Startup công nghệ xe điện và khát vọng hiện thực hóa giấc mơ giao thông xanh ở Việt Nam

Thanh Tùng Thứ sáu, ngày 21/04/2023 10:55 AM (GMT+7)
Lấy bằng Tiến sĩ ở Mỹ, anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên có được vị trí Giám đốc một dự án sản phẩm công nghệ quốc phòng tại Viettel mà nhiều người mơ ước. Thế nhưng khát vọng xây dựng một hệ sinh thái xe điện xanh đã thôi thúc anh từ bỏ công việc đáng mơ ước để bắt đầu hành trình khởi nghiệp đầy gian nan.
Bình luận 0

Nắm bắt thời cơ trăm năm có một

Cuối tháng 11/2022, Công ty khởi nghiệp Selex Motors chính thức “chào làng” và cho ra đời hệ sinh thái xe máy điện tối ưu phục vụ trong lĩnh vực giao vận đầu tiên tại Đông Nam Á. Người sáng lập nên hệ sinh thái này chính là TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên – founder, CEO của Selex Motors.

TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên chia sẻ về khát vọng xanh hóa giao thông ở Việt Nam. 

Chia sẻ với Pv Dân Việt về ý tưởng khởi nghiệp của mình, TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho biết: “Bản thân tôi lấy bằng Tiến sĩ ngành Kỹ thuật Cơ khí ở Mỹ. Sau hơn 12 năm học tập và làm việc tại nước ngoài thì đến năm 2014 tôi quyết định trở về Việt Nam và làm việc tại tập đoàn Viettel. Năm 2018 chính là bước ngoặt của cuộc đời khi tôi quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp. Lí do là bởi tôi muốn phát triển nhiều hơn và có những cống hiến mang tính bền vững.

Tôi nhận thấy xe điện là một cơ hội hiếm có. Cuộc cách mạng xe điện có thể dẫn đến nhiều chuyển đổi sâu sắc. Quan trọng nhất, đây là quá trình chuyển đổi bền vững. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế trong mang xe máy do chúng ta là một trong bốn quốc gia sử dụng xe máy nhiều nhất. Vì thế, việc chuyển đổi sang xe điện là điều tất yếu trong tương lai”.

Startup công nghệ xe điện và khát vọng hiện thực hóa giấc mơ giao thông xanh ở Việt Nam - Ảnh 2.

TS. Nguyễn Hữu Phước Nguyên – founder, CEO của Selex Motors. Ảnh: Thanh Tùng.

Nghĩ là làm, anh Nguyên bắt tay ngay vào việc với suy nghĩ xe điện hoàn toàn có thể thay thế xe xăng. Tuy nhiên, quá trình chuyển giao này không thể diễn ra một cách nhanh chóng. Vì thế CEO của Selex Motors quyết định lựa chọn phân khúc giao vận. Bởi lẽ, đây là phân khúc phù hợp nhất đối với xe điện hiện tại. Đây là nhóm đối tượng đi lại nhiều nhất (gấp 5 lần thị trường) nên thường quan tâm đến vấn đề chi phí nhiều nhất.

Hơn nữa, các phương tiện giao vận truyền thống là nhóm đối tượng xả thải carbon nhiều nhất qua hệ thống phương tiện giao thông. Điều đó đã thôi thúc anh Nguyên phát triển hệ thống giao vận bằng xe điện.

Ý tưởng đã có nhưng khi bắt tay vào thực hiện, hàng loạt những khó khăn, thử thách bắt đầu xuất hiện. Bởi lẽ, khởi nghiệp vốn đã khó thì khởi nghiệp trong lĩnh vực phần cứng, công nghệ sâu lại càng khó hơn.

“Việc phát triển sản phẩm, công nghệ là một thách thức lớn. Hơn nữa, việc huy động nguồn vốn cũng gặp vô vàn khó khăn. Bởi lẽ, “khẩu vị” của nhà đầu tư thường là các phần mềm với khả năng thu hồi vốn và hiệu quả kinh tế nhanh. Còn với lĩnh vực phần cứng như xe điện là một lĩnh vực cần rất nhiều vốn và thời gian đầu tư lâu dài. Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà những nhà đầu tư nước ngoài cũng tỏ ra e ngại với hệ sinh thái mà tôi lựa chọn.

Một khó khăn nữa là về mặt con người. Đây là lĩnh vực mới, mang tính thử thách về mặt công nghệ nên việc lựa chọn nhân sự cũng rất khó hơn. So với thế giới thì những chính sách phát triển xe điện ở Việt Nam còn hạn chế”, CEO của CEO của Selex Motors cho hay.

Thành công với hơn 5 triệu USD vốn đầu tư

Vượt lên những khó khăn, Selex Motors dần phát triển và thu về những thành công ban đầu. Có thể kể đến là số vốn hơn 5 triệu USD từ các quỹ đầu tư của ngân hàng phát triển châu Á và một số quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Singapore, Pháp…

Dựa trên nguồn lực đó, Công ty Selex Motors đã cho ra đời mẫu xe máy điện Selex Camel dành cho hoạt động giao vận trong thành phố.

Đây là mẫu xe máy điện “bán tải” đầu tiên ở Đông Nam Á, với năng lực chuyên chở vượt trội 50% khối lượng hoặc thể tích so với các dòng xe khác. Ngoài ra, xe có chi phí bảo trì thấp hơn 50% so với các dòng xe máy xăng phổ thông. Nằm trong Hệ sinh thái xe máy điện tối ưu cho giao vận, Selex Camel giúp người dùng tiết kiệm 40% chi phí vận hành và nâng cao hiệu suất giao vận. Theo đánh giá của nhà sáng lập Nguyễn Hữu Phước Nguyên thì đây là sản phẩm mang tính đột phá trong nạp năng lượng, thiết kế độc đáo và ứng dụng các tính năng thông minh.

Startup công nghệ xe điện và khát vọng hiện thực hóa giấc mơ giao thông xanh ở Việt Nam - Ảnh 3.

Sản phẩm xe máy điện Selex Camel góp phần giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường. Ảnh: NVCC.

Xe máy điện Selex Camel là sản phẩm thông minh với nhiều cải tiến kỹ thuật so với các sản phẩm xe điện thông thường hiện có trên thị trường. Cụ thể, thay vì sạc pin mất 3-8 tiếng thì khách hàng có thể đổi pin đã hết, lấy pin đầy tại các trạm đổi pin của Selex. Quá trình đổi pin chỉ mất chưa đến 2 phút, nhanh gấp nhiều lần so với mua xăng truyền thống lại còn được thực hiện một cách tiện lợi, văn minh thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Chi phí đổi pin thấp hơn giá xăng từ 25-35% tính trên cùng một quãng đường đi được.

Đặc biệt Selex Motors đã đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ bản quyền nhằm sản xuất ra loại pin có độ tính tương thích cao, sử dụng tốt cho 70% chủng loại xe máy điện đang lưu hành trên thị trường. Lợi thế này giúp khách hàng của rất nhiều hãng xe điện khác có thể chia sẻ cùng một mạng lưới đổi pin, mở ra cơ hội xây dựng hạ tầng năng lượng chung cho xe máy điện, mà không phải riêng dòng xe Selex Camel. Với giải pháp toàn diện và tối ưu trên, Selex Motors hướng tới tạo một cuộc “cách mạng xanh” trong lĩnh vực giao vận, qua đó tạo nền tảng cho việc phổ cập xe điện ở Việt Nam.

Biến giấc mơ thành hiện thực

Tính đến thời điểm hiện tại, Selex Motors đã sở hữu 10 bằng sáng chế, 5 thiết kế kiểu dáng công nghiệp, 4 nhãn hiệu được cấp...

Hiện nay, Selex đã tiếp cận thị trường và hợp tác cùng nhiều đối tác quan trọng như Lazada, Grab, Viettel post… Selex Motors cũng đã thiết kế và xây dựng nhà máy sản xuất xe máy điện và pack pin lithium-ion với công suất lên đến 20.000 xe và 100.000 pack pin/năm. Các sản phẩm của công ty được sản xuất với tỷ lệ nội địa hoá hơn 70%.

Startup công nghệ xe điện và khát vọng hiện thực hóa giấc mơ giao thông xanh ở Việt Nam - Ảnh 4.

Các sản phẩm của Selex được sản xuất ngay tại thị trường Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về những mục tiêu trong tương lai, TS Nguyễn Hữu Phước Nguyên cho biết: “Đầu tiên, tôi mong muốn chuyển đổi hơn 50 triệu xe máy tại Việt Nam thành xe máy điện. Sau đó, tôi hướng tới thị trường Đông Nam Á. Đây cũng là một thị trường rất lớn với hơn 250 triệu xe máy xăng. Tầm nhìn của tôi là biến Selex trở thành một công ty hàng đầu về phương tiện điện thông minh tại khu vực Đông Nam Á”.

Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) được Thủ tướng ban hành qua thời gian 7 năm đã mang đến nhiều sự hỗ trợ tích cực cho cộng đồng startup. Số lượng quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng mạnh khoảng 60% và phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Năm 2021, Việt Nam là quốc gia có số lượng nhà đầu tư rất cao, đứng thứ hai chỉ sau Singapore. Dẫu Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư dài hạn tại khu vực Đông Nam Á nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp cũng không tránh khỏi các tác động từ suy thoái chung. Bằng chứng là sau mức đỉnh năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp năm 2022 chỉ đạt 855 triệu USD (giảm 40% so với mức 1,4 tỷ USD năm 2021) , số thương vụ cũng giảm từ 165 (năm 2021) xuống còn 85. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức đầu tư, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp của Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem