Sửa Luật Thủ đô có cải thiện được chất lượng không khí, giảm ùn tắc giao thông?

Quỳnh Nguyễn Thứ ba, ngày 26/03/2024 11:57 AM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) nêu thực trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí ở Thủ đô hiện nay và đặt câu hỏi "sửa luật lần này có giải quyết được vấn đề này hay không?".
Bình luận 0

Sáng 26/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần 5, cho ý kiến về Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là một trong những luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tổ chức tháng 5/2024.

Sửa Luật Thủ đô có cải thiện được chất lượng không khí, giảm ùn tắc giao thông?- Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 26/3. Ảnh: Quốc hội

Cấp thiết giải quyết vấn đề ùn tắc, ô nhiễm không khí

Nêu ý kiến tại hội nghị, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) nêu thực trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí ở Thủ đô hiện nay. Ông Minh đặt câu hỏi "vậy sửa Luật Thủ đô có giải quyết được vấn đề này hay không?". 

Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị nêu mục tiêu tỷ lệ đất dành cho giao thông từ 16-26%, diện tích cây xanh đô thị bình quân 10m2/người vào năm 2030, ông Minh cho rằng cần đối chiếu với tỷ lệ này hiện nay của Hà Nội là bao nhiêu và khi sửa Luật Thủ đô lần này thì hướng các chỉ tiêu như thế nào. Từ đó, ông đề nghị bổ sung thêm cơ chế để giải quyết các vấn đề này.

Cũng quan tâm đến vấn đề giao thông ở Thủ đô, địa biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) nhận định, với tình trạng giao thông Hà Nội hiện nay rất khó để đáp ứng tiêu chí đô thị văn minh, hiện đại. Trong xây dựng Luật Thủ đô, ông Cảnh đề nghị quan tâm đến lĩnh vực giao thông, đặc biệt là giao thông tĩnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh dẫn thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, hiện diện tích đất của TP dành cho giao thông tĩnh và các điểm, bãi đỗ xe công cộng mới chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đỗ xe của tổng số xe hiện có, 90% còn lại được đỗ tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng như lòng đường, vỉa hè... 

"Chúng ta hướng đến một Thủ đô văn minh, hiện đại mà đậu xe như vậy thì rất khó để phát triển được", ông Cảnh nêu ý kiến.

Theo đại biểu Cảnh, cần quan tâm đến việc xây dựng các nhà để xe như xây dựng nhà ở xã hội, cho các doanh nghiệp xây dựng nhà để xe kinh doanh như một ngành nghề trong tương lai. 

Sửa Luật Thủ đô có cải thiện được chất lượng không khí, giảm ùn tắc giao thông?- Ảnh 3.

Mặc dù số lượng phương tiện giao thông cá nhân tiếp tục gia tăng theo từng năm, thế nhưng hiện nay việc đầu tư các bến bãi đỗ xe ở Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu. Ảnh: DV

Thận trọng khi áp dụng cơ chế "thử nghiệm có kiểm soát"

Một trong những vấn đề được xin ý kiến trong dự luật là về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Theo dự luật, thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế, với phạm vi được giới hạn dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Lĩnh vực công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới được đề xuất thử nghiệm phải có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp...

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho biết, ông đánh giá rất cao những quy định về kiểm soát những mô hình kinh doanh mới, dịch vụ mới. Ông Dũng cũng cho rằng tương lai có thể áp dụng việc dùng drone vận chuyển hàng hoá đến các địa điểm tại Hà Nội. 

Phân tích điểm e khoản 7 Điều 25 có quy định cơ quan hướng dẫn và kiểm soát có quyền yêu cầu tạm dừng thử nghiệm và đề xuất UBND thành phố quyết định chấm dứt thử nghiệm, vậy thì vấn đề đặt ra, thứ nhất khi đó tổ chức doanh nghiệp đề xuất thử nghiệm có được quyền khiếu nại, khởi kiện tại toà án hay không, đề nghị quy định ngay trong luật để đảm bảo tính minh bạch của quy định.

Thứ hai, liên quan việc xét xử của toà án. Khi TAND TP.Hà Nội xét xử có được lấy quy chế thử nghiệm do UBND TP.Hà Nội ban hành để làm căn cứ pháp lý và ra phán quyết hay không, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ việc này.

"Nếu TAND TP.Hà Nội vẫn căn cứ vào những quy định pháp lý hiện hành để xử lý với những khởi kiện này thì tôi nghĩ không hợp lý. Cần phải lấy quy chế của UBND TP.Hà Nội ban hành làm một căn cứ để ra phán quyết thì phù hợp với quy định thử nghiệm có kiểm soát", ông Dũng nói.

Sửa Luật Thủ đô có cải thiện được chất lượng không khí, giảm ùn tắc giao thông?- Ảnh 4.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) nói dự luật quy định về thử nghiệm có kiểm soát không rõ giới hạn. Ông Khải cho rằng quy định có "chỗ còn mập mờ, dễ xung đột pháp luật trong những trường hợp cụ thể".

Với quyền của HĐND TP.Hà Nội, theo ông Khải, cần quy định điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể được thực hiện. Việc này để tránh áp dụng tùy tiện, hay tạo ra cách hiểu, cách áp dụng pháp luật thiếu thống nhất mà nhiều lĩnh vực chỉ do Quốc hội quyết định bằng một đạo luật.

Theo ông, cần sửa quy định theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn theo từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù. Không nên quy định chung để có thể áp dụng tràn lan dễ sơ hở.

Đánh giá cao cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, và cho rằng dự thảo luật cho phép được áp dụng cơ chế thử nghiệm ở tất cả các lĩnh vực, nghĩa là mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TP.HCM, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND thành phố quyết định.

Bên cạnh đó, dự luật hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm, mà chưa có quy định về đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm đang thế nào? Hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao? Vì vậy, ông đề nghị xem xét bổ sung các quy định này trong luật.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem