'Soi' kỹ hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, tránh 'cam kết miệng'

09/09/2021 07:00 GMT+7
Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đưa ra khuyến cáo với những người tiêu dùng khi ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ.

Thời gian qua, các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ vẫn tiếp tục được cơ quan truyền thông thông tin cũng như người tiêu dùng phản ánh tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đã có tranh chấp về loại hợp đồng này được xét xử tại Tòa án nhân dân TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa theo Bản án sơ thẩm số 54/2018/DS-ST ngày 16/11/2018 ("Bản án").

'Soi' kỹ hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, tránh 'cam kết miệng' - Ảnh 1.

Năm 2018, 37 khách hàng khởi kiện chủ đầu tư dự án khu nghỉ dưỡng Alma ở bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) sau khi ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ. Ảnh: Tấn Lộc/PLO chụp năm 2018)

Trong các thông tin được phản ánh cũng như nội dung khởi kiện tại Bản án nêu trên, việc người tiêu dùng không đọc kỹ hợp đồng tại thời điểm giao kết do thời gian eo hẹp là một thực trạng phổ biến.

Thậm chí sau khi ký kết hợp đồng, người tiêu dùng vẫn mặc nhiên xác định quyền và nghĩa vụ của các bên theo các thông tin được quảng cáo và "cam kết miệng" từ bên cung cấp dịch vụ hoặc đơn vị được thuê quảng cáo, bán hàng.

Đến khi phát sinh giao dịch trên thực tế, ví dụ nhận được thư điện tử thông báo từ phía Công ty hoặc khi khách hàng liên hệ để đặt phòng nghỉ dưỡng, khách hàng mới xem kỹ lại hợp đồng đã giao kết và thấy có những điều khoản không hợp lý hoặc không đúng với nội dung quảng cáo.

Về vấn đề này, khoản 1 Điều 17 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: "Khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng".

Tuy nhiên, bên cạnh nghĩa vụ của doanh nghiệp, việc nghiên cứu hợp đồng còn là quyền của người tiêu dùng và trong một số trường hợp, việc hợp đồng không được nghiên cứu kỹ còn xuất phát từ việc người tiêu dùng đã từ bỏ quyền này của mình trước sự chào mời về các lợi ích hấp dẫn nếu ký kết hợp đồng ngay.

Cụ thể, như trong vụ án nêu trên, nguyên đơn cho rằng, khi tham gia ký kết hợp đồng, nhân viên tiếp thị của bên cung cấp dịch vụ đã không cho nguyên đơn thời gian hợp lý để nghiên cứu nội dung hợp đồng.

Tuy nhiên, với lý lẽ này, Tòa án nhận định rằng việc dành thời gian nghiên cứu hợp đồng là quyền của người tiêu dùng, việc nguyên đơn không sử dụng quyền này là xem như từ bỏ quyền của mình. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như Bộ luật Dân sự không có quy định về việc nếu tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng thì hợp đồng sẽ vô hiệu.

Do vậy, việc nguyên đơn đã tự nguyện ký kết hợp đồng là có thật và tại phiên tòa, đại diện cho nguyên đơn vẫn khẳng định việc giao kết hợp đồng là hoàn toàn tự nguyện. Vì thế, hợp đồng phát sinh hiệu lực.

Như vậy, để tránh kết quả không mong muốn xẩy ra, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng: Yêu cầu doanh nghiệp cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng;

Trước khi quyết định, cần nghiên cứu kỹ hợp đồng và so sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc "cam kết miệng" của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung.

Tiếp đến, cần tỉnh táo trước những lợi ích hấp dẫn được chào mời để đặt cọc hoặc ký bất kỳ tài liệu nào do doanh nghiệp đưa ra bởi hệ quả của việc bị ràng buộc vào một giao dịch mình chưa hiểu rõ có thể sẽ lớn hơn rất nhiều lợi ích trước mắt.

Thái Thành
Cùng chuyên mục