Tâm tư của lao động đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Thùy Anh Thứ bảy, ngày 29/04/2023 17:18 PM (GMT+7)
Trong khi nhiều người dân đổ về quê hay tìm nơi đi nghỉ lễ 30/4 và 1/5 thì vẫn có hàng triệu người lao động phải đi làm dịp này. Mỗi người một công việc, một niềm tâm tư riêng.
Bình luận 0

"Vợ chồng tôi cãi nhau mấy lần vì chuyện về quê hay ở Hà Nội ngày lễ 30/4 và 1/5"

Sáng 29/4, thay vì cảnh bon chen, nô nức về quê như mọi lần chị Nguyễn Phương Linh (quê Nam Định) ở lại Hà Nội đi làm. Chị Linh cho biết, thường mỗi năm nghỉ lễ 30/4 và 1/5 gia đình chị về quê nhưng năm nay cả nhà vừa bị Covid-19 xong nên rất mệt. Chị quyết định ở lại Hà Nội đi chơi và đi làm kiếm thêm thu nhập.

"Tôi làm tự do, bán hàng cho một cửa hàng chuyên cung cấp hàng xách tay trong nước và quốc tế vì thế gần như không có ngày nghỉ. Thường 1 tháng được nghỉ 4 ngày, đi làm chủ trả lương. Vừa rồi ốm nên nghỉ nhiều quá lương bị trừ hết, vì thế nghỉ lễ đi làm bù", chị Linh cho hay.

nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Ngày lễ 30/4 và 1/5, chị Phương Linh làm việc vẫn làm việc xuyên lễ. Ảnh: NN

Cũng theo chị Linh, ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 bên chị không có thưởng nhưng bù lại nếu nhân viên làm ngày lễ thì chủ tăng lương gấp đôi.

"Thu nhập 1 tháng của tôi là 6 triệu cộng doanh thu, nếu làm ngày lễ 30/4 thì một ngày tôi được trả lương là 400.000 đồng. Như vậy cũng là khá cao", chị Linh nói.

Chị Linh cho biết, nghỉ lễ 30/4 và 1/5 là 5 ngày, chị đăng ký đi làm 3 ngày còn nghỉ 2 ngày đưa các con đi chơi loanh quanh Hà Nội.

Dù có chút phấn khởi vì được tăng lương và thoát khỏi cảnh chen chúc về quê theo dòng người từ chiều qua (chiều 28/4) và từ sáng tới giờ nhưng chị cũng chẳng cảm thấy thoải mái hay vui vẻ lắm. "Chỉ vì chuyện về quê mà vợ chồng tôi cãi nhau mấy bận. Chồng tôi nói anh muốn về quê, từ Tết tới giờ chưa về, nhưng tôi không đồng ý bởi quá mệt vì cả nhà vừa ốm xong. Hơn nữa dù nghỉ dài nhưng xe cộ không có, đi xe khách thì đông, con bé nên quyết không về", chị Linh nói.

"Làm dịch vụ thì làm gì có ngày nghỉ lễ 30/4 và mùng 1/5"

Tâm tư, hơi buồn, nhưng vẫn chấp nhận đó là tâm trạng chung của những lao động phải đi làm ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, quản lý chuỗi cửa hàng túi xách thương hiệu nhập khẩu (quê Thanh Hóa, sống tại Hà Nội) cho hay, nghề của chị gần như không có nghỉ lễ. Năm nào cũng vậy, cứ lễ Tết là phải trực chiến, hoặc không thì nghỉ rất muộn.

"Làm dịch vụ thì phải chấp nhận. Lúc nào cũng vậy, nếu mọi người nghỉ 4-5 ngày thì mình chỉ được nghỉ 1-2 ngày là may. Còn không không có ngày nghỉ luôn, làm thông lễ", chị Tuyết nói.

Theo chị Tuyết, công ty có tăng lương nếu đi làm vào ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 thì chị và nhiều nhân viên đều không muốn đi làm. Dù vậy, đặc thù công việc chị không thể từ chối.

"Cũng buồn vì không được nghỉ lễ 30/4 và 1/5, biết là luật quy định mở theo hướng cho lao động tự quyết nhưng do đặc thù công việc mình xin nghỉ cũng ngại công ty. Đi làm phải có trách nhiệm với công việc nên không thể nghỉ được", chị Tuyết nói.

Cũng bởi lẽ đó, chị đành ngậm ngùi để chồng con di chuyển về quê còn mình ở lại Hà Nội làm việc. "Lễ Tết nào cũng vậy, hồi đầu thì cũng buồn, nhưng dần thành quen", chị Tuyết chia sẻ.

Vất vả nhất những ngày này chính là lao động làm dịch vụ nhà hàng, dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, lái xe...

Anh Nguyễn Quang Thắng (chủ xe khách 45 chỗ Hà Nội - Thanh Hóa) cho biết, làm cả năm mới có mấy ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 để kiếm khách, gỡ gạc chút tiền nên nhà xe tập trung toàn bộ con người vào phục vụ những ngày cao điểm này.

nghi lễ 30/4 và 1/5

Những ngày này nhân viên phục vụ nhà hàng đang phải làm việc hết công suất. Ảnh: NN

Năm nay nghỉ lễ dài nhưng khách đi rất đông, nên nhà xe có 3 xe thì mang vào phục vụ cả 3 xe, một ngày chạy 3 chuyến. Trong 2 ngày là 28 và ngày 29/4 hơn 600 vé nhà xe này đã bán hết. Hơn 1.000 vé xe chiều đi từ Thanh Hóa - Hà Nội trong các ngày mùng 2, mùng 3 và mùng 4,  mùng 5 của nhà xe này cũng đã bán hết.

"Để phục vụ khách tốt nhất chúng tôi đã phải thuê thêm 2 chiếc xe 16 chỗ của đơn vị khác và bổ sung thêm lao động làm bán thời gian hỗ trợ giao nhận hàng hóa cho khách khi di chuyển", anh Thắng nói.

Khổ nhất trong ngày này chính là những nhân viên làm dịch vụ du lịch, nhà hàng. Chị Nguyễn Thị Lan (48 tuổi) nhân viên phục vụ tại một nhà hàng trên địa phận Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, dù mới ngày đầu nghỉ lễ nhưng lượng khách đặt tiệc tăng cao. Một ngày nhà hàng của chị tiếp nhận 20 bàn đặt, chưa kể trong 5 ngày lễ còn phục vụ 3 đám cưới.

"Những ngày này anh chị em chúng tôi phải làm với 200% công suất, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được hết nhu cầu của khách hàng. Nếu không đặt trước nhà hàng không thể nhận đơn", chị Lan nói.

Chị Lan cho hay, chủ nhà hàng nói sau ngày 1/5, tức ngày 2/5 nhà hàng sẽ cho 50% lao động của nhà hàng nghỉ. Ai ở lại làm sẽ được tăng lương, chủ trả tiền lương ngày làm việc đó gấp đôi so với ngày thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem