Tan nát rừng phòng hộ Sông Kôn:Xử lý nghiêm kẻ tiếp tay cho lâm tặc

Trương Hồng Thứ sáu, ngày 30/03/2018 09:16 AM (GMT+7)
Tỉnh Quảng Nam cương quyết xử lý nghiêm cán bộ, lãnh đạo và kiểm lâm địa bàn để xảy ra hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng trong thời gian qua, đặc biệt mới nhất là vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn.
Bình luận 0

Ngày 30.3, ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, vụ phá rừng Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) xảy ra trước Tết chưa nguôi, nay đến rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang) bị tàn phá nghiêm trọng.

img

Ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam (đứng) cho biết, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ xử lý nghiêm các vụ phá rừng.

“Đối với việc bảo vệ rừng, lâu nay Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam rất cương quyết. Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp khẩn đối với các Bí thư của 9 huyện miền núi tìm giải pháp bảo vệ rừng và yêu cầu mỗi huyện xây dựng một kế hoạch cụ thể để bảo vệ rừng. Ngoài ra tỉnh cũng đã lên kế hoạch bảo vệ rừng bằng công nghệ thông tin nhằm bảo vệ tốt hơn” - ông Quang nói.

Ông Nguyễn Hồng Quang cho biết thêm, vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước), UBND tỉnh Quảng Nam đã xử lý nghiêm đối tượng phá rừng, ngoài ra còn xử lý hàng loạt lãnh đạo, cán bộ ngành Kiểm lâm trong việc quản lý, bảo vệ rừng không tốt. Riêng vụ rừng phòng hộ Sông Kôn, đây là sự việc xảy ra trước Tết, Công an huyện Đông Giang đã vào cuộc kịp thời, phát hiện 5 đối tượng phá rừng, hiện đã bắt tạm giam 3 đối tượng.

img

Rừng phòng hộ Sông Kôn bị tàn phá nghiêm trọng.

“Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là làm sao ngăn chặn được phá rừng, tỉnh thì lo giữ, nhưng địa bàn Quảng Nam quá rộng, lực lượng lại mỏng. Trong đó, cũng có một số việc liên quan đến cán bộ ngành, nên việc quản lý rừng thời gian qua chưa được chặt chẽ. Dù sao, đã để xảy ra phá rừng là sẽ xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng và xử lý các cán bộ, lãnh đạo nếu phát hiện ai bao che cho lâm tặc” - ông Quang nhấn mạnh.

img

Cây cổ thụ chỉ còn trơ gốc ở rừng phòng hộ Sông Kôn.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, từ trước Tết đến nay, lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng đã tổ chức được trên 208 đợt tuần tra, kiểm soát lâm sản và truy quét phá rừng, khai thác lâm, khoáng sản, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Phát hiện 242 vụ vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm gồm 306,335m3 gỗ các loại; 274,6kg động vật rừng; 200kg than; 23 xe ôtô; 24 xe môtô; 3 xe bò; 2 cưa xăng; 5 lán trại; 5 máy nổ; 3 củ điện; thu hồi 126 khẩu súng tự chế; đẩy đuổi nhiều đối tượng ra khỏi rừng.

Riêng vụ phá rừng đã khởi tố 6 vụ án, tiếp tục điều tra 20 vụ, kết thúc điều tra, đề nghị Viện Kiểm sát truy tố 4 vụ.

Xử lý vi phạm hành chính 143 vụ, tịch thu 160,498m3 gỗ tròn; 30,891m3 gỗ xẻ; 288,7kg động vật rừng; 3 xe ô tô; 1 xe mô tô; 1 cưa xăng; phạt tiền 711.000.000 đồng.

img

Dù ngành Kiểm lâm tỉnh cương quyết trong việc bảo vệ rừng, nhưng gỗ lậu vẫn được chuyển về đồng bằng bằng nhiều cách. Trong ảnh, lực lượng CSGT đường thủy bắt gỗ lậu trên sông Thu Bồn.

“Ngoài xử lý nghiêm các đối tượng phá rừng, Chi cục Kiểm lâm sẽ tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị và Kiểm lâm địa bàn, cán bộ quản lý bảo vệ rừng để xảy ra các vụ việc vi phạm nêu trên. Đặc biệt là vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn, hiện Công an huyện Đông Giang đang hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ án” - Chi cục Kiểm lâm cương quyết.

Mới đây nhất liên quan đến vụ phá rừng phòng hộ Tiên Lãnh, UBND tỉnh, Sở NNPTNT tỉnh đã xử lý hàng loạt lãnh đạo, cán bộ ngành Kiểm lâm. Theo đó, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam bị kỷ luật với hình thức khiển trách cả về Đảng và chính quyền. Tiếp đến là ông Huỳnh Ngọc Tân - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam bị kỷ luật cách chức Chi ủy viên Chi bộ Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam, cách chức Hạt phó và nhiều cán bộ khác.

Liên quan đến rừng phòng hộ Sông Kôn, qua kiểm tra phát hiện 33 gốc cây bị chặt hạ, trong đó có 28 gốc thuộc địa bàn xã Tà Lu, 5 gốc thuộc địa bàn xã Zà Hung theo địa giới hành chính. Theo lâm phận quản lý, có 12 gốc thuộc UBND xã Tà Lu quản lý, 21 gốc thuộc lâm phận Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn.

Ước tính khối lượng gỗ thiệt hại là 45,6m3, gỗ từ nhóm III đến nhóm VII;  một số gỗ đã vận chuyển khỏi hiện trường; số gỗ còn tại hiện trường gồm 5 lóng gỗ tròn và 1 cây gỗ chưa cưa xẻ, khối lượng 10,852m3; 8 phách gỗ xẻ, khối lượng 2,299m3.

Qua điều tra của lực lượng công an, đến nay đã phát hiện được 5 đối tượng khai nhận hành vi khai thác một số gốc trong số 33 gốc chặt hạ ở khu vực trên, gồm: Ông Vũ Văn Trứng và ông Vũ Văn Cưng (cả hai cùng trú tại xã Jơ Ngây); ông Nguyễn Hồng, ông Bhnướch Hồng và ông A Ting Bnóc (cả ba cùng trú xã A Ting, huyện Đông Giang).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem