Sức hút của Việt Nam đối với các nhà sản xuất chip Mỹ, Hàn Quốc

Hoài Phương Chủ nhật, ngày 24/09/2023 12:21 PM (GMT+7)
Hàng loạt "ông lớn" ngành bán dẫn từ Mỹ và Hàn Quốc đang có xu hướng rót vốn khủng để đầu tư vào các hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam.
Bình luận 0

Hàng loạt công ty bán dẫn lớn của Mỹ đang có động thái tăng cường đầu tư vào Việt Nam

Amkor Technology, công ty bán dẫn hàng đầu thế giới có trụ sở tại Mỹ, đến nay đã đầu tư 1,6 tỷ USD cho các hoạt động của mình ở Bắc Ninh. Nhà sản xuất chip này đang chuẩn bị khai trương nhà máy mới tại khu công nghiệp Yên Phong II thuộc tỉnh Bắc Ninh vào cuối năm nay. Đây sẽ là một trong những cơ sở lớn nhất được Amkor vận hành trên toàn cầu với diện tích khoảng 23 ha, dự kiến thử nghiệm hoạt động trong tháng 10. 

Sức hút của Việt Nam đối với các nhà sản xuất chip Mỹ, Hàn Quốc - Ảnh 1.

Công ty Amkor Technology, Inc có trụ sở chính tại Hoa Kỳ.(Nguồn: Amkor)

Ông Kim Sung Hun, Giám đốc điều hành Amkor Technology Việt Nam, cho biết lý do Amkor chọn Bắc Ninh là do tỉnh này có môi trường đầu tư thuận lợi, cơ sở hạ tầng vững chắc, mạng lưới tiện ích đồng bộ và lực lượng lao động tay nghề cao, cũng như có sự hỗ trợ tích cực từ lãnh đạo tỉnh và chính quyền địa phương.

Bên cạnh Amkor, "ông lớn" ngành bán dẫn Intel cũng đang điều hành một cơ sở sản xuất trị giá 1,5 tỷ USD tại Thành phố Hồ Chí Minh. Toạ lạc tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip này là cơ sở sản xuất lớn nhất của Intel, chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu. Thậm chí, Intel có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất khi các công ty cùng lĩnh vực cố gắng đa dạng hoá chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Đài Loan. 

Vào tháng 5 vừa rồi, Tập đoàn Marvell Technology chuyên về các giải pháp vi mạch và bán dẫn phục vụ cơ sở hạ tầng dữ liệu của Mỹ công bố kế hoạch thành lập trung tâm thiết kế vi mạch tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có kỹ thuật bán dẫn tiên tiến và là nơi làm việc công nghệ hàng đầu cho những người muốn nâng cao kỹ năng và trình độ. 

Tập đoàn cũng có ý định đầu tư phát triển các kỹ năng kỹ thuật quan trọng của nhân lực tại Việt Nam thông qua chương trình học bổng hỗ trợ sinh viên tài năng các ngành kỹ thuật, khoa học máy tính tại một số trường đại học chọn lọc. 

Nhờ những lợi thế như ổn định chính trị, chi phí lao động thấp, nguồn nhân lực dồi dào và khả năng tiếp cận với chuỗi cung ứng công nghệ cao ở châu Á, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu chip lớn thứ ba sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan. Vào tháng 2 năm 2023, xuất khẩu chất bán dẫn của Việt Nam sang Mỹ đạt 562,5 triệu USD, tăng từ mức 321,7 triệu USD vào tháng 2 năm 2022. 

Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư lớn 

Đầu tháng 6, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu Hàn Quốc Hanmi Semiconductor đưa Chi nhánh Hanmi Việt Nam tại Bắc Ninh đi vào hoạt động. Ông DS Kwak, phó chủ tịch công ty, lưu ý: "Chúng tôi thành lập cơ sở này để tích cực nhắm tới thị trường Việt Nam ngày càng quan trọng". 

Được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất trong nước, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc Samsung cho đến nay đã đầu tư tổng cộng 20 tỷ USD vào Việt Nam. Năm ngoái, Samsung Electronics cũng vừa công bố kế hoạch nâng khoản đầu tư này thêm 2,27 tỷ USD để mở rộng hoạt động kinh doanh chất nền bán dẫn thế hệ tiếp theo. 

Tại Bắc Ninh, gã khổng lồ Hàn Quốc có 2 công ty là Samsung Electronics Việt Nam và Samsung Display Việt Nam. Công ty cũng vận hành Samsung Electronics tại tỉnh Thái Nguyên và Khu phức hợp Samsung TP.HCM CE Complex tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bốn công ty con Việt Nam báo cáo lợi nhuận sau thuế đạt 6.055,9 tỷ won (4,67 tỷ USD) trong năm 2022, tăng 16,28% so với năm 2021.

Sức hút của Việt Nam đối với các nhà sản xuất chip Mỹ, Hàn Quốc - Ảnh 2.

Nhà máy Samsung Electronics Vietnam (SEV) tại Bắc Ninh.(Nguồn: Vietnam+)

Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Hàn Quốc, Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất chất bán dẫn Hàn Quốc - những công ty đang phải vật lộn với nhu cầu mờ nhạt ở Trung Quốc. Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, ngân hàng này đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho những gã khổng lồ trong ngành như Samsung Electronics và SK Hynix. 

Vào tháng 6, SKC, nhà sản xuất vật liệu tiên tiến của Hàn Quốc, đã ký thỏa thuận sơ bộ với Thành phố Hải Phòng để khám phá tiềm năng đầu tư vào vật liệu tiên tiến cho chất bán dẫn, pin thứ cấp và các lĩnh vực xanh khác. SKC cho biết sẽ xem xét các cách để đầu tư vào Hải Phòng - thành phố cảng lớn và trung tâm hậu cần ở phía bắc, như một địa điểm để công ty Hàn Quốc mở rộng sang lĩnh vực vật liệu công nghệ cao. 

Tại Bắc Giang, nhà sản xuất bảng mạch in Hàn Quốc Hana Micron có kế hoạch tăng mạnh số lượng nhân viên Việt Nam từ mức hiện tại khoảng 300 - 400 lên 3000 vào năm 2025. Hana Micron cũng liên tục tăng cường kỹ sư phát triển công nghệ và nhân sự sản xuất tại nhà máy Việt Nam - cơ sở sản xuất chính cho hoạt động thử nghiệm và lắp ráp chất bán dẫn thuê ngoài toàn cầu của Hana Micron. Khách hàng chính của công ty là Samsung Electronics và SK Hynix, nhà cung cấp chip nhớ lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Tập đoàn Samsung.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem