ nơi em ở có trường hợp F0 nên bị phong toả. Sợ gia đình lo lắng, em không dám nói, bố mẹ hỏi thăm thì chỉ bảo con vẫn ổn".

Sinh viên "mắc kẹt" tại TP.HCM: Truyền bí kíp ăn mì không nổi mụn, động viên nhau "chiến đấu với Cô Vi" - Ảnh 5.

Nhiều chương trình chăm lo cho sinh viên khó khăn trên địa bàn TP.HCM được triển khai. (Ảnh: V.Đ)

N. nói thêm, thời điểm này ai cũng khó khăn như ai, sinh viên dù vất vả chút nhưng không quá nhiều có gánh nặng như những gia đình lao động ở TP.HCM. "Hơn nữa, chúng em cũng nhận được sự quan tâm của đoàn trường, thành đoàn và nhiều mạnh thường quân cũng như các nhóm hỗ trợ. Nếu được cho gạo thì ăn cơm, cho mì ăn mì, miễn sao an toàn chờ ngày hết dịch", H. cho biết.

Còn Khánh tâm sự, những ngày gần đây, nhờ sự giúp đỡ của cô chú hàng xóm xung quanh nên em có gạo, có rau để nấu ăn. Ngoài ra, em cũng lên mạng xã hội tìm các nhóm thiện nguyện để xin hỗ trợ.

"Biết không thể dựa vào người khác mãi như thế này, song trong hoàn cảnh hiện tại em phải chấp nhận. Chờ hết dịch, cuộc sống ổn định lại rồi em lo bươn chải kiếm sống. Sinh viên chúng em ai cũng động viên nhau, chia sẻ với nhau để cùng cố gắng vượt qua những khó khăn", Khánh bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem