Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson có phá vỡ được bế tắc Brexit?
Boris Johnson là ai?
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson
Boris Johnson tên đầy đủ là Alexander Boris de Pfeffel Johnson, người đã nổi lên trên chính trường Anh khi ông giữ chức Thị trưởng London nhiệm kỳ 2008 đến 2016.
Boris Johnson sinh ra ở New York, trong một gia đình có mối liên hệ mật thiết với giới quý tộc Anh từ thời vua George II. Ông từng có cả hai quốc tịch Mỹ và Anh và có tham vọng trở thành “ông vua của thế giới”. Thời niên thiếu, Boris theo học trường tư thục Eton College danh tiếng trước khi tốt nghiệp đại học Oxford và khởi đầu sự nghiệp với nghề nhà báo. Sau khi bị sa thải vì nghi vấn bịa đặt một câu trích dẫn liên quan đến vua Edward II, ông đặt chân vào chính trường, trở thành một chính trị gia và sau đó là thị trưởng London.
Sau khi cựu Thủ tướng David Cameron từ chức sau kết quả trưng cầu dân ý Brexit vào tháng 6.2016, Boris Johnson được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong chính quyền của bà Theresa May, nhưng ông đã từ chức năm 2018 để phản đối các chủ trương của bà May với Brexit.
Sau 3 lần bị Quốc hội bác bỏ các thỏa thuận Brexit, bà Theresa May chính thức tuyên bố từ chức Thủ tướng Anh. Hôm 23.7 qua, sau vòng tranh cử cuối cùng, ông Boris Johnson giành chiến thắng thuyết phục trước các ứng viên khác, trở thành chủ nhân tiếp theo của Dinh Thủ tướng. Sau khi hàng loạt quan chức cấp cao dẫn đầu là Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond tuyên bố sẽ từ chức một khi Boris Johnson nắm quyền Thủ tướng, ông Johnson nhiều khả năng sẽ tái cơ cấu lại chính quyền của mình.
Boris Johnson và những tranh cãi không hồi kết
Ngay từ khi còn là một nhà báo, sự nghiệp đầy tranh cãi của Boris Johnson đã gây chú ý. Năm 2002, ông bị buộc tội “phân biệt chủng tộc” sau một bài báo viết về chuyến đi của Thủ tướng Anh tới Cộng hòa dân chủ Congo. Nhiều năm sau đó, Boris vẫn liên tục đưa ra những bình luận gây tranh cãi về vấn đề này, dù cho ông đã đưa ra lời xin lỗi gần đây.
Nhiều nhà phân tích nhận định Boris Johnson không xứng đáng nắm quyền Thủ tướng sau loạt phát ngôn gây tranh cãi. Ông từng mô tả phụ nữ Hồi giáo mặc trang phục burkas như những “hộp thư di động”, hay nhận xét bà Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton như một “y tá trong bệnh viện tâm thần”, và cho rằng nên miễn nhiệm Donald Trump trước khi ông này lên làm Tổng thống Mỹ năm 2016.
Năm 2015, khi ông Trump bày tỏ lo lắng một số phần tử tại London đang trở nên cực đoan khiến cảnh sát phải quan ngại, ông Johnson tuyên bố ngược lại rằng “Lý do duy nhất khiến tôi không đến New York là nguy cơ gặp Donald Trump”.
Mới đây nhất, năm 2018, Boris Johnson còn “chen chân” vào cuộc thi viết thơ châm biếm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan. Ông khiến dư luận Anh dậy sóng khi so sánh EU với trùm phát xít Hitler, trong bối cảnh tiến trình Brexit bế tắc và bà Theresa May đang cố đưa ra những thỏa thuận để Anh rời khỏi EU trong trật tự.
Mái tóc vàng rối tung, những phát ngôn tranh cãi, những hành động bất ngờ dường như đã tạo nên “thương hiệu” riêng của Boris Johnson, người được đại đa số cử tri ủng hộ giữ chức Thủ tướng thay thế cho bà Theresa May. Nhiều khả năng, sau khi Boris Johnson lên nắm quyền, Anh sẽ rời khỏi EU cuối tháng 10 này mà không có thỏa thuận nào thông qua.
Boris Johnson có phải thanh kiếm sắc cho Brexit?
Tầm ảnh hưởng của Boris Johnson tăng mạnh sau chiến dịch xe bus chạy khắp nước Anh để tuyên truyền sự cần thiết thực hiện Brexit
Boris Johnson là một trong những chính khách ủng hộ mạnh mẽ việc Anh tách khỏi EU, dù cho nhiều người quan ngại về động lực cực đoan của ông với Brexit. Một số bài báo mà Boris là tác giả từ khi ông chưa bước chân vào chính trường cũng cho thấy quan điểm chống lại EU. Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu sự ủng hộ của Boris Johnson với Brexit là xuất phát từ tham vọng cá nhân hay lợi ích quốc gia?
Boris đã gây tranh cãi lớn khi tuyên bố Anh sẽ rời EU trước hạn chót 31.10, dù cho điều đó đồng nghĩa với việc không có thỏa thuận nào được thông qua. “Rời đi hay là chết” - Boris nhấn mạnh. Nhiều Bộ trưởng Anh sau đó đã tuyên bố từ chức khi Boris lên nắm quyền, vì họ không thể chấp nhận việc Anh rời EU không có trật tự nào. Một sự ra đi đột ngột nhiều khả năng sẽ khiến các doanh nghiệp Anh phải lao đao điều chỉnh lại hoạt động mà không có thời gian chuyển tiếp, nền kinh tế Anh do đó nhiều khả năng sẽ giảm tốc.
Nhưng trước mắt, Boris Johnson sẽ phải đối mặt với một nghị viện đang chia rẽ, với 52% thành viên bỏ phiếu cho Brexit và 48% phản đối, một con số không quá chênh lệch. Boris sẽ phải thuyết phục các nhà lập pháp đồng ý đưa Anh khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, điều dường như càng thêm khó khăn sau tuyên bố từ chức cứng rắn của Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond.
Trên hết, với cương vị Thủ tướng mới, Boris sẽ phải “chữa lành” những tổn thương và chia rẽ của Anh trong 3 năm qua, dù có Brexit hay không. John Penrose, thành viên Đảng bảo thủ, Thành viên Quốc hội Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland nhận định: “Vết thương 3 năm qua vẫn còn nguyên ở đó. Chúng ta không thể cứ giậm chân tại chỗ, chúng ta phải vượt qua nó”.