"Tân binh" Goladi gia nhập thị trường gọi xe công nghệ khắc nghiệt với vỏn vẹn... 3 lao động

20/12/2024 12:35 GMT+7
Bất chấp sự khắc nghiệt của thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam, ứng dụng gọi xe công nghệ Goladi vẫn ra đời với những giới thiệu "khác biệt".

Thị trường xe công nghệ đang là một lĩnh vực cạnh tranh khắc nghiệt, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng kỳ vọng cao hơn và các doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực từ nhiều phía. Trong những năm gần đây, việc một số hãng xe công nghệ tuyên bố rút lui khỏi thị trường Việt Nam đã minh chứng cho điều này.

Hồi tháng 9/2024, Gojek thông báo việc rút lui khỏi thị trường Việt Nam sau khi kinh doanh giảm sút trong 2-3 năm qua dù hãng xe Indonesia từng một thời là ứng dụng hàng đầu ở thị trường gọi xe và giao đồ ăn tại Việt Nam.

Trước đó, Baemin - doanh nghiệp nổi bật đến từ Hàn Quốc, chính thức chia tay thị trường Việt Nam từ ngày 8/12/2023, khép lại 4 năm gắn bó. Trong thông báo gửi đến đối tác là các nhà hàng, ứng dụng giao hàng chia sẻ quyết định rời khỏi thị trường Việt Nam được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt của nước sở tại.

Với các ứng dụng gọi xe công nghệ của Việt Nam, cũng có rất nhiều cái tên ra đời như VATO (ra mắt 2018), Fastgo (2018), Loship (2017), Aber (2018)... Tuy nhiên hầu hết các hãng này đều đối mặt áp lực lớn và không đạt hiệu quả trong kinh doanh.

"Tân binh" Goladi gia nhập thị trường gọi xe công nghệ khắc nghiệt với vỏn vẹn... 3 lao động- Ảnh 1.

Dịch vụ của Goladi.

Bất chấp sự khắc nghiệt của thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam, ứng dụng gọi xe công nghệ Goladi vẫn ra đời với những giới thiệu "khác biệt". Đó là Goladi không thu phí % dịch vụ của người cung cấp dịch vụ mà thu phí cố định dựa trên doanh thu, nhằm tăng thu nhập cho người cung cấp dịch vụ và mang đến giá tốt cho người sử dụng dịch vụ.

Theo giới thiệu trên website của công ty, Goladi triển khai hàng loạt dịch vụ như tài xế lái hộ, chuyến đi, giao hàng, đặt đồ ăn, sửa chữa, bảo trì/cứu hộ, tài chính.

Dữ liệu của Etime.danviet cho thấy, Công ty cổ phần giải pháp công nghệ Goladi Việt Nam được thành lập vào ngày 14/8/2024. Địa chỉ trụ sở tại KDC Nam Long, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, TP. HCM. Đại diện pháp luật/Giám đốc là ông Bùi Thanh Duy, sinh năm 1995, chức vụ Giám đốc. Ngành nghề kinh doanh chính là Lập trình máy vi tính.

Thời điểm thành lập Goladi có vốn điều lệ 1 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Lê Thị Tuyên Quyên góp 200 triệu đồng (tỷ lệ 20%); Nguyễn Hoàng Nam góp 250 triệu đồng (tỷ lệ 25%); Bùi Thanh Duy góp 200 triệu đồng (tỷ lệ 20%); Bùi Thị Minh Hiếu góp 250 triệu đồng (tỷ lệ 25%) và Trần Trung Đức góp 100 triệu đồng (tỷ lệ 10%).

Tại thay đổi vào tháng 12/2024, Goladi thực hiện nâng vốn điều lệ lên 5 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn không được tiết lộ. Tuy nhiên tổng số lao động của doanh nghiệp này theo đăng ký thuế chỉ là... 3 người.

Rõ ràng thị trường gọi xe Việt Nam dù có nhiều tiềm năng, nhưng cũng không dành cho những bên tài chính mỏng. Và những tân binh muốn tiến sâu vào thị trường sẽ cần sự chuẩn bị rất kỹ càng về chiến lược, chất lượng, và đặc biệt là tài chính.

Thực tế, ngay cả ba nhà cung cấp dịch vụ lớn là Grab, Be và Xanh SM đều chịu áp lực lớn. Theo dữ liệu của Vietdata, năm 2023, Be Group đạt được mức doanh thu thuần gần 1.600 tỷ đồng, tuy nhiên lỗ sau thuế gần 1.000 tỷ đồng. Mức lỗ này nhỉnh hơn một chút so với năm 2022 (-957 tỷ). Tính đến cuối năm 2023, ước tính Be group lỗ lũy kế gần 4.500 tỷ đồng. Grab năm 2023 đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng, giảm đến 40% so với năm 2022.

Nguyễn Thịnh
Cùng chuyên mục