Tăng thuế VAT và kỷ luật tài khoá

Thứ ba, ngày 22/08/2017 14:42 PM (GMT+7)
Trong dài hạn, việc tăng thuế suất là lợi bất cập hại. Khi người dân hiểu rằng tăng thuế suất để bù đắp thâm hụt ngân sách thì họ cũng tin rằng trong tương lai kinh tế sẽ khó khăn hơn. Đối phó với dự báo này, người dân sẽ “để dành” nhiều hơn để lo cho tương lai...
Bình luận 0

img

Hai hình ảnh đối lập về phân hoá giàu nghèo ở Việt Nam. 

Thuế có ba chức năng: tái phân phối nguồn thu nhập, định hướng tiêu dùng và tạo nguồn thu cho ngân sách.

Bộ Tài chính đang đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng VAT lên 12%, từ mức 10% hiện hữu. Theo những phân tích thực tế thì chúng ta loại trừ hai lý do đầu tiên. Nói cách khác đề xuất tăng thuế suất thuế VAT này nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng ngân sách. Nhiều chuyên gia bày tỏ thái độ không đồng tình với quan điểm này.

Nhưng nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, liệu ngân sách sẽ tăng thêm bao nhiêu, bù đắp được bao nhiêu thâm hụt ngân sách?

Doanh thu thuế được tính bằng tích số giữa thuế suất và cơ sở thuế, tức những hàng hóa, dịch vụ trong danh mục chịu thuế. Từ công thức này, có thể thấy rằng Bộ Tài chính không chỉ có lựa chọn duy nhất là tăng thuế suất khi muốn tăng số thu thuế.

Tăng thuế VAT thêm 20 điểm phần trăm có thể trở thành động cơ khuyến khích hành vi trốn thuế. Ở khía cạnh tiêu dùng, áp lực lên giá cả hàng hóa dịch vụ khiến người nghèo dành nhiều thu nhập hơn cho nhu cầu cơ bản. Số thu thuế tăng lên nhờ tăng thuế suất liệu có bù đắp được sự sụt giảm khi cơ sở thuế bị thu hẹp do tiêu dùng của người dân cho các hàng hoá khác giảm đi. Tác động chính sách thường có độ trễ. Áp lực giá cả có thể cần một khoảng thời gian để người dân điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Sức chịu đựng tới hạn biết đâu chẳng khiến Bộ Tài chính phải điều chỉnh “phép thử” này. Nếu kịch bản này xảy ra thì ngân sách cũng thu được một khoản đáng kể trong ngắn hạn. Theo số liệu của TS. Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, đóng góp của VAT chiếm đến 27,5% tổng thu ngân sách năm 2014.

Tuy nhiên trong dài hạn, việc tăng thuế suất là lợi bất cập hại. Khi người dân hiểu rằng tăng thuế suất để bù đắp thâm hụt ngân sách thì họ cũng tin rằng trong tương lai kinh tế sẽ khó khăn hơn. Đối phó với dự báo này, người dân sẽ “để dành” nhiều hơn để lo cho tương lai. Tình trạng người dân phải dè sẻn tiêu dùng nhiều hơn có thể dẫn nền kinh tế đi đến “nghịch lý của sự tằn tiện” (paradox of thrift) được John Maynard Keynes phát triển. Nhà kinh tế người Anh phát biểu rằng tổng tiết kiệm có thể giảm do nỗ lực tiết kiệm của các cá nhân. Việc gia tăng tiết kiệm nhìn chung có thể gây hại cho nền kinh tế. Tình trạng người dân chủ động tăng tiết kiệm làm giảm tổng cầu, kéo tổng sản lượng và thu nhập giảm và hệ quả là tổng tiết kiệm giảm. Dự báo sụt giảm tổng cầu buộc doanh nghiệp thu hẹp sản xuất (có thể giảm thuế thu nhập doanh nghiệp), giảm lương, sa thải bớt lao động, thất nghiệp tăng.

Chi nhiều hơn thu dẫn đến thâm hụt ngân sách. Nguồn thu của Nhà nước đến từ ba hạng mục chính, gồm thuế-phí, lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và những khoản viện trợ không hoàn lại (chiếm tỷ phần không đáng kể). Giữ vững truyền thống kém hiệu quả, nhiều DNNN không những không đóng góp cho ngân sách, mà còn trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Xem ra, cơ quan tham mưu của Chính phủ dành nhiều quan tâm việc tăng thu trong bối cảnh túi tiền quốc gia thâm thủng, mà chưa chú trọng đến hiệu quả chi tiêu từng đồng bạc thuế.   

Tăng thuế thuận tiện hơn khi các cơ quan giám sát tiếp tục bất lực với tình trạng đầu tư công không hiệu quả. Là sự cồng kềnh của bộ máy ăn lương ngân sách. Chi thường xuyên chiếm đến hơn 70% thu ngân sách. Chưa hết, chỉ tính riêng các tổ chức chính trị-xã hội, theo tính toán của VEPR, mỗi năm tiêu tốn từ 45,7 ngàn tỉ đồng đến 52,7 ngàn tỉ đồng (tương đương 1,7% GDP của cả nước năm 2014). Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng 14 ngàn tỉ đồng. Chỗ thiếu cứ thiếu. Nơi thừa vẫn thừa. Có một thực tế kéo dài là thành tích thu vượt dự toán của ngành thuế mỗi năm tỷ thuận với diễn tiến bội chi.

Năng nhặt đầu vào mà buông lỏng đầu ra là cơ hội lãng phí từng đồng bạc thuế của nhân dân. “Phép thử” VAT thành công sẽ dọn đường cho những sắc thuế khác áp tăng thuế suất.

Bộ Tài chính đề nghị hai phương án tăng mức thuế suất thuế VAT. Phương án 1 tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1.1.2019. Phương án 2 là tăng theo lô trình lên 12% từ ngày 1.1.2019 và 14% từ ngày 1.1.2021. Việc Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 1 dẫu sao cũng có vẻ “khoan sức dân”. Phương án dự phòng tăng 40 điểm phần trăm chắc chắn là sốc hơn rất nhiều so với 20 điểm phần trăm. 

Thượng Tùng (Người Đô Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem