Taliban rơi vào kỷ nguyên cô lập mới

Thứ ba, ngày 16/08/2022 21:05 PM (GMT+7)
Việc Mỹ cáo buộc Taliban che chở cho thủ lĩnh của Al Qaeda có thể làm tăng thêm các lệnh trừng phạt và khiến chính quyền non trẻ không bao giờ được quốc tế công nhận.
Bình luận 0


Taliban rơi vào kỷ nguyên cô lập mới - Ảnh 1.

Vài giờ sau khi cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahri ở trung tâm thành phố Kabul, lực lượng an ninh Taliban đã gấp rút phong tỏa địa điểm này.

Những tấm bạt màu xanh được phủ qua các cửa sổ bị phá hủy. Các trạm kiểm soát được dựng lên, và cửa hàng xung quanh bị đóng cửa.

Nhưng không có gì có thể che giấu được những tổn thất của Taliban - chính phủ non trẻ được cho là đã cố gắng che giấu tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới khỏi sự dòm ngó của Mỹ.

Cuộc tấn công vào cuối tháng 7 tiết lộ cho thế giới thấy ngay giữa trung tâm thủ đô Afghanistan, Taliban đã che chở cho một nhân vật chủ chốt trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001.

Theo New York Times, đó là một bước ngoặt đối với các tay súng. Hơn hai thập kỷ trước, Mỹ đã đưa quân sang Afghanistan để trả đũa Al Qaeda và đồng minh Taliban vì che chở cho nhóm khủng bố này.

Bây giờ, Taliban dường như một lần nữa đi vào con đường tương tự, làm dấy lên những lo ngại về việc Afghanistan một lần nữa trở thành nơi trú ẩn an toàn của khủng bố và chính quyền non trẻ sẽ không bao giờ được quốc tế công nhận.

Taliban rơi vào kỷ nguyên cô lập mới - Ảnh 2.

Giới chức Mỹ cáo buộc Taliban một lần nữa chứa chấp khủng bố. Ảnh: Reuters.

Nỗi lo trở thành "thiên đường" cho khủng bố

Cuộc tấn công xảy ra vào thời điểm vốn đã rất nhạy cảm đối với Taliban. Kể từ khi lên nắm quyền, tổ chức này đã hứa sẽ tiết chế khi tìm kiếm sự công nhận của quốc tế và viện trợ từ các nhà ngoại giao phương Tây, ngay cả khi vẫn trung thành với niềm tin, hệ tư tưởng cứng rắn ở quê nhà.

Tuy nhiên, sau gần một năm kiểm soát Kabul, các biện pháp cứng rắn với phụ nữ của Taliban đang ngày một siết chặt, bao gồm hạn chế quyền đi lại và làm việc.

Những chính sách này khiến quốc tế “quay lưng” với chính phủ non trẻ của Afghanistan và khiến quốc gia mất hàng triệu USD viện trợ nước ngoài, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, việc thủ lĩnh Al Qaeda xuất hiện và bị tiêu diệt ở trung tâm thủ đô Kabul càng củng cố thêm sự cô lập của quốc tế dành của chính quyền Taliban.

Cuộc tấn công làm nổi bật điều mà một số nhà phân tích và chuyên gia đã cảnh báo trong nhiều tháng: Taliban đang cho phép các nhóm khủng bố, bao gồm Al Qaeda và Taliban Pakistan, tồn tại tự do trên đất Afghanistan kể từ khi lên nắm quyền.

Điều này đi ngược lại với những thỏa thuận mà tổ chức này đã cam kết với Mỹ là giữ cho lãnh thổ Afghanistan không trở thành thiên đường cho các âm mưu khủng bố.

Taliban rơi vào kỷ nguyên cô lập mới - Ảnh 3.

Phụ nữ ở Kabul phản đối quyết định không cho các nữ sinh trở lại trường trung học của Taliban. Ảnh: New York Times.

Trên thực tế, lịch sử của Taliban với Al Qaeda kéo dài hàng thập kỷ. Mullah Omar, thủ lĩnh đầu tiên của Taliban trong những năm 1990, khá coi trọng Al Qaeda vào thời điểm đó.

Một số phe phái Taliban cũng có mối quan hệ chặt chẽ với tổ chức khủng bố này, đặc biệt là mạng lưới Haqqani - lãnh đạo cấp cao của họ đã chiến đấu và từng hỗ trợ người sáng lập Al Qaeda, Osama bin Laden.

Trong suốt giai đoạn khi quân Mỹ vẫn còn ở Afghanistan, các lực lượng Mỹ đã định kỳ săn lùng và tiêu diệt các thủ lĩnh Al Qaeda ở Afghanistan, bất chấp việc nhóm này hầu hết đã bị đuổi khỏi đất nước hoặc ẩn náu ở các vùng núi biên giới với Pakistan.

Nhưng một cuộc di cư trở lại Afghanistan đã bắt đầu trong những năm gần đây. Năm 2015, lực lượng biệt kích của Mỹ và Afghanistan, được sự hỗ trợ của không quân Mỹ, đã tấn công một trại huấn luyện của Al Qaeda ở miền Nam - nơi mà các quan chức quân sự cho là một trong những trại lớn nhất từng được phát hiện.

Không chỉ vậy, ngay sau khi các quan chức Mỹ và Taliban ký thỏa thuận Doha vào năm 2020, lực lượng chính phủ Afghanistan đã giết một thủ lĩnh cấp cao của Al Qaeda đang được Taliban bảo vệ ở đông nam Afghanistan.

Vụ việc là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Taliban từ chối cắt đứt quan hệ với nhóm khủng bố, bất chấp những cam kết được đưa ra trong các cuộc đàm phán Doha.

Chiến lược mới của Mỹ

“Không ai quá ngạc nhiên khi Taliban chơi thân với Al Qaeda, và không ai quá ngạc nhiên khi Mỹ tấn công bằng máy bay không người lái”, Graeme Smith, một cố vấn cấp cao của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nói.

Kể từ khi Taliban nắm chính quyền, các nhà phân tích và chuyên gia đã cảnh báo rằng các nhóm khủng bố, bao gồm Al Qaeda và Taliban Pakistan, có thể hoạt động tự do hơn trên khắp Afghanistan.

Các cuộc tấn công xuyên biên giới do nhóm Taliban Pakistan phát động từ Afghanistan đã tăng hơn gấp đôi trong 8 tháng, sau khi chính phủ do phương Tây hậu thuẫn sụp đổ, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Pak có trụ sở tại Islamabad (Pakistan).

Vào mùa xuân này, các giám sát viên của Liên Hợp Quốc cảnh báo Taliban đang cung cấp “không gian hoạt động cho khoảng 20 nhóm khủng bố liên kết rộng rãi với các mục tiêu của Al Qaeda và Taliban”.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết thêm Al Qaeda đã nhận thấy “quyền tự do hành động gia tăng” ở Afghanistan kể từ khi Taliban nắm chính quyền và al-Zawahri thường xuyên phát đi các tin nhắn video - một dấu hiệu cho thấy ông cảm thấy “thoải mái” hơn.

Taliban rơi vào kỷ nguyên cô lập mới - Ảnh 4.

Cuộc tấn công hôm 31/7 đã báo hiệu lần đầu tiên Lầu Năm Góc sử dụng chiến lược "ngoài đường chân trời" ở Afghanistan. Ảnh: New York Times.

Trong bối cảnh đó, ông Graeme Smith cho hay các cuộc tấn công "ngoài đường chân trời" đang trở thành một lựa chọn khả thi để đối phó với những mối đe dọa phức tạp đến từ Afghanistan.

Cuộc tấn công hôm 31/7 đã báo hiệu lần đầu tiên Lầu Năm Góc sử dụng chiến lược "ngoài đường chân trời" ở Afghanistan, trong đó Mỹ tấn công các mục tiêu bằng máy bay có trụ sở bên ngoài quốc gia này.

Sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan vào năm 2021, các quan chức Mỹ đã chuyển sang bố trí lại lực lượng ở nước láng giềng, nơi họ có thể tiến hành cuộc tấn công giống như chiến dịch tiêu diệt al-Zawahri vừa qua.

Chiến lược này vẫn còn sơ khai, và các cuộc thảo luận về việc bố trí lực lượng ở những nơi như Uzbekistan, Tajikistan và Pakistan vẫn đang ở giai đoạn đầu.

Vẫn chưa rõ liệu cuộc tấn công vào cuối tuần qua sẽ là phát súng mở màn hay chỉ là trường hợp ngoại lệ duy nhất.

Tuy nhiên, đối với nhiều người Afghanistan ở Kabul, tin tức về cuộc không kích của Mỹ ngay giữa trung tâm thủ đô đã làm dấy lên mối lo ngại về việc quay trở lại thời kỳ bị can thiệp quân sự từ bên ngoài, sau một thời gian tương đối yên bình kể từ khi Washington rút quân và kết thúc cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ.

Các quan chức Mỹ khẳng định không ai khác ngoài trùm khủng bố al-Zawahri thiệt mạng trong cuộc tấn công cuối tháng 7. Nhưng chỉ một năm trước, trong những ngày hỗn loạn cuối cùng khi rút quân, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ đã vô tình khiến 10 dân thường thiệt mạng ở Kabul - một lỗi mà giới chức Mỹ chỉ thừa nhận sau khi New York Times đưa tin.

Shafiq, 25 tuổi, cho biết anh đang sắp xếp trái cây tại quầy của mình ở khu Wazir Akbar Khan, Kabul thì nghe thấy một tiếng nổ mạnh. Trong giây lát, anh sững người sợ hãi vì tưởng rằng một lần nữa, nhiều người lại bị giết trong một cuộc tấn công.

Theo thời gian, anh lo sợ đây có thể là khởi đầu của một cuộc xung đột đẫm máu khác.

“Cá nhân tôi rất lo lắng về tương lai của đất nước chúng tôi”, Shafiq nói "Chúng tôi muốn hòa bình và an ninh. Chúng tôi không muốn chiến tranh bắt đầu ở đất nước của chúng tôi một lần nữa".


 

Minh An (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem