Sống ở những sa mạc cát lớn nhất Việt Nam (kỳ 4): Làm giàu bên sa mạc cát

Bùi Phụ - Quang Đăng Thứ sáu, ngày 21/05/2021 19:01 PM (GMT+7)
Ninh Thuận nổi tiếng với nắng nhiều mưa ít và câu cửa miệng “xứ gì mà nắng như phan, gió như rang”. Nhưng ít ai ngờ sa mạc cát Nam Cương rộng hơn 700ha lại mát rười rượi khiến nhiều du khách đắm say!
Bình luận 0

Nơi đây có vẻ đẹp hút hồn, được những nhiếp ảnh gia ví như nàng công chúa ngủ quên hàng nghìn năm qua…

Nàng công chúa ngủ quên

Để đến được sa mạc cát Nam Cương, xe chúng tôi từ hướng Bình Thuận chạy bon bon qua eo biển Cà Ná. Thật khó nói hết cảm xúc khi chúng tôi đi giữa Quốc lộ 1, bên phải là biển xanh, bờ cát vàng, bên trái là đường sắt xe lửa và những ngọn núi đá chồng lên nhau như ai đó sắp đặt.

Nhiều chuyên gia du lịch chấm điểm, eo biển Cà Ná là một trong những eo biển đẹp nhất Việt Nam. Đặc biệt, là nơi giao thoa "tứ tuyệt" của: Núi - đường sắt - đường bộ - đại dương mênh mông, xanh thẳm... Nơi "tứ tuyệt" cũng là địa phận giáp ranh giữa tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Sống ở những sa mạc cát lớn nhất Việt Nam (kỳ 4): Làm giàu bên sa mạc cát  - Ảnh 1.

Du khách vui chơi trên sa mạc cát Nam Cương. Ảnh: Bùi Phụ

Sa mạc cát Nam Cương trải dài trên diện tích 700ha với độ cao trung bình từ 30-40m, có nơi cao nhất khoảng 100m so với mực nước biển. Xung quanh được bao bọc bởi núi, biển, làng mạc và cánh đồng măng tây làng Tuấn Tú.

Trong quy hoạch định hướng phát triển du lịch phía nam định hướng đến năm 2035, tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển khu vực đồi cát Nam Cương thành công viên sinh thái tự nhiên. Phát triển dịch vụ du lịch, các khu vui chơi, giải trí, các khu chức năng hỗn hợp, phù hợp với hệ sinh thái đặc thù, phát triển năng lượng tái tạo kết hợp nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao.

Vượt qua đường đèo ven biển Cà Ná - Phan Rang dài gần 20km với những khúc cua, mỏm đá nhô ra mé biển tuyệt đẹp, chúng tôi chạm vào "thân thể nàng công chúa đã ngủ quên hàng nghìn năm".

Sa mạc cát Nam Cương thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước, cách trung tâm TP. Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 8km về hướng Đông Nam. Cát ở đây trùng trùng điệp điệp, nhấp nhô từng đồi lớn nhỏ như sóng biển vỗ bờ. Tô thêm nét "đa tình" là những cánh đồng điện gió rộng lớn nằm ở 2 bên đường vào tâm sa mạc cát.

Theo người dân địa phương, Nam Cương đẹp nhất là vào mỗi sáng sớm bình minh và khi hoàng hôn chiều tà. Vào những thời khắc trên, những tia nắng bắt đầu len lỏi trên những trảng cát vàng làm bật lên những vân cát vàng, đậm khác nhau. Những dải màu của cát được sắp xếp độc đáo, có nơi thẳng tăm tắp, chỗ lại vút cao ngợp tầm mắt nhìn. Nét độc đáo khiến đồi cát Nam Cương không bao giờ nhàm chán đối với du khách thập phương đó là là sự "thay đổi diện mạo" từng giờ, từng ngày. Chỉ cần một đợt gió cuốn mạnh sẽ cuốn theo hàng triệu hạt cát di chuyển từ bờ này sang bờ khác, tạo nên những triền cát với những hình thù uốn lượn độc đáo, quyến rũ.

Chị Tô Thị Hiền, du khách từ TP.HCM cho biết, dù trời nắng nóng nhưng cát ở đây rất mát. Đứng trên đồi cát Nam Cương có thể nhìn thấy toàn cảnh non nước, núi đá hữu tình và cảnh làng chài yên bình bên bờ biển…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, hiện đã có một số doanh nghiệp, tour du lịch kết nối đến sa mạc cát Nam Cương đầu tư và tham gia các hoạt động du lịch biển, tìm hiểu văn hóa, làng nghề, khám phá đồi cát ở 2 huyện Ninh Phước, Thuận Nam. Sẽ phát triển thêm các loại hình thể thao trên cát như: Chạy xe môtô địa hình chinh phục đồi cát, để du khách có thêm nhiều trải nghiệm mới lạ trong hành trình khám phá Ninh Thuận.

Măng tây phủ xanh miền cát trắng

Sống ở những sa mạc cát lớn nhất Việt Nam (kỳ 4): Làm giàu bên sa mạc cát  - Ảnh 3.

Cụ bà Diệu Chi năm nay đã 87 tuổi, nhà ở phường Mỹ Bình TP.Phan Rang – Tháp Chàm vẫn thường xuyên được con cháu đưa đến sa mạc cát Nam Cương dạo chơi. Ảnh Bùi Phụ

Theo quan sát của chúng tôi, nằm sát chân sa mạc cát Nam Cương là nơi sinh sống của hàng ngàn gia đình bà con người Chăm theo đạo Bà ni thuộc làng Tuấn Tú (xã An Hải huyện Ninh Phước).

Tuấn Tú là vùng chuyên trồng rau sạch, nổi tiếng với thương hiệu rau An Hải địa nhiều năm qua ở Ninh Thuận. Hiện có gần 200ha đất sản xuất rau an toàn, mỗi ngày cung cấp hàng chục tấn rau, củ, quả và cây măng tây cho các chợ đầu mối, siêu thị. Nhờ đó, đời sống của bà con trong làng Tuấn Tú khá lên thấy rõ…

Ông Trần Cảnh, nông dân làng Tuấn Tú cho biết, đồi cát Nam Cương còn chứa đựng nhiều nét văn hóa, gắn liền với sinh hoạt của người Chăm và vết tích về Vương quốc Panduranga cổ xưa. Hàng năm, vào những ngày lễ lớn, bà con người Chăm thường lên đây cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc…

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông liên thôn về đến những cánh đồng măng tây xanh mướt, ông Hùng Ky- một lão nông ở làng Tuấn Tú cho biết, hơn chục năm về trước vùng cát trắng dưới chân đồi cát Nam Cương chỉ toàn cây xương rồng. Mùa nắng thiếu nước sản xuất nên phần nhiều đất nông nghiệp phải bỏ hoang. Thấy bà con trong làng khó khăn, ông Hùng Ky đã tiên phong đi vùng khác học hỏi và đưa cây măng tây về trồng thử nghiệm 4.000m2 đất trắng. Hơn 8 tháng sau, măng tây bắt đầu cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày từ 5kg/1.000m2. Từ năm thứ 2 trở đi, năng suất liên tục nâng cao, bình quân thu hoạch mỗi ngày từ 8 – 10kg/1.000m2, giúp gia đình ông có nguồn thu ổn định, vươn lên làm giàu từ cây măng tây trên vùng cát trắng.

Năm 2016, ông Hùng Ky đã mở rộng diện tích và vận động bà con nông dân thành lập HTX dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú. Từ đó, cây măng tây bắt đầu được nhân rộng ở vùng cát trắng nơi đây, đến nay diện tích măng tây đã lên đến trên 90ha. Riêng HTX Tuấn Tú sau gần 5 năm thành lập, đến nay đã có đến 62 hộ thành viên với diện tích gần 40ha măng tây.

Sống ở những sa mạc cát lớn nhất Việt Nam (kỳ 4): Làm giàu bên sa mạc cát  - Ảnh 4.

Du khách vui chơi trên sa mạc cát Nam Cương. Ảnh: B.P

Theo ông Nguyên Tin - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận, măng tây đang phát triển mạnh, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng 15 bể lắng chứa nước, cống lấy nước, trạm bơm biến áp, xây dựng hệ thống thủy lợi đưa nước từ hệ thống sông Lu về vùng đồi cát phục vụ cho vùng chuyên trồng măng tây.

"Với sự đầu tư hệ thống thủy lợi, cây măng tây sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích, phủ xanh triền cát 300ha trải dài ven biển ở huyện Ninh Phước xuống đến Phước Dinh (Thuận Nam). Ngành khuyến nông tỉnh sẽ đề xuất trồng theo hướng hữu cơ tiến tiến, góp phần đánh thức vùng cát trắng hoang sơ, trở thành vùng chuyên canh măng tây, tiềm năng của tỉnh nhà..."- ông Tin chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem