Sở hữu 53,59% cổ phần Sabeco, tỷ phú Charaen vẫn "chầu rìa": Ai bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài?

Nguyên Phương Thứ bảy, ngày 31/03/2018 07:30 AM (GMT+7)
Việc tỷ phú Charaen sở hữu 53,59% vốn điều lệ của Sabeco nhưng vẫn "chầu rìa" chưa được tham gia HĐQT, điều hành vì lý "thủ tục phức tạp" của Sabeco khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài lo ngại. Nếu sự việc này không sớm được giải quyết sẽ ảnh hưởng tới việc tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình cổ phần hoá DNNN của Việt Nam.
Bình luận 0

img

Dù đã mua thành công 53,59% vốn điều lệ của Sabeco thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage. Nhưng tới nay, Thaibev của tỷ phú Charoen vẫn chưa được trực tiếp tham gia Hội đồng quản trị và điều hành Sabeco

Lấy lý do “thủ tục phức tạp”, tỷ phú Charaen "chầu rìa"

Câu chuyện tỷ phú Charaen vay 5 tỷ USD để mua thành công 53,59% vốn điều lệ Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - mã CK SAB) nhưng vẫn chưa được tham gia HĐQT và điều hành vì lý do "thủ tục phức tap" buộc phải có đơn kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ khiến không ít nhà đầu tư giật mình. 

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ (VPCP), ngày 29.3, VPCP đã có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương xử lý kiến nghị của Công ty Thai Beverage Public (Thaibev) về việc công ty này tham gia HĐQT và điều hành Sabeco.

Cụ thể, theo kiến nghị của ThaiBev, cuối năm 2017, công ty của tỷ phú Thái Charaen đã mua thành công 53,59% vốn điều lệ của Sabeco thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage. Nhưng tới nay, Thaibev chưa được trực tiếp tham gia Hội đồng quản trị và điều hành Sabeco.

Trước kiến nghị của ThaiBev, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị của ThaiBev theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Ngay sau đó, thông tin tới Dân Việt, đại diện Bộ Công thương cho biết, hiện hai bên đang trao đổi theo nguyên tắc hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể trên cơ sở quy định của pháp luật.

“Lãnh đạo Chính phủ đã có chỉ đạo, 2 bên đã có thảo luận để thống nhất triển khai”, đại diện Bộ Công thương nói.

Về phía Sabeco, trả lời  Reuters, một giám đốc tài chính cấp cao của Sabeco cho biết: “Những cáo buộc cho rằng đại diện của Thaibev sẽ không thể tham gia vào hội đồng quản trị là không đúng sự thật. Tôi biết rằng Thaibev muốn cử ba đại diện tham gia vào hội đồng quản trị, và tôi nghĩ họ có thể tham gia”, nguồn tin tiết lộ với Reuter nói rằng quá trình này đã bị hoãn lại do “thủ tục phức tạp”.

Hiện Sabeco đang tiến hành giải quyết vấn đề này, những vấn đề xoay quanh việc cử thành viên HĐQT mới là người của Thaibev sẽ được quyết định tại cuộc họp cổ đông bất thường vào tháng tới.

Đừng đánh mất niềm tin của nhà đầu tư

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính (VAFI) cho rằng, dựa trên quan điểm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các DNNN, mong muốn giữ uy tín cho Chính phủ, và bảo đảm thực thi đúng Luật Doanh nghiệp, Bộ Công Thương nên chỉ đạo những người đại diện phần vốn Nhà nước tại Sabeco nhanh chóng gặp gỡ đại diện của ThaiBev, thỏa thuận việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường để đưa người của ThaiBev vào HĐQT, tham gia điều hành hoạt động của Sabeco.

Ông Hải nói: “Nếu chậm trễ thực hiện, sẽ gây mất uy tín cho Chính phủ. Đồng thời, gây ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư đối với quá trình cổ phần hóa các DNNN ở Việt Nam.

Ngoài ra, có một vấn đề thường xuất hiện trong các DNNN hoặc DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối khi diễn ra quá trình chuyển giao giữa đội ngũ lãnh đạo cũ và lãnh đạo mới là tiêu cực, tham nhũng. Trong quá khứ, nhiều lãnh đạo trước khi chuyển công tác hay về hưu, thường có dấu hiệu trục lợi, chia chác qua các hợp đồng kinh doanh có giá trị sai lệch so với thực tế.

Giai đoạn chuyển tiếp này lẽ ra phải tiến hành khẩn trương, để chủ mới có thể nhanh chóng tiếp quản, nếu không rất dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng. Giờ là lúc Bộ Công Thương phải có trách nhiệm với nhà đầu tư, bảo đảm uy tín cho Chính phủ trong quá trình cổ phần hóa. Nếu chúng ta thực hiện với một thái độ thiếu thiện chí, tiến trình cổ phần hóa chậm lại, giá trị cổ phần Sabeco cũng sẽ chịu ảnh hưởng”.

img

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI cho rằng Bộ Công Thương nên chỉ đạo Sabeco nhanh chóng gặp gỡ ThaiBev để thỏa thuận việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường

Theo ông Hải, về nguyên tắc, ThaiBev đã nắm trên 50% cổ phần nên số thành viên đại diện cổ phần của họ tại HĐQT có thể sẽ quá bán.

Ngoài ra, theo qua Luật Doanh nghiệp năm 2014, điều kiện tiến hành họp ĐHCĐ lần đầu được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51%. Việc ThaiBev nắm 53,59% cổ phần Sabeco là đủ điều kiện tiến hành họp ĐHCĐ. Thậm chí, theo lý thuyết thì chỉ cần nắm 26% vốn điều lệ là cổ đông có quyền chi phối các vấn đề trọng yếu của đại hội cổ đông.

Trước những lo lắng của các nhà đầu tư khi ThaiBev của tỷ phú Charaen đã vay các ngân hàng nước ngoài số tiền 5 tỉ USD để lo liệu thương vụ thâu tóm 53,59% cổ phần Sabeco và phải thanh toán trong vòng 24 tháng, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng: “Các ngân hàng nước ngoài chắc chắn đã thẩm định kỹ lưỡng chứ không thể cho ThaiBev vay tiền một cách dễ dãi. Mặt khác, ThaiBev cũng đang niêm yết trên sàn SGX ở Singapore. Bản thân Singapore là một trung tâm tài chính lớn nên họ cũng sẽ dễ dàng huy động vốn.

Ngay cả khi ThaiBev của tỷ phú Charaen không thể thanh toán 5 tỷ USD vay ngân hàng đúng hạn cũng không ảnh hưởng tới hoạt động của Sabeco bởi bản chất là một cổ đông của Sabeco đi vay tiền, không phải Sabeco vay”.

Ngày 26.11.2014, Quốc hội đã thông qua Luật Doanh nghiệp năm 2014, có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2015.

Một trong những thay đổi rất quan trọng của Luật này, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi cổ đông của các công ty là sự điều chỉnh về điều kiện tiến hành họp Đại hội cổ đông và điều kiện để thông qua Nghị quyết Đại hội cổ đông.

Theo Điều 141 Luật Doanh nghiệp 2014, điều kiện tiến hành họp ĐHCĐ lần đầu được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phiếu biểu quyết, lần 2 là 33% và không quy định tỷ lệ cho lần họp thứ 3, cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Về điều kiện để thông qua Nghị quyết ĐHCĐ, Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, một số nội dung như loại cổ phần, số lượng cổ phần chào bán, thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, tổ chức, giải thể công ty… phải đạt ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận. Các nội dung khác phải đạt ít nhất 51%.

Theo Luật doanh nghiệp mới, trong trường hợp điều lệ công ty quy định các tỷ lệ như trên, chỉ cần 26,01% số cổ phiếu có quyền biểu quyết trong lần ĐHCĐ thứ nhất (tức 51% của 51% số phiếu có quyền biểu quyết tham dự cuộc họp), và 16,8% trong lần ĐHCĐ thứ hai (tức 51% của 33% số phiếu) là đủ để thông qua các vấn đề trong Nghị quyết ĐHCĐ.

Đối với một số nội dung như loại cổ phần, số lượng cổ phần chào bán, thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, tổ chức, giải thể công ty thì cũng chỉ cần 33,15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết ngay trong ĐHCĐ lần 1.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem