Tại sao tỷ phú Warren Buffett không thích Bitcoin?

Thứ năm, ngày 05/05/2022 16:04 PM (GMT+7)
Mới đây tỷ phú Warrent Buffett lại một lần nữa tỏ ra không thân thiện với Bitcoin. Tại sao ông ấy không thích Bitcoin?
Bình luận 0

Warren Buffett là ai?

Warren Buffett – một trong những tỷ phú giàu có nhất thế giới, luôn xếp hạng cao trong danh sách tỷ phú của Forbes. Warren Buffett tên đầy đủ là Warren Edward Buffett, ông sinh năm 1930 tại Mỹ, là cổ đông lớn nhất, Chủ tịch và CEO của công ty đa quốc gia Berkshire Hathaway Inc. – công ty đầu tư nắm giữ số cổ phần rất lớn tại nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu.

Ông là một huyền thoại trong giới đầu tư, với lợi tức trung bình hàng năm lên tới 20%, dù khối tài sản ông điều hành lên tới hơn 200 tỷ USD.

Warren Buffett không thích Bitcoin

Tại sao Warren Buffett không thích Bitcoin? - Ảnh 1.

Warren Buffett không thích Bitcoin. Ảnh BC.

Trong rất nhiều lần khi được hỏi về Bitcoin, Điều kỳ diệu của xứ Omaha – Warren Buffett đã luôn bày tỏ quan điểm không thân thiện với đồng tiền kĩ thuật số này. Lý do ông đưa ra là do đồng tiền này thiếu giá trị nội tại.

Lần gần đây nhất, ông đã chia sẻ trong buổi họp với cổ đông Berkshire Hathaway.

“Nếu bạn nói… cho tôi lợi suất 1% trên tất cả đất nông nghiệp ở Mỹ, đổi lấy 25 tỷ USD, tôi sẽ viết cho bạn một tấm séc vào chiều nay. Nếu bạn đưa cho tôi 1% tổng số căn hộ trên cả nước và bạn muốn có thêm 25 tỷ USD nữa, tôi sẽ viết cho bạn một tấm séc, điều đó rất đơn giản.

Bây giờ nếu bạn nói với tôi rằng bạn sở hữu tất cả số Bitcoin trên thế giới và đề nghị bán lại với giá 25 USD, tôi sẽ không mua. Tôi không biết phải làm gì với nó, tôi phải bán nó lại cho bạn bằng cách này hay cách khác. Nó sẽ không tạo ra bất cứ điều gì. Các căn hộ có thể cho thuê và các trang trại sẽ sản xuất thực phẩm”.

Bitcoin có giá trị nội tại không?

Đây là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Nhưng bạn hãy thử trả lời các câu hỏi sau:

  • Bao nhiêu công ty sống sót hơn 10 năm sau khi thành lập với mức tăng trưởng hàng triệu lần?
  • Bao nhiêu công ty có vốn hóa đạt mức 1000 tỷ USD?
  • Bao nhiêu công ty được hàng tỷ người trên thế giới biết đến?

Và bây giờ bạn hãy trả lời câu hỏi: Bitcoin có giá trị nội tại không? Tôi nghĩ là CÓ!

Vậy giá trị nội tại của Bitcoin là gì?

Khi nghiên cứu về Bitcoin, tôi đã đúc rút ra những giá trị sau:

Giá trị niềm tin

Giá trị này bạn không thể cầm lấy, sờ thấy hay ăn uống được. Tuy nhiên, đó là một giá trị cốt lõi cho một tài sản. Tại sao các chính phủ lo sợ việc vỡ nợ? Vì điều đó làm uy tín của chính phủ bị giảm xuống. Tại sao các công ty run sợ trước các vụ khủng hoảng truyền thông? Vì điều đó có thể khiến cho họ phá sản.

Bitcoin có một giá trị niềm tin mãnh liệt, thậm chí có thể coi là một tôn giáo. Có những người chuyển đa số tài sản của họ thành Bitcoin, đơn giản vì họ tin tưởng nó. Tại sao?

Bitcoin sinh ra từ đống đổ nát của cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong các cuộc khủng hoảng tiếp theo, có thể kể đến như:

  • Năm 2013: Cuộc khủng hoảng tài chính của Síp
  • Năm 2020: Cuộc khủng hoảng Covid 19

Cộng đồng những người sử dụng Bitcoin đã quá ngán ngẩm trước những chu kỳ kinh tế (bạn có thể tìm hiểu về cách một nền kinh tế vận hành như thế nào), sự lạm phát, những chu kỳ “cắt cỏ” của giới tài phiệt tài chính ( Tham khảo “Chiến tranh tiền tệ – Song Hong Bin”). Họ tìm đến Bitcoin như một nơi trú ẩn cho tài sản của mình.

Giá trị giảm phát do thuật toán

Không như tiền tệ fiat, Bitcoin là tiền mã hóa, sử dụng thuật toán để đảm bảo sự vận hành của nó. Bạn không thể in Bitcoin như cách bạn in mực lên một tờ giấy. Tổng số Bitcoin tối đa là 21 triệu đồng, và sẽ được khai thác hết vào năm 2140.

Điều này giúp đảm bảo sự tăng lên về giá của Bitcoin, khi cộng đồng người sử dụng ngày một gia tăng.

Chi phí để đào Bitcoin

Bitcoin sử dụng thuật toán đồng thuận Proof of Work (POW), điều này tạo ra một chi phí sản xuất cho mỗi Bitcoin mới được đào ra. Bạn có thể tham khảo bảng sau đây:

Tại sao Warren Buffett không thích Bitcoin? - Ảnh 2.

Giá điện sản xuất một BTC tại các quốc năm 2018. Ảnh Etile Fixtures

Đây mới chỉ là giá điện năng còn chi phí đào coin được tính bằng công thức: Số tiền đầu tư thiết bị + tiền điện + phí đào + chi phí phát sinh

Lưu ý: tác giả không có kiến thức chuyên sâu về đào coin, các số liệu chỉ mang tính tham khảo.

Giá trị ứng dụng của Bitcoin

Để tôi kể bạn nghe một câu chuyện, cách đây không lâu, một kẻ lừa đảo đã cố gắng thuyết phục tôi trả một khoản phí chuyển tiền để có thể nhận được 2 triệu USD từ cô ta từ nước ngoài. Tôi chỉ đơn giản bảo với cô ta rằng: “tại sao bạn không chuyển cho tôi bằng BTC?” Cô ta đã phải im lặng.

Bạn thấy đấy, Bitcoin định nghĩa lại dịch vụ chuyển tiền xuyên quốc gia. Bạn có thể chuyển số tiền của mình qua biên giới với chỉ vài giây và một số phí mạng không đáng kể.

Ngoài ra, thật bất khả thi khi bạn muốn tấn công vào mạng BTC ở thời điểm hiện tại. Điều đó cần một sức mạnh quá mức và hoàn toàn không có ý nghĩa.

Vậy tại sao Warren Buffett không thích Bitcoin?

Khi nói về phong cách đầu tư của Warren Buffett, chúng ta hay nói về “giá trị nội tại”. Vậy là ông ấy sẽ không đầu tư vào những thứ không có giá trị nội tại?

Ồ, thực sự phải là, ông ấy thích mua những thứ được định giá dưới giá trị nội tại của nó.

Cốt lõi của việc đầu tư theo trường phái của Warren Buffett là “mua tài sản có giá trị 1 USD với chỉ với nửa USD” và kiểm soát rủi ro ” nếu thắng thì tôi ăn đậm, nếu thua tôi cũng chẳng thiệt hại nhiều”. Bí quyết đầu tư đó tạo nên huyền thoại đâu tư Điều kỳ diệu của xứ Omaha.

Những nhà đầu tư theo trường phái này thường đầu tư theo khuôn khổ như sau:

  • Đầu tư vào doanh nghiệp đang tồn tại.
  • Đầu tư vào doanh nghiệp đơn giản.
  • Đầu tư vào doanh nghiệp rệu rã trong lĩnh vực rệu rã.
  • Đầu tư vào doanh nghiệp có con hào kinh tế bền vững (có thể hiểu là ưu thế cạnh tranh)
  • Không đặt cược thường xuyên và đặt cược lớn vào những sự kiện hiếm khi xảy ra.
  • Tập trung vào chênh lệch.
  • Luôn luôn có biên độ an toàn.
  • Đầu tư vào doanh nghiệp rủi ro thấp, bất định cao.
  • Đầu tư vào các doanh nghiệp bắt chước thích hơn các doanh nghiệp sáng tạo.

Bạn thấy đấy, Bitcoin không đáp ứng các tiêu chí của ông ấy. Tiền điện tử là một thị trường đầy rủi ro, có tính đầu cơ cao, có những thay đổi chóng mặt, những con tàu lượn siêu tốc. Và thật khó đánh giá được giá trị thực sự của Bitcoin qua những phép tính.

Có sự khác biệt giữa Warren Buffett và Elon Musk, một người là một nhà đàu tư lý tính, một người là một thiên tài mộng mơ.

Bạn có thể lựa chọn lĩnh vực bạn muốn, đó là quyền của bạn. Nhưng chúng tôi, những anh chàng cao bồi mộng mơ, vẫn rong ruổi về phía mặt trời trong miền tây hoang dã của tiền điện tử.

Còn một điều cuối cùng, nếu tôi có thể mua tất cả Bitcoin với giá 25 USD/1 BTC, tôi chắc chắn sẽ không mua nó. Vì nêu Bitcoin tập trung trong tay 1 người, nó không có giá trị. Tuy nhiên, nếu bạn đề nghị tôi mua 10000 BTC với giá 2500 USD/ 1BTC. Tin tôi đi, tôi sẽ bán ngôi nhà của mình ngay hôm nay.

Bình Phạm (Theo Phocapblockchain)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem