Sửa cây mai vàng kiếm tiền Tết (Bài cuối): Dở khóc, dở cười nghề làm đẹp cho cây kiểng đang hot

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 21/01/2023 06:07 AM (GMT+7)
Theo nhiều nghệ nhân cây kiểng, vì đòi hỏi trình độ cao, hiện số nghệ nhân trong nghề sửa cây mai vàng, bonsai, kiểng cổ, tiểu cảnh thuộc hàng “lão luyện” ở miền Tây Nam bộ số lượng khá khiêm tốn.
Bình luận 0

Theo ông Phước Lộc, làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp), hiện tỉnh có đến mấy trăm người trong nghề sửa cây mai vàng, sửa kiểng nhưng số "bàn tay vàng" đếm chưa hết đầu ngón tay.

Nghề sửa mai rủng rỉnh tiền ngày Tết. Bài cuối. Dỡ khóc, dỡ cười nghề sửa mai - Ảnh 1.

Thợ trong nghề sửa cây mai vàng cần được hỗ trợ kiến thức để nâng cao tay nghề. Ảnh: Trần Đáng

Khi nghề sửa mai vàng "dính chưởng"

Hiện, không ai biết được trong nghề sửa mai có bao nhiêu người. Nghệ nhân Tư Triều chỉ biết có "khá nhiều" nhưng số nghệ nhân qua trường lớp "khá ít".

Theo anh Tuấn, sửa mai nghệ thuật phải có tay nghề cao, có kiến thức về đặc tính sinh trưởng của cây mai. Thời gian để tạo được một cây mai có dáng ưng ý phải mất vài ba năm...

Nhiều nghệ nhân cây kiểng cho biết, chăm sóc mai chưng Tết cho khách hàng ngán nhất là thời tiết... giở chứng. Nếu gặp tình huống này tay nghề dù là "cao thủ" có khi cũng... chào thua.

"Tôi làm nghề này hơn chục năm rồi, cũng tay ngang nhảy qua, nên "dính chưởng" mấy lần phải năn nỉ khách hàng gần chết họ mới chịu thôi không đền bù", một thợ sửa mai ở Tiền Giang thổ lộ.

Theo anh này, sau khi tạo dáng, thúc bón, đến Tết cây mai bỗng dưng… "điếc" nụ, không nở hoa.

Ngay như nghệ nhân Tư Triều cũng có vài lần… "lên ruột". Ông cho biết, sửa mai theo yêu cầu không đơn giản. Đôi khi sửa mai kiểu này, gia chủ giở chứng bắt làm lại kiểu khác.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Đông, làng mai Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, lâu nay ông không còn nhận sửa mai cho khách nữa.

"Phức tạp, lằng nhằng lắm, lấy tiền khách không dễ đâu. Mình làm kiểu này, khách hàng lại thích kiểu khác. Thời tiết đỏng đảnh, mai điếc, ít hoa… cũng chết mình. Tôi "chạy" bỏ nghề sửa mai từ lâu rồi", ông Đông chia sẻ.

Nghề sửa mai rủng rỉnh tiền ngày Tết. Bài cuối. Dỡ khóc, dỡ cười nghề sửa mai - Ảnh 3.

Nghề sửa cây mai vàng đang ngày càng phát triển số lượng thợ nhưng chất lượng chưa tương xứng. Ảnh: Trần Đáng

Theo ông Phước Lộc, người sở hữu kiểng quý thường rất đắn đo khi chọn thầy sửa kiểng, bởi mỗi đường cắt, nhát đục lên thân cây đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. Chỉ cần một sai sót có thể làm cây bị lỗi, mất đi giá trị thẩm mỹ.

Chuẩn hóa nghề sửa mai vàng

Ông Tư Triều nhận xét, tuy nghề sửa mai hái ra tiền, nhưng để trở thành người có kinh nghiệm, có tay nghề, có uy tín là cả một quá trình nghiên cứu, học tập, thử nghiệm khó khăn, vất vả. Bên cạnh đó, người theo nghề còn phải hội tụ các yếu tố: yêu nghề, sáng tạo, chịu khó, nhẫn nại, cần cù, bởi mỗi lần tác nghiệp sẽ không tuân thủ lối mòn của sản phẩm đã chỉnh sửa lần trước.

Bên cạnh đó, người làm phải có kiến thức tổng hợp trên nhiều lĩnh vực như am hiểu về nông nghiệp để nắm bắt quy luật phát triển của cây, cách bón phân thế nào cho phù hợp, kiến thức về mỹ thuật để tạo dáng thích hợp cho từng sản phẩm, kiến thức về điêu khắc để vận dụng vào công đoạn tạc cây, đục đẽo hoa kiểng...

Chính vì những yếu tố khắt khe buộc phải có nên người làm nghề sửa mai ngày càng hiếm hoi, dẫn đến cung không đủ cầu. Thậm chí, có người phải làm cả ban đêm mới kịp hợp đồng với khách hàng.

Nhiều địa phương do đã dự báo được sự hạn chế và tình trạng khan hiếm của những người thợ trong nghề sửa mai nên đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu về lĩnh vực chỉnh, sửa, tạo dáng cây kiểng. Tuy nhiên, số học viên có khả năng làm việc độc lập vẫn còn rất khiêm tốn, bởi đây là lĩnh vực tổng hợp của nhiều chuyên ngành.

Nghề sửa mai rủng rỉnh tiền ngày Tết. Bài cuối. Dỡ khóc, dỡ cười nghề sửa mai - Ảnh 4.

Nghề sửa cây mai vàng là một nghề nghệ thuật cần những người thợ phải qua trường lớp. Ảnh: Trần Đáng

Tại TP HCM, theo Trung tâm Hỗ trợ và Dạy nghề nông dân (Hội Nông dân TP.HCM), những năm qua Trung tâm đã tổ chức các lớp học sửa cây kiểng, bonsai, trong đó có sửa mai. Nhiều thợ học nghề đã ra trường và đang tham gia nghề sửa mai, bonsai, cây kiểng.

Nghề sửa cây mai vàng là nghề hái ra tiền nhưng xem ra để sống được với nghề này quả không dễ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem