Startup công nghệ bán hàng online được 4 "cá mập" tranh giành, tự tin không thể thất bại

Hồng Quân Thứ ba, ngày 13/07/2021 14:20 PM (GMT+7)
Với giải pháp áp dụng công nghệ vào bán hàng online, giúp các chủ cửa hàng vận hành, giảm thấp nhất tỷ lệ hàng hoàn, Nobita.pro đã thu hút sự chú ý của 4 vị shark khó tính và gọi được số vốn cực khủng.
Bình luận 0

Startup công nghệ ra mắt ấn tượng, tự tin không thể thất bại

Xuất hiện với vẻ ngoài khỏe khoắn và bụi bặm, 2 CEO của starup Nobita.pro nhanh chóng gây ấn tượng mạnh với các cá mập nhờ khi trổ tài rap thay cho lời giới thiệu về thương hiệu của team mình.

Starup nhận là 'đệ tử' Shark Bình được 4 cá mập tranh giành, tự tin không thể thất bại - Ảnh 1.

Theo đó, Nguyễn Kim Cương và Chu Đức - hai nhà sáng lập của thương hiệu Nobita.pro - cho biết, Nobita.pro là một giải pháp vận hành cho các nhà kinh doanh online, bao gồm 4 phần chính. Đầu tiên là marketing đa kênh. Thứ 2 là hệ thống quản lý call center. Tiếp theo là xử lý đơn hàng, giảm tỉ lệ hàng hoàn thấp nhất.

Nguyễn Kim Cương cũng cho biết, hiện tại Nobita.pro đang làm điều này rất tốt, giảm từ 18% hàng hoàn còn 2-3% hàng hoàn cho khách hàng của mình. Điều cuối cùng và cũng là điểm khác biệt nhất của Nobita là hệ thống CRM (Customer Relationship Management – Quản lý quan hệ khách hàng) sẽ lưu trữ, theo dõi tất cả lịch sử của khách hàng, chăm sóc khách hàng và remarketing (tiếp thị lại) đến đúng đối tượng.

Ra mắt vào tháng 6/2020 và hiện đã có 9 nghìn người dùng (trong đó có 30% là người dùng trả phí) với doanh thu 9 tỷ. Đến Shark Tank, Nobita kêu gọi 500.000 USD cho 7% cổ phần với mục tiêu chính là có thể đẩy nhanh được tốc độ mở rộng ra các thị trường bên ngoài.

Chu Đức cho biết anh đã có 10 năm kinh nghiệm trong ngành thương mại điện tử và đã từng là quân của Shark Bình.

Trả lời câu hỏi của Shark Phú về cách thu tiền của startup và công cụ tìm kiếm khách hàng, Nguyễn Kim Cương cho biết, nguồn thu của Nobita.pro phần lớn đến từ việc cho các cửa hàng thuê phần mềm và thu tiền hoa hồng giao dịch từ bên thứ 3 như các dịch vụ vận chuyển, đóng gói.

Chu Đức cũng chia sẻ thêm, hiện anh đang là admin (quản trị viên) của một cộng đồng E-Commerce (thương mại điện tử) tại Việt Nam, từng tổ chức đào tạo cho doanh nghiệp và cá nhân nên đã dùng chính cộng đồng để đẩy sản phẩm của mình ra.

Starup nhận là 'đệ tử' Shark Bình được 4 cá mập tranh giành, tự tin không thể thất bại - Ảnh 2.

Shark Phú đặt thêm câu hỏi cho startup về doanh thu, lợi nhuận, chi phí vận hành hàng tháng. Nguyễn Kim Cương cho biết, dự kiến doanh thu năm 2021 của Nobita.pro sẽ cán mốc 30 tỷ, lợi nhuận 20%, chi phí vận hành 1 tháng từ 600 - 800 trăm triệu. Doanh thu tháng gần nhất là 1,6 tỷ, tăng trưởng 15%-25%/tháng. Dòng tiền mỗi tháng dư tầm 300-400 triệu 1 tháng. "Năm nay lãi 15-20% nhưng sang năm trở đi, lượng khách hàng tái ký hợp đồng thì chi phí marketing giảm xuống hẳn thì lợi nhuận sẽ cao hơn" – Nguyễn Kim Cương tự tin.

Cung cấp thêm số liệu, CEO của Nobita.pro cho biết, tổng giá trị đơn hàng (GMV) đi qua hệ thống Nobita hiện đạt khoảng từ 350 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng mỗi tháng. Với tốc độ hiện tại, anh Kim Cương nói rằng Nobita sẽ sớm cán bốc 1.000 tỷ GMV vào cuối quý III năm nay.

Shark Phú đặt ra câu hỏi, nếu đầu tư cho startup thì Shark sẽ thu hồi vốn bằng cách nào và trong bao lâu.

Nhà sáng lập Nobita.pro cho biết, hiện tại startup của mình chỉ đang vòng seed round (vòng hạt giống), đây cũng là vòng đầu tiên, chưa gọi bất cứ vòng vốn nào. Nhà đầu tư có thể exit (thoái vốn) vào các vòng series A, series B.

Shark Phú tiếp tục giả định không exit được, thất bại thì nhà đầu tư sẽ thu hồi được vốn bằng cách nào. Trả lời Shark Phú, Chu Đức tự tin cho rằng tỉ lệ thất bại của startup rất thấp, và không tin vào giả định của Shark Phú. "Em nghĩ là không thể thất bại được. Em rất tin vào product (sản phẩm) và business model (mô hình kinh doanh)".

"Vì anh đang rất cần một team IT để làm cho bọn anh, xấu nhất team phải về làm cho anh có đồng ý không? Còn không phải exit lại tiền cho anh, làm dịch vụ cho bọn anh để trừ hết nợ" – Shark Phú tiếp tục thương lượng.

"Shark đố cái gì khó hơn một chút đi", Chu Đức phản hồi lại đề nghị của Shark Phú.

Shark Linh đặt ra câu hỏi về sự khác biệt của Nobita so với các sản phẩm hiện có trên thị trường. Anh Chu Đức nói rằng đây là giải pháp dành cho những người "khù khờ" nhất về kinh doanh vẫn có thể vận hành được. Các sản phẩm tương tự trên thị trường để làm được điều tương tự như Nobita thường phải cần đến từ 5 – 6 giải pháp khác nhau.

4 cá mập khẩu chiến tranh starup

Starup nhận là 'đệ tử' Shark Bình được 4 cá mập tranh giành, tự tin không thể thất bại - Ảnh 3.

Cảm thấy thú vị với các hình thức AI Marketing, chăm sóc khách hàng một cách tự động, giảm bớt spam, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả, Shark Hưng đồng ý đầu tư cho Nobita.pro 500.000 USD đổi lấy 35% cổ phần, kèm điều kiện sau một năm, Shark Hưng có thể exit trước nếu muốn. Từ 1 - 3 năm, nếu không có nhà đầu tư khác nhảy vào, không exit được thì Shark Hưng có quyền bán và startup phải mua lại cổ phần (Put Option).

Shark Linh đánh giá, thị trường bán hàng online của Việt Nam sẽ tăng trưởng trong vài năm tới. Thế nhưng, chị chưa thấy rõ điểm khác biệt của Nobita.pro so với đối thủ trên thị trường, định giá của startup cũng hơi cao. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, thương mại điện tử, marketing,… cũng như nhận thấy đây là một cơ hội để Shark tham gia ngay giai đoạn đầu nhằm hỗ trợ startup phát triển tiếp, Shark Linh đề nghị 500.000 USD cho 45% cổ phần.

Shark Bình cũng cho rằng định giá doanh nghiệp của startup khá cao, khả năng kiếm tiền và mở rộng mô hình doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức và đưa ra đề nghị 500.000 USD cho 20% cổ phần.

Trong khi đó, nhìn thấy tiềm năng của đội ngũ sáng lập phù hợp với định hướng tương lai của Sunhouse, cùng với mong muốn đầu tư vào con người, Shark Phú đã “phá lệ”, thay đổi offer, giảm 6% cổ phần so với tỷ lệ ban đầu: 500.000 USD cho 19% cổ phần. 

Sau khi nghe thương lượng, Shark Phú đổi đề nghị của mình thành 200.000 USD cho 7% cổ phần và 300.000 USD dưới dạng khoản vay chuyển đổi với chiết khấu 30% so với định giá ở vòng sau. Shark Bình cũng tiếp tục đưa ra đề nghị mới là 400.000 USD cho 15% cổ phần và 100.000 USD là khoản vay chuyển đổi từ 3% đến 5% cổ phần kèm chiết khấu ở vòng sau, tuỳ theo tình hình hoạt động công ty.

Shark Phú và Shark Bình dường như là 2 Shark duy nhất nằm trong sự quan tâm của Nobita vì offer của Shark Hưng và Shark Linh đưa định giá của công ty về khá thấp. Nobita đề nghị lại với Shark Phú 250.000 USD cho 7% cổ phần và 250.000 USD là khoản vay chuyển đổi với chiết khấu 25% so với định giá vòng sau. Shark Phú chỉ đồng ý điều kiện 200.000 USD đổi lấy 7% và mức chiết khấu 25% ở vòng sau.

Starup nhận là 'đệ tử' Shark Bình được 4 cá mập tranh giành, tự tin không thể thất bại - Ảnh 4.

Shark Phú cũng cho rằng, mình là "dân cần phần mềm" nên sẽ tư vấn cho Nobita.pro đúng cái nhu cầu khách hàng.

"Không, các em phải phục vụ khách hàng ngoài kia! Chứ không chỉ phục vụ một mình Sunhouse!", "Tư duy của Shark Phú là doanh nghiệp lớn, khác hoàn toàn với khách hàng bọn em là 100.000 doanh nghiệp nhỏ" , Shark Bình phản pháo.

Shark Phú không chịu thua mà phản đòn lại: "Hai ông tech với nhau thì làm sao. Anh có marketing trong đầu, tài chính trong đầu, vận hành – quy trình trong đầu này, đấy mới là cái quý".

Shark Bình ăn miếng: "Em phục vụ Shark Phú thì em chỉ có một khách hàng".

Shark Phú liền trả miếng: "Anh đem tư duy của anh để áp vào phần mềm của em, chiến thắng những phần mềm khác".

Starup nhận là 'đệ tử' Shark Bình được 4 cá mập tranh giành, tự tin không thể thất bại - Ảnh 5.

Shark Bình lại thưa: "Nhưng mà tư duy của Shark Phú là doanh nghiệp lớn, khác hoàn toàn với đối tượng khách hàng của các em".

Shark Phú xin đáp bằng giọng kiên quyết: "Không! Anh đi từ doanh nghiệp bé tí nên to anh hiểu, bé anh hiểu, trung anh hiểu".

Màn khẩu chiến của 2 vị cá mập đã khiến chính 2 founders trở nên bối rối và căng thẳng. Cuối cùng vì muốn có sự tham gia của cả Shark Bình và Shark Phú, cuối cùng Nobita đồng ý đề nghị Shark Bình đầu tư 400.000 USD cho 15% cổ phần và Shark Phú đầu tư 100.000 USD là khoản vay chuyển đổi với chiết khẩu 25% so với định giá vòng sau.

Starup nhận là 'đệ tử' Shark Bình được 4 cá mập tranh giành, tự tin không thể thất bại - Ảnh 6.

Sau khi gọi vốn thành công, hai nhà sáng lập của Nobita.pro cho biết mình rất bất ngờ khi có 4 Shark đưa ra đề nghị đầu tư. Startup cũng bày tỏ tin tưởng, Nobita.pro khi có sự tham gia của 2 Shark Bình và Shark Phú thì Nobita.pro sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem