Sự phát triển của KH&CN sẽ tạo nên "đòn bẩy" chuyển dịch, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên "truyền thống" sang "tái tạo"

Thanh Tùng Thứ tư, ngày 07/06/2023 21:16 PM (GMT+7)
Đó là quan điểm được TSKH. Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nêu lên tại Hội thảo "Tổng kết 10 năm công tác thông tin, tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường giai đoạn 2013-2023", diễn ra trong sáng ngày 7/6.
Bình luận 0

Hội thảo có sự góp mặt của ông Vũ Thanh Mai -  Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cùng đại diện các bộ, ban, ngành và tổ chức, đơn vị liên quan.

Sự phát triển của KH&CN sẽ tạo nên "đòn bẩy" chuyển dịch, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên "truyền thống" sang "tái tạo" - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng cho biết: "Thời gian qua, triển khai thực hiện yêu cầu trên của Nghị quyết Trung ương và Chỉ thị của Ban Bí thư, các cấp, các ngành đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và cộng đồng; hình thành ý thức trách nhiệm và kỹ năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường người dân và doanh nghiệp; góp phần phát huy sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đảng ta đã đề ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Sự phát triển của KH&CN sẽ tạo nên "đòn bẩy" chuyển dịch, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên "truyền thống" sang "tái tạo" - Ảnh 2.

TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng.

Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động khó lường và được dự báo còn nhiều phức tạp. Cùng sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch từ khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên "truyền thống" sang tài nguyên "tái tạo". Với những cam kết mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường mà Việt Nam tham gia, đã đặt ra cho chúng ta nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức mới"

Dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn, Tiến sĩ Phan Xuân Dũng mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý sẽ có những sáng kiến, góp ý đánh giá về những kết quả đạt được, khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về Nghị quyết số 24-NQ/TW. Đồng thời xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thực hiện công tác định hướng thông tin, tuyên truyền về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới.

Theo nhận định của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai, trong những thập niên qua, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu đã tác báo động mạnh mẽ, gây ra nhiều ảnh hưởng, thiệt hại đối với sự phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nước ta nằm ở vị trí chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu; Vấn đề ô nhiễm môi trường vốn đã chịu sức ép từ lịch sử chiến tranh, lại phải đối mặt với các vấn đề nảy sinh từ quy mô dân số gần 100 triệu dân, quá trình CNH, HĐH, các thách thức phi truyền thống đến từ biến đổi khí hậu, dịch COVID-19 khiến công tác bảo vệ môi trường ngày càng trở nên khẩn thiết và nhiều khó khăn.

Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hệ thống các quan điểm về các vấn đề này của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt được tổng kết, bổ sung, hoàn thiện qua nhiều kỳ Đại hội. Nhiều chỉ thị, nghị quyết đã được ban hành đáp ứng những yêu cầu thực tiễn đặt ra, trong đó có Nghị quyết số 24.

Sự phát triển của KH&CN sẽ tạo nên "đòn bẩy" chuyển dịch, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên "truyền thống" sang "tái tạo" - Ảnh 3.

Các đơn vị quản lí, nhà khoa học tiến hành đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng.

Trong thời gian tới, để thực hiện thành công những nhiệm vụ và giải pháp đã ra, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng ô nhiễm, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu giúp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát triển kinh tế, phát triển bền vững đất nước thì một trong những giải pháp hàng đầu, quan trọng cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đó là cần đổi mới nội dung và phương thức tuyên truyền.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu, nhà khoa học đã được nghe các báo cáo, trình bày của đại diện cơ quản quản lý trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Đồng thời, các nhà khoa học,đại diện Liên hiệp Hội và các tổ chức Hội đến từ nhiều địa phương đã có những thảo luận, đóng góp sáng kiến khoa học, kĩ thuật góp phần nâng cao hiệu quả công tác công tác thông tin về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong thời gian tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem