Sóc Trăng: Nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng "tẩm bổ" cho gà, cá và cái kết bất ngờ

Trường Thạnh - Chúc Ly Thứ bảy, ngày 06/06/2020 07:00 AM (GMT+7)
Nhờ tìm tòi, học hỏi và chịu khó trong sản xuất, lão nông Trần Hoàng Sơn ở tỉnh Sóc Trăng đã áp dụng thành công mô hình nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng cho gà, cá ăn, thu về nửa tỷ đồng/năm. Được "tẩm bổ" ấu trùng ruồi lính đen, đàn gà, đàn cá nhà ông Sơn khỏe mạnh, lớn nhanh, thịt thơm ngon...
Bình luận 0

Với kỹ thuật đơn giản, tiết kiệm chi phí, nên nhiều nông dân đang thực hiện nuôi ruồi lính đen. Nắm bắt được những ưu điểm của ruồi lính đen, ông Trần Hoàng Sơn (ngụ khóm 5, phường 2, TP.Sóc Trăng) đã rất thành công khi áp dụng mô hình nuôi ruồi lính đen cung cấp thức ăn cho gà thả vườn và nuôi cá, mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Lấy chuồng heo nuôi ruồi lính đen

Trước đây, mô hình sản xuất chính của gia đình ông Sơn là chăn nuôi heo với tổng đàn gần 100 con, nhưng do dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn. Nhờ chịu khó học hỏi, tìm hiểu những cách làm ăn mới, hiệu quả, cách đây gần 1 năm, ông Sơn đã biết đến mô hình nuôi ruồi lính đen thông qua internet.

Nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng cho gà – cá ăn, lão nông thu nửa tỷ/năm - Ảnh 1.

Nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng cho gà – cá ăn, lão nông thu nửa tỷ/năm - Ảnh 2.

Ông Sơn tận dụng chuồng lợn bỏ không để nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng cho gà, cá ăn. Ảnh: Trường Thạnh.

Lúc mới thực hiện, ông chỉ dám mua 20 gr ấu trứng ruồi lính đenn giống với chi phí 300.000 đồng về nuôi thử nghiệm. Tận dụng chuồng heo bỏ trống có sẵn ông thiết kế chuồng nuôi ruồi lính đen có thêm vải mùng bao khép kín, rộng khoảng 5m2.

Qua quá trình nuôi, ông Sơn thấy rằng kỹ thuật nuôi ruồi lính đen khá đơn giản, thức ăn của loài vật này rất đa dạng. Người nuôi có thể tận dụng các loại phế phẩm trong nông nghiệp, như: Xác đậu nành, cám gạo, các loại trái cây, rau cải hư tại các chợ trong thành phố,…

Theo ông Sơn, vòng đời của ruồi lính đen từ 40-45 ngày. Ruồi lính đen trưởng thành có kích thước dài 10-15mm, chúng chọn chỗ ẩm ướt để đẻ trứng nên người nuôi cần thường xuyên phun nước tạo độ ẩm thích hợp.

 Ấu trùng của ruồi lính đen ăn tất cả các chất thải hữu cơ một cách nhanh chóng trước khi các hợp chất có thời gian phân hủy và tạo ra mùi hôi, do đó loại bỏ được mùi của rác thải. Do có chất đạm 45% nên ấu trùng của ruồi lính đen được thị trường sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.

"Cứ sau 2 - 3 ngày tôi có được một lứa ruồi xấp xỉ từ 30 - 50kg, mỗi con ruồi cái trưởng thành có thể đẻ từ 70 - 80 trứng. Sau khi ruồi đẻ, tôi lấy trứng cho vào khay, sau đó ủ trong 4 ngày trứng sẽ nở và sau 2 tuần sẽ thành ấu trùng, còn gọi là nhộng (dân gian gọi là dòi)" – ông Sơn cho hay.

Nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng cho gà – cá ăn, lão nông thu nửa tỷ/năm - Ảnh 3.

Nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng cho gà – cá ăn, lão nông thu nửa tỷ/năm - Ảnh 4.

Ông Sơn cho rằng kỹ thuật nuôi ruồi lính đen khá đơn giản, thức ăn của ruồi lính đen rất đa dạng. Ảnh: Trường Thạnh.

Từ ngày thứ 20, nhộng chuyển sang màu đen, chúng tự lột vỏ biến thành ruồi và bắt đầu đẻ trứng trong vòng 7 ngày ngắn ngủi rồi chết. Xác ruồi cũng được tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Lấy ấu trùng ruồi nuôi gà, cá

Hiện nay dù giá trứng ruồi rất cao, từ 15 - 20 triệu đồng/kg, nhưng ông Sơn chưa bán mà chỉ dùng tạo ra ấu trùng để làm thức ăn cho cá, gà; đồng thời tiếp tục nuôi tăng đàn ruồi lính đen.

Ngoài nuôi ruồi lính đen, ông Sơn tận dụng khoảng 500m2 diện tích mặt nước hiện có thả nhiều loại cá nước ngọt khác nhau, như cá tra, điêu hồng, trắm cỏ, chép,…

Ngoài sử dụng thức ăn có sẵn trong vườn nhà, thức ăn viên công nghiệp, ông Sơn còn lấy nhộng ruồi lính đen làm thức ăn cho cá hàng ngày. Nhờ đó, các loại cá trong ao của gia đình lớn nhanh, đã thu hoạch nhiều đợt và cho lãi khá.

Thấy xung quanh bờ ao nuôi cá còn nhiều đất trống, ông Sơn trồng thêm dừa, mít, mận, chuối. Không dừng lại ở đó, ông Sơn còn tận dụng mặt nước mương vườn để nuôi ếch thịt, ông còn học hỏi kỹ thuật để cho ếch sinh sản. Tổng thu nhập của mô hình hàng năm từ 450-500 triệu đồng.

Nuôi ruồi lính đen lấy ấu trùng cho gà – cá ăn, lão nông thu nửa tỷ/năm - Ảnh 5.

Ông Sơn chia sẻ: "Trước năm 1988, tôi dạy học ở huyện Thạnh Trị, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đồng lương giáo viên ít ỏi nên bỏ nghề về thành phố lập nghiệp. Vào năm 1991, tôi mua được miếng đất nhưng toàn lau sậy mọc hoang. Vốn yêu thích nghề nông, tôi ra sức cải tạo nhiều năm mới được như ngày hôm nay".

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hữu Thắng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Sóc Trăng, cho biết: "Với hiệu quả kinh tế mang lại, nuôi nuôi ruồi lính đen kết hợp gà thả vườn, cá của ông Sơn là mô hình tiêu biểu. Mô hình này được Hội Nông dân thường xuyên đến tham quan, khuyến khích và nhiều bà con đến học hỏi kinh nghiệm".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem