Tại CCN giấy Phú Lâm, Bắc Ninh: Ở nơi không có sinh vật nào sống nổi, nhưng chính quyền chưa... xử lý được ai

Khương Lực Thứ bảy, ngày 17/04/2021 16:41 PM (GMT+7)
"Cá thối rữa hết rồi. Chẳng làm gì được nữa!" - ông Lưu Quang Lợi ở thôn Đông Phù, xã Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh) than thở khi nước thải từ cụm công nghiệp Phú Lâm chảy vào ao, làm cá chết hàng loạt. Nước xả thải từ các nhà máy còn khiến kênh mương đen kịt, người dân không dám ăn rau muống trồng ngoài ruộng.
Bình luận 0

Trao đổi với DANVIET.VN, ông Lưu Quang Lợi cho biết, vào ngày 8/4, nước thải không qua xử lý từ nhà máy giấy, đặc quánh như dầu luyn chảy vào ao rộng 2.500m3 làm cá chết hàng loạt, hiện đang thối rữa đầy ao. "Bình thường ao của tôi phải có hơn 1 tấn cá, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng" - ông Lợi cho biết.

Clip: Nước thải đặc quánh như luyn từ cụm công nghiệp giấy Phú Lâm thải ra khiến cá chết hàng loạt.

Nhà máy giấy xả nước thải ra ao, kênh mương không một con gì sống được

Khi tất cả các doanh nghiệp sản xuất giấy ở cụm công nghiệp Phú Lâm bị nghiêm cấm xả nước thải không qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê, toàn bộ nguồn nước thải này được các doanh nghiệp ngang nhiên xả ngập đường giao thông và tràn vào hệ thống kênh mương thủy lợi, ao cá của người dân. Dòng nước đặc quánh như dầu luyn ngay lập tức khiến cá chết hàng hoạt, nhiều ruộng rau muốn dân trồng ngoài ruộng, không ai dám hái về ăn.

Theo ông Lợi, ruộng của gia đình ông đã dồn vào hết khu vực này với tổng diện tích 3.600m3. Ngoài diện tích ao nuôi cá, trên bờ ông trồng cây ăn trái. Thế nhưng, toàn bộ cá trong ao đá chết sạch, khiến ông lo lắng về kế sinh nhai cho gia đình. "Kiến nghị của chúng tôi giờ mong muốn đền bù cho chúng tôi đỡ thiệt và xử lý môi trường để chúng tôi còn làm ăn" - ông Lợi nói.

Nhà máy sản xuất giấy mà đổ nước thải ra ao, kênh mương thì không có một con gì sống được, không có một cây gì sống được, thậm chí con người cũng không thể tồn tại được nếu còn tiếp tục ở trên cái chỗ bị ô nhiễm môi trường như thế này.

Ông Lê Đại Hải, thôn Đông Phù, xã Phú Lâm (Tiên Du, Bắc Ninh)

Có mặt tại ao cá chết, ông Lê Đại Hải bức xúc nói: "Nhà máy sản xuất giấy mà đổ nước thải ra ao, kênh mương thì không có một con gì sống được, không có một cây gì sống được, thậm chí con người cũng không thể tồn tại được nếu còn tiếp tục ở trên cái chỗ bị ô nhiễm môi trường như thế này".

Theo ông Hải, với nguồn nước đặc quánh như dầu luyn đổ vào ao, phải mất vài ba năm nữa mới có thể khôi phục lại ao để thả cá. Thế nhưng, có thể điều mong muốn đó sẽ khó trở thành hiện thực nếu các nhà máy sản xuất giấy vẫn duy trì hoạt động xả nước thải không xử lý ra môi trường.

Chính vì thế, ông Hải đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cùng các cấp chính quyền địa phương xem xét thấu đáo để người dân sớm được hỗ trợ, đền bù thỏa đáng và giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Bắc Ninh: Nước thải như luyn từ doanh nghiệp giấy Phú Lâm làm cá chết hàng hoạt - Ảnh 3.

Hệ thống kênh mương thủy lợi có nước màu đen sì, nồng nặc mùi hôi thối và nổi váng. Theo phản ánh của người dân, trên mương không có con cá nào sống nổi, sống dai như đỉa cũng không thấy bóng dáng. Người dân trong xã Phú Lâm cũng không dám ăn rau muống trồng tại ruộng hay gần khu kênh mương. Ảnh: Khương Lực.

Bắc Ninh: Nước thải như luyn từ doanh nghiệp giấy Phú Lâm làm cá chết hàng hoạt - Ảnh 4.

Hàng cây chết khô trên bờ, dưới ao chứa nước thải chưa qua xử lý từ cụm công nghiệp Phú Lâm, váng nổi dầy đặc, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ảnh: Khương Lực.

Không chỉ gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, đến nay nước ở hệ thống kênh mương thủy lợi đều có màu đen sì, nồng nặc mùi hôi thối. Nguồn nước này nhiều khi tràn vào ruộng lúa, rau màu, khiến người dân vừa bức xúc, vừa lo sợ.

Theo phản ánh của người dân, do nguồn nước ô nhiễm tràn vào đồng ruộng nên năng suất và chất lượng lúa giảm sút. 

Trao đổi với DANVIET.VN, vợ chồng ông Nguyễn Văn Bảo ở thôn Đông Phù, xã Phú Lâm cho hay, có hôm ra đồng thấy nước trong ruộng đen như tro quấy, nồng nặc mùi hôi thối thì không dám lội chân xuống ruộng để chăm sóc lúa.

"Rau muống trồng ở ngoài đồng ruộng gần kênh mương thủy lợi dân ở đây không ai dám ăn" - vợ ông Nguyễn Văn Bảo nói. 

Chưa xử lý  trường hợp doanh nghiệp vi phạm nào

Trao đổi với DANVIET.VN về vụ việc cá chết hàng hoạt, đại úy Lê Tuấn Anh, Đội phó Đội cảnh sát điều tra về kinh tế - môi trường, Công an huyện Tiên Du cho biết, công an huyện Tiên Du đã cử cán bộ xuống trực tiếp xác minh, thu thập mẫu liên quan để xác định nguyên nhân, hiện tại vẫn đang gửi Viện Khoa học hình sự giám định, xác minh những nội dung liên quan để xác định rõ nguyên nhân. Do đó, chưa có kết quả cụ thể.

Nếu như ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, chúng tôi bắt buộc các doanh nghiệp phải dừng hoạt động sản xuất chứ không còn cách nào khác.

Ông Nguyễn Đại Đồng - Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh)

Theo đại úy Lê Tuấn Anh, do hạ tầng cụm công nghiệp Phú Lâm chưa đảm bảo, các công ty, cơ sở sản xuất ở đây vừa rồi quá trình nâng cấp máy móc không đảm bảo yêu cầu hoạt động nên phát sinh các dấu hiệu vi phạm về môi trường. 

"Ở cụm công nghiệp Phú Lâm, các doanh nghiệp họ tập trung xử lý vào một bể chứa chung cho nên mình không thể xác định được vi phạm riêng của doanh nghiệp nào" - đại úy Lê Tuấn Anh khẳng định.

Trước đó, ngày 15/4, ông Nguyễn Đại Đồng - Chủ tịch UBND huyện Tiên Du cũng khẳng định, đến thời điểm này chưa xử lý trường hợp doanh nghiệp vi phạm nào. "Nếu như ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, chúng tôi bắt buộc các doanh nghiệp phải dừng hoạt động sản xuất chứ không còn cách nào khác" - ông Đồng khẳng định.

Báo điện tử DANVIET.VN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin phản ánh về những vi phạm và kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp Phú Lâm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem