Sự thật đằng sau điểm tập kết rác tự phát của Công ty MTĐT Xuân Mai ở chân cầu Đại lộ Thăng Long

Hoàng Thành - Minh Khôi Thứ năm, ngày 20/05/2021 15:44 PM (GMT+7)
Trong giai đoạn 2021-2025, Thủ đô Hà Nội hướng đến phát triển đô thị xanh, TP thông minh, hiện đại. Tuy nhiên, hiện ở một số khu vực, đặc biệt vùng ngoại thành việc xử lý rác thải vẫn còn nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường, bức xúc cho người dân.
Bình luận 0

Tiếp tục bài viết "Hà Nội: Bãi rác ngồn ngộn bốc mùi hôi thối ở cao tốc Láng-Hòa Lạc, lãnh đạo địa phương nói gì?", PV Báo Dân Việt đã có buổi làm việc với lãnh đạo chính quyền địa phương và đơn vị đang sử dụng khu đất dưới chân cầu vượt Đại lộ Thăng Long (Cao tốc Láng-Hòa Lạc) làm nơi tập kết rác để làm rõ vấn đề đã được nêu ra trước đó.

Càng tìm hiểu sâu, chúng tôi nhận thấy những bất cập trong quy hoạch, quản lý của các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội trong việc quản lý rác ở khu vực nông thôn, điển hình như ở huyện Thạch Thất – huyện đạt chuẩn nông thôn mới của TP.Hà Nội từ năm 2020.

Sự thật đằng sau điểm tập kết rác tự phát của Công ty MTĐT Xuân Mai ở chân cầu Đại lộ Thăng Long - Ảnh 1.

Một trong những hình ảnh rác ở khu tập kết của Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai tại chân cầu vượt Đại lộ Thăng Long (cao tốc Láng - Hòa Lạc) thuộc địa phận xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, TP.Hà Nội trong các ngày từ 30/4 đến 4/5/2021.

Doanh nghiệp chỉ "mượn" khu đất để làm bãi tập kết rác?

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội) Nguyễn Văn Hưng khẳng định, khu vực Báo Dân Việt phản ánh thực tế là "khu tập kết rác của Công ty Môi trường đô thị (MTĐT) Xuân Mai".

Khu tập kết này do Công ty MTĐT Xuân Mai thỏa thuận với một cá nhân liên quan đến khu đất do đơn vị của TP.Hà Nội quản lý. "Thực tế do hai bên tự thỏa thuận với nhau, chúng tôi đã đề nghị phải vận chuyển rác đi trong ngày vì trên địa bàn xã không có bãi rác", ông Hưng nói và nhấn mạnh: "Nếu tồn đọng do gặp sự cố thì để 1-2 ngày thì phải dọn ngay chứ không được để lâu ngày".

Thông tin thêm với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Hoạt, cán bộ môi trường xã Thạch Hòa cho biết, rác từ đầu năm được vận chuyển đi thường xuyên. "Hôm vừa rồi để quá 3 ngày, sau khi có ý kiến của người dân và Báo Dân Việt chúng tôi cũng đã gọi điện cho công ty và xử lý luôn", ông Hoạt nói.

Trước đó, trao đổi qua điện thoại với PV Dân Việt, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa Nguyễn Văn Thá khẳng định, khu vực Báo Dân Việt phản ánh "là điểm thu gom và vận chuyển rác" của Công ty MTĐT Xuân Mai… Mới đây, Công ty MTĐT Xuân Mai trúng thầu thu gom rác trên địa bàn huyện và "mượn" chỗ này (khu vực tập kết rác dưới chân cầu vượt Đại lộ Thăng Long) thông qua một đơn vị của TP.Hà Nội.

"Theo yêu cầu của xã, khi đã tập kết rác ở đó thì phải vận chuyển đi hàng ngày và phải phun khử khuẩn để đảm bảo môi trường. Khu vực này cách xa dân cư nhưng chúng tôi không cho phép để lâu", ông Thá nói và thông tin: "Khu vực này không phải đất của dân, của xã".

Đáng chú ý, đại diện UBND xã Thạch Hòa cho biết, phía Công ty MTĐT Xuân Mai sử dụng khu đất để tập kết rác là việc làm tự phát, đây là là quỹ đất công ích – đất phục vụ công cộng chứ không phải đất xây dựng cơ bản.

Sự thật đằng sau điểm tập kết rác tự phát của Công ty MTĐT Xuân Mai ở chân cầu Đại lộ Thăng Long - Ảnh 2.

Hình ảnh bãi tập kết rác tự phát của Công ty MTĐT Xuân Mai trong thời điểm PV Báo Dân Việt được người dân phản ánh và ghi nhận trước khi được thu dọn.

Sự thật đằng sau điểm tập kết rác tự phát của Công ty MTĐT Xuân Mai ở chân cầu Đại lộ Thăng Long - Ảnh 3.

Rác thải có dấu hiệu tồn tại lâu ngày, bốc mùi xú uế, nước từ đống rác bắt đầu rỉ xuống nền đất, thậm chí có nơi đã tạo thành những vũng nước lớn.

Sự thật đằng sau điểm tập kết rác tự phát của Công ty MTĐT Xuân Mai ở chân cầu Đại lộ Thăng Long - Ảnh 4.

Cán bộ môi trường xã Thạch Hòa cho biết, bình quân lượng rác của xã vào khoảng 180-190 tấn/tháng.

Vì đâu nên nỗi…!?

Sau nhiều lần liên hệ, tại buổi làm việc giữa PV Báo Dân Việt và đại diện Công ty MTĐT Xuân Mai (đơn vị "mượn" khu đất tại xã Thạch Hòa làm bãi tập kết rác), ông Nguyễn Ngọc Oanh, Giám đốc Công ty MTĐT Xuân Mai cho biết: Theo quy trình thu gom rác của các huyện nông thôn thuộc TP.Hà Nội, từ năm 2021 trở đi, đối với các huyện trên địa bàn Hà Nội đều phải có khu vực tập kết rác. Và điểm tập kết rác này phải căn cứ vào địa hình xã, cũng như kinh phí đầu tư.

"Huyện Thạch Thất có 23 xã, thị trấn và đặt mục tiêu mỗi xã đều phải có điểm tập kết rác, nhưng hiện nay mới chỉ có 17 điểm tập kết rác. Thạch Hòa là xã có diện tích đất rất rộng nhưng lại là 1 trong những xã đến nay chưa có điểm tập kết rác", ông Oanh nói và thông tin, toàn huyện Thạch Thất đến nay chỉ có 1 điểm tập kết rác ở xã Kim Quan là đúng tiêu chuẩn – được đổ bê tông và có mái che còn lại một số điểm tập kết rác ở các xã chỉ có nền bê tông còn lại là nền đất.

Sự thật đằng sau điểm tập kết rác tự phát của Công ty MTĐT Xuân Mai ở chân cầu Đại lộ Thăng Long - Ảnh 5.

Sau khi Báo Dân Việt phản ánh, chính quyền xã Thạch Hòa yêu cầu, song đến sáng ngày 8/5 Công ty MTĐT Xuân Mai mới dọn gần như hết rác.

Sự thật đằng sau điểm tập kết rác tự phát của Công ty MTĐT Xuân Mai ở chân cầu Đại lộ Thăng Long - Ảnh 6.

Đến ngày 8/5, số rác tồn đọng lớn đã được dọn chỉ còn lại số ít rác vương vãi...

"Vì chưa có kinh phí đầu tư xây dựng cho nên rác trong ngày được Công ty MTĐT Xuân Mai thu gom ở các thôn, xóm trong xã đổ ra bãi tập kết và dùng máy xúc lên xe để chuyển đi; bình quân mỗi điểm tập kết rác không quá 2 ngày lưu rác", ông Oanh nói và phân trần: "Ở các xã như Thạch Hòa mật độ dân cư quá đông, đường xá hẹp thì phải dùng xe cải tiến thì mới chở rác đi được, chính vì thế phải đổ ra bãi tập kết thì mới chuyển đi. Bên cạnh đó, lượng rác của 1 xã chỉ khoảng 2-3 tấn/ngày không đủ một chuyến xe để vận chuyển đi xa nên buộc phải để (lưu) ở điểm tập kết rác". 

Đáng chú ý, Giám đốc Công ty MTĐT Xuân Mai cho hay: "Điểm tập kết rác này trong quy trình thu gom rác của Sở Xây dựng quy định, trong hợp đồng đã có".

Ông Oanh cho hay, theo hợp đồng với huyện Thạch Thất, nếu xã Thạch Hòa không bố trí được điểm tập kết rác thì không đủ điều kiện để ký hợp đồng với Công ty MTĐT Xuân Mai, "nhưng đó là về "mặt lý" còn về "mặt tình" thì lại khác…", ông Oanh nói.

"Đây là tình trạng chung của một số khu vực ngoại thành Hà Nội, như Chương Mỹ, Mỹ Đức hay Quốc Oai thì đều giống nhau vì trong TP ngày nào cũng phải thu gom, còn ở nông thôn thì 2-3 lần/tuần… thì mới sinh ra bất cập, nếu không có những điểm tập kết rác như vậy thì khó, đây là bất cập chung vậy bây giờ bảo sai thì ai sai", ông Đào Văn Tiến, Phó Giám đốc Công ty MTĐT Xuân Mai cho hay.

Đề cập đến vấn đề pháp lý của khu tập kết rác, Giám đốc Công ty MTĐT Xuân Mai thông tin: Đất ở vị trí đó, các tuyến đường hành lang, đường gom là do Sở Giao thông vận tải Hà Nội quản lý; điểm trồng cây keo là do Sở Xây dựng Hà Nội quản lý.

"Còn vị trí Công ty tận dụng để làm điểm tập kết rác là của đường nước sông Đà chứ không phải của xã – nhưng thuộc địa bàn quản lý về mặt nhà nước là của xã. 

Đây là đất của đường ống nước sông Đà nhưng ở dưới chưa có đường ống nước. Vừa rồi họ phá keo, giải phóng mặt bằng để thi công đường ống nước sông Đà 2 nhưng chưa sử dụng nên công ty mượn để làm điểm tập kết rác tạm thời", ông Oanh nói.

Sự thật đằng sau điểm tập kết rác tự phát của Công ty MTĐT Xuân Mai ở chân cầu Đại lộ Thăng Long - Ảnh 8.

Sau khi Công ty MTĐT Xuân Mai vận chuyển số rác tồn đi, ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, tại bãi đất trống này xuất hiện một số mô đất nhô lên, đất còn rất mới, phía dưới những lớp đất này xuất hiện một số bọc ni-lon chứa rác thải.

Sự thật đằng sau điểm tập kết rác tự phát của Công ty MTĐT Xuân Mai ở chân cầu Đại lộ Thăng Long - Ảnh 9.

Những bọc ni-lon chứa rác được đất vùi lên.

Sự thật đằng sau điểm tập kết rác tự phát của Công ty MTĐT Xuân Mai ở chân cầu Đại lộ Thăng Long - Ảnh 9.

Sự thật đằng sau điểm tập kết rác tự phát của Công ty MTĐT Xuân Mai ở chân cầu Đại lộ Thăng Long - Ảnh 11.

Việc này được PV Báo Dân Việt phản ánh, trong ngày 10/5 lãnh đạo UBND xã Thạch Hòa đã cho cán bộ môi trường xuống hiện trường kiểm tra...

"Về pháp lý của điểm tập kết rác này nếu nói như xã Thạch Hòa thì cũng đúng và chưa đúng", ông Oanh nói thêm và lý giải: "Vì từ lúc triển khai đến lúc này là tháng thứ 5 ở huyện Thạch Thất, chúng tôi đề nghị kiểu gì xã Thạch Hòa phải có quỹ đất để làm bãi tập kết rác nhưng họ chưa bố trí được".

Về việc, tại xã Thạch Hòa không có bãi tập kết rác, ông Phùng Văn Hạnh, Công chức địa chính xã Thạch Hòa cho biết, trước đây, xã Thạch Hòa được TP.Hà Nội cấp cho hơn 1.000m2 đất ở khu Bắc Phú Cát để làm bãi rác.

Xã cũng đã sử dụng khu vực này để đổ rác, nhưng do phía đơn vị "đá ốp lát" - Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A "không cho" vì ảnh hưởng đến môi trường của họ và môi trường chung của người dân cũng như các doanh nghiệp xung quanh nên không thể sử dụng bãi rác này theo quy hoạch để làm nơi tập kết rác. "Hiện nay xã Thạch Hòa không có bãi rác", ông Hạnh nói.

Bên cạnh đó, vị Giám đốc này cho hay, tần suất thu gom rác ở Thạch Hòa là 1 tuần 3 lần nhưng hiện nay trong lúc xã chưa bố trí được thì Công ty đề nghị điều chỉnh lại tần suất thu gom rác ở Thạch Hòa là 1 ngày/lần thì mới đảm bảo được, bởi trên địa bàn đông dân cư và có nhiều nhà hàng, quán ăn… "không thể để lưu 3 ngày trong nhà được mà họ sẽ đem ném ra đường như vậy sẽ rất mất mỹ quan do đó buộc chúng tôi phải làm...".

"Nghĩa là 5 tháng vừa rồi chúng tôi làm không công 50% khối lượng bởi ngày nào cũng có người đi thu gom rác ở Thạch Hòa nhưng chỉ được thanh toán 3 lần/tuần. Trong lúc đề nghị với huyện, để tăng tần suất thì đến nay vẫn chưa giải quyết, nhưng chúng tôi vẫn đi thu gom rác hàng ngày để đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan", ông Oanh phân trần.

Giám đốc Công ty MTĐT Xuân Mai cũng thừa nhận, bãi tập kết rác ở Thạch Hòa là công ty tự vận động với chủ sở hữu đất sông Đà – đơn vị này giao cho một cá nhân quản lý ở rừng cây và công ty tự đầu tư xây dựng, làm cống thoát nước lấp đường mương lấy đường vào để đảm bảo mục tiêu bãi tập kết rác phải xa quốc lộ và đưa ra quy trình là tập kết rác sau 2 ngày thì dọn để chuyển rác đến nhà máy xử lý rác.

"Về mặt pháp lý, xã không cắm đất. Chúng tôi phải đi mượn đất và tự đầu tư và có những 'chi phí' khác. Ở đây chúng tôi muốn nói rằng là ý thức trách nhiệm với địa phương chứ không phải là chúng tôi mong muốn như vậy", ông Oanh nói.

Clip: Hình ảnh rác tồn nhiều ngày và sau khi được xử lý lại có dấu hiệu bất thường tại khu vực tập kết rác của Công ty MTĐT Xuân Mai ở xã Thạch Hòa (Thạch Thất, Hà Nội).

Đề cập đến vấn đề để tồn đọng một lượng rác lớn, ngồn ngộn, rỉ nước, bốc mùi, dưới nền đất có rất nhiều giòi bò... như Báo Dân Việt phản ánh, Giám đốc Công ty MTĐT Xuân Mai cho rằng: "Ở đây xác định là điểm tập kết rác chứ không phải là bãi rác. Và đã là điểm tập kết thì phải xúc vận chuyển đi trong 1-2 ngày. Theo quy định là 2 ngày nhưng hôm vừa rồi các bạn đến (PV ghi nhận và phản ánh) đã tồn rác quá 2 ngày, lý do vì máy xúc bị hỏng nên không xúc rác lên xe được".

Đất "vùi" lên rác...

Ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, sau khi báo Dân Việt phản ánh, hiện rác ở khu vực tập kết ở khu vực "rừng cây", sát chân cầu vượt Đại lộ Thăng Long (cao tốc Láng - Hòa Lạc) đã được phía Công ty MTĐT Xuân Mai cho người dọn những đống rác ngồn ngộn, trả lại mặt bằng là khu đất rộng, hàng ngày vẫn có các xe rác ra vào. Lượng rác tồn động không nhiều.

Tuy nhiên, tại bãi đất trống này lại xuất hiện một số mô đất nhô lên, đất còn rất mới, phía dưới những lớp đất này xuất hiện một số bọc ni-lon chứa rác thải.

Về việc này, PV Dân Việt đã phản ánh với đại diện Công ty MTĐT Xuân Mai, ông Nguyễn Ngọc Oanh khẳng định: Không có và không thể có bởi vì lượng rác chuyển đi 1 tấn hay 10 tấn đều được "ăn tiền", cho nên "phải tìm rác chở đi để ăn tiền".

"Ở đó là mặt bằng đất và đổ gạch và đá mạt, nhưng do mưa gió làm cho đá cứ lún dần, khi xúc rác bằng máy xong thì xuất hiện các ổ gà thì anh em phải san cho bằng để các xe lôi, xe 3 bánh, xe ô tô nhỏ chở rác vào được. Chúng tôi khẳng định rác là ra tiền cho nên không có chuyện chôn rác", ông Oanh giải thích.

Với câu trả lời của ông Oanh, chúng tôi phản ánh với chính quyền xã Thạch Hòa, trước chỉ đạo của lãnh đạo UBND xã, cán bộ môi trường của xã là ông Nguyễn Văn Hoạt đã cùng PV đến kiểm tra hiện trường. "Tôi sẽ trực tiếp báo cáo lại lãnh đạo xã và gọi điện cho phía công ty xuống xử lý", ông Hoạt nói.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa khẳng định với PV trong ngày 10/5 rằng, sẽ cho cán bộ địa phương kiểm tra cụ thể. "Nếu có việc chôn, lấp rác xuống đất thì không thể chấp nhận được việc này, chúng tôi sẽ mời công ty lên để xử lý chứ không thể để như vậy được", ông Hưng nói.

Tuy nhiên, sau hơn 1 tuần trôi qua, khi PV Báo Dân Việt liên hệ lại, vị Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa cho biết: (Từ hôm đó (ngày gặp PV báo Dân Việt, 19/5), ông đi viện và chưa về và sẽ thông tin lại sau.

Trong sáng 20/5, ông Nguyễn Văn Hoạt đã thông tin đến PV Báo Dân Việt rằng, hiện phía công ty MTĐT Xuân Mai đã làm sạch khu vực tập kết rác. "Chỗ rác bị vùi dưới đất ấy (tại chỗ PV phản ánh có dấu hiệu lấp đất lên rác) chúng tôi đã bắt bới hết lên", vị cán bộ môi trường xã Thạch Hòa cũng cho hay: "Chỉ có vài túi rác, trong quá trình vận chuyển bị rơi xuống chứ không phải lấp. Hiện phía Công ty MTĐT Xuân Mai đã đào lên và mang đi xử lý".


 

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem