Sổ bảo hiểm xã hội, công ty hay người lao động được giữ?
Theo khoản 2 điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động được cấp và quản lý Sổ bảo hiểm xã hội.
Khoản 1 điều 96 quy định Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
Theo khoản 5 điều 21, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Căn cứ các quy định nêu trên, nếu công ty cố tình không trả Sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hướng đến quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.
Trong trường hợp này, người lao động cần ý kiến với Ban lãnh đạo công đoàn cơ sở để được hỗ trợ.
Lưu ý, theo điểm d khoản 4 điều 40 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, hành vi không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng với người sử dụng lao động là cá nhân (trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt bằng 2 lần mức phạt đối với cá nhân).