Sở GTVT Hà Nội: "Sẽ không xem xét gỡ biển cấm xe taxi ở 11 tuyến phố"

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 23/04/2018 18:30 PM (GMT+7)
Ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng việc cấm taxi vào các giờ cao điểm hiện nay là trái với Luật Giao thông đường bộ. “Vì taxi là một loại hình vận tải công cộng và phải di chuyển thường xuyên nên việc cấm taxi hoạt động là bất hợp lý, cần phải sửa đổi. Cái này chúng tôi và các chuyên gia đã nói nhiều rồi nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.” - ông Liên nhấn mạnh.
Bình luận 0

Doanh nghiệp muốn bình đẳng

Hiệp hội taxi Hà Nội đã có văn bản gửi UBND Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội, kiến nghị dỡ bỏ biển cấm taxi trên các tuyến phố để tạo điều kiện cho loại xe này hoạt động bình đẳng với các loại hình vận tải công cộng khác trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, trước thay đổi của kinh tế thị trường và sự phát triển của công nghệ, các thành viên trong hiệp hội cho rằng cần phải thay đổi để theo kịp xu thế. Ngoài ra, Hiệp hội taxi Hà Nội rất cần những chính sách, giải pháp đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các doanh nghiệp vận tải.

img

Doanh nghiệp vận tải Hà Nội đề nghị TP.Hà Nội tháo gỡ biển cấm taxi trên các tuyến phố nội thành. Ảnh: Thành An

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội khẳng định ngày 20.3, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có nội dung “ưu tiên phát triển các loại hình vận tải khách công cộng (xe buýt, xe du lịch, taxi) trong tổ chức giao thông đô thị, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện công cộng từng bước giảm phương tiện cá nhân”. 

Theo đó, lãnh đạo Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, để hiện thực hóa chủ trương này, Hiệp hội taxi Hà Nội kiến nghị UBND, Sở GTVT TP.Hà Nội xem xét, tạo điều kiện cho phép tất cả xe taxi Hà Nội được tham gia vận chuyển khách bình đẳng như các loại hình vận chuyển khách công cộng khác bằng cách gỡ bỏ toàn bộ biển cấm taxi trên các tuyến phố, kể cả biển cấm theo khung giờ.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các doanh nghiệp đề nghị tháo bỏ các biển cấm taxi trên đường phố. Khoảng tháng 10.2017, Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội đã kiến nghị chính quyền và các cơ quan chức năng TP.Hà Nội rà soát, sớm tháo bỏ các biển trên đường phố cấm xe taxi, cắm biển dừng đỗ xe taxi và đồng ý cho xe taxi vào tất cả các đường, phố, trừ các đường phố cần quản lý để đảm bảo Quốc phòng an ninh, đối ngoại hoặc đoạn đường, tuyến phố thắt cổ chai và không hạn chế về giờ hoạt động của xe taxi trên các tuyến đường, phố nội đô.

Theo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, ô tô taxi không hoàn toàn là thủ phạm, là tác nhân gây ra sự ùn tắc giao thông và làm ô nhiễm môi trường trong thành phố. Lý do để Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội đưa ra kiến nghị này là để tạo sự công bằng trong vận chuyển hành khách, giữa xe ô tô taxi truyền thống và xe ô tô của các cá nhân, của tổ chức, doanh nghiệp, Uber, Grab…

Bài toán nan giải

Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia giao thông cho biết các nước trên thế giới họ thường cắm biển cấm xe cá nhân đi vào các khu phố, tuyến đường vào giờ cao điểm và cho phép các phương tiện công cộng di chuyển vào khu vực trên. Tuy nhiên, Việt Nam lại đi ngược lại là cấm xe công cộng. Việc này là bất hợp lý vì ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Thay cho lệnh cấm các cơ quan quản lý nhà nước nên đưa ra các quy định như tăng phí lưu thông vào giờ cao điểm.

img

Hà Nội hiện nay có 11 tuyến đường cấm xe Taxi hoạt động trong "giờ cao điểm". Ảnh: Thành An

Ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng việc cấm taxi vào các giờ cao điểm hiện nay là trái với Luật Giao thông đường bộ. “Vì taxi là một loại hình vận tải công cộng và phải di chuyển thường xuyên nên việc cấm taxi hoạt động là bất hợp lý, cần phải sửa đổi. Cái này chúng tôi và các chuyên gia đã nói nhiều rồi nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.” - ông Liên nhấn mạnh.

TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng: Đề xuất của Hiệp hội taxi là có căn cứ, bởi taxi là hình thức vận tải công cộng, lượng vận chuyển hành khách được nhiều hơn nhiều so với xe cá nhân. Do đó, cần có cơ chế để tạo sự thuận lợi cho hành khách được phục vụ từ “cửa tới cửa”. Tuy nhiên, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông vận tải cho rằng đây là bài toán nan giải.

“Hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện công cộng là điều ở nhiều nước trên thế giới đang thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng và quản lý giao thông còn chưa thực sự phù hợp, lộ rõ nhiều hạn chế, bất cập dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông còn thường xuyên diễn ra. Do vậy, để thực hiện được điều này có lẽ còn là bài toán nan giải” – TS Nguyễn Xuân Thủy băn khoăn.

img

 Đường Cầu Giấy - Xuân Thủy (quận Cầu Giấy) luôn xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm Ảnh: Thành An

Về việc này, ông Đào Việt Long - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở này chưa nhận được văn bản đề xuất này. Nếu nhận được văn bản Sở sẽ nghiên cứu và trả lời cụ thể. Hiện Sở GTVT Hà Nội cũng đang nghiên cứu đề xuất của Hiệp hội taxi Hà Nội và sân bay Nội Bài về việc tạo điều kiện cho xe taxi sân bay đi vào một số tuyến phố cấm. Điều này nhằm giúp khách du lịch nước ngoài thuận tiện hơn.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định quy định cấm taxi hoạt động ở một số tuyến phố vào giờ cao điểm là hoàn toàn hợp lý.

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, trước khi cắm biển cấm taxi trên 11 tuyến phố, Hà Nội đã nghiên cứu rất kỹ. Những phố cắm biển là tuyến đường thường xảy ra ùn tắc giao thông.

“Thực tế cho thấy một số tuyến phố sau khi có biển cấm taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ đã giảm ùn tắc. Tuyến đường nào giảm ùn tắc, chúng tôi sẽ gỡ biển cấm taxi và xe hợp đồng. Vì vậy, Sở sẽ không xem xét gỡ biển cấm xe taxi ở 11 tuyến phố” - ông Viện nói.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết có 2 tuyến phố vừa được Sở gỡ biển cấm taxi vì đã giảm ùn tắc là Mai Xuân Thưởng và Hoàng Hoa Thám (đoạn từ Ngọc Hà đến Mai Xuân Thưởng).

11 tuyến đường cấm taxi, xe hợp đồng

Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Trường Chinh (đoạn từ Vương Thừa Vũ đến Tôn Thất Tùng) - hạn chế hoạt động theo cả 2 chiều trong các khung giờ từ 6h-9h và 16h30-19h30.

Phố Khâm Thiên hạn chế hoạt động chiều từ Lê Duẩn đi Ô Chợ Dừa, trừ ngày lễ, thứ bảy, chủ nhật.

Các đường, phố cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ 24/24h gồm: Phủ Doãn cấm theo chiều Tràng Thi đến Hàng Bông; Cầu Giấy - Xuân Thủy cấm cả hai chiều; ngõ 897 Giải Phóng (cổng vào bến xe phía Nam), hạn chế hoạt động theo chiều từ Giải Phóng đi vào bến xe; Cầu Chương Dương cấm theo chiều từ Nguyễn Văn Cừ sang Trần Nhật Duật thời gian từ 6h đến 9h, trừ ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật.

Phố Hàng Bài (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt), hạn chế hoạt động theo chiều từ Trần Hưng Đạo đến Lý Thường Kiệt, thời gian từ 19h00 đến 24h00 các ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem