Tăng tốc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch (bài 2): Âu lo với cây lúa, vườn hoa...

Huỳnh Xây Thứ ba, ngày 12/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Sau khi các địa phương vùng ĐBSCL nới lỏng giãn cách xã hội, mặc dù sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn nhưng người dân vẫn lo lắng đủ đường.
Bình luận 0

Trồng hoa "cầm chừng"

Bà Bộ là làng hoa nổi tiếng ở TP.Cần Thơ và là nơi cung ứng hoa kiểng cho nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL. 

Do dịch Covid-19 bùng phát nên tháng 6, tháng 7 âm lịch vừa qua, người dân không thể trồng hoa để bán vào dịp Tết Nguyên đán như những năm trước. Hiện, người dân mới bắt đầu gieo trồng vụ hoa kiểng mới.

Theo người dân, lo dịch bệnh sẽ còn kéo dài, thị trường tiêu thụ vào cuối năm không thuận lợi nên người dân chỉ trồng số lượng ít, giảm đáng kể so với các năm trước. 

Ông Huỳnh Văn Tùng (ngụ phường Long Hòa, quận Bình Thủy), cho hay: "Hiện nay đi lại khó khăn nên đầu ra khó. Bởi thế năm nay ai cũng giảm số lượng hoa kiểng trồng bán tết. Riêng tôi cũng chỉ trồng vài trăm chậu cúc Đài Loan bán cho có mùa xuân thôi".

Tăng tốc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch (bài 2): Âu lo với cây lúa,  vườn hoa... - Ảnh 1.

Người dân ở làng hoa Bà Bộ (TP.Cần Thơ) lo lắng đầu ra cho vụ hoa kiểng bán tết 2022. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo dự báo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô tới đây có khả năng ảnh hưởng đến 60.000ha lúa ở tỉnh ven biển ĐBSCL. Đối với vùng canh tác lúa- tôm, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng cho khoảng 107.400ha.

Ông Lương Tấn Tài (phường Thới An Đông, quận Bình Thủy) thì cho biết, do dịch bệnh nên ông phải ở nhà hơn 2 tháng. Mới đây, được nới lỏng giãn cách từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15, ông mới chuẩn bị đồ đạc ra dọn dẹp vườn để chuẩn bị trồng hoa.

Theo ông Tài, nhiều hộ dân ở địa phương chỉ trồng số lượng ít "cho có lệ" và cũng chỉ vài loại hoa cơ bản kịp bán vào tháng 12 âm lịch, thậm chí một số hộ không trồng vụ mới. 

Các năm trước, ông Tài trồng khoảng 3.000 giỏ cúc Đài Loan và cúc mâm xôi. Tuy nhiên, năm nay ông chỉ trồng 1.500 giỏ cúc Đài Loan, không dám trồng cúc mâm xôi. Ông Tài cho biết, trồng hoa kiểng hiện nay còn ảnh hưởng bởi chi phí tăng cao, giá cây giống đã tăng lên 1.000 đồng/cây (cùng kỳ năm trước là 700 đồng/cây).

Nông dân làng hoa Sa Đéc ở TP.Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) cũng trồng hoa kiểng theo kiểu "cầm chừng". Theo Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, chuẩn bị cho vụ hoa Tết năm 2022, làng hoa Sa Đéc dự kiến xuống giống khoảng 70ha, giảm 40ha so với các năm trước do lo ngại không bán được.

Ngoài lo ngại không bán được vào dịp tết, người dân làng hoa Sa Đéc còn đang gặp khó khăn thiếu nhân công và khó khăn trong việc đi lại. Hơn nữa, tình hình tiêu thụ hoa kiểng vẫn đang gặp nhiều khó khăn, sản lượng bán đi giảm trên 75% so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra.

Theo phóng viên tìm hiểu, bên cạnh việc giảm lượng hoa trồng bán vào dịp tết, người dân còn chủ động trồng xen canh các loại cây công trình, kiểng lá để khi thương lái có nhu cầu thì cung ứng ngay. Đồng thời chủ động tìm kiếm nhiều giống hoa mới nhằm đa dạng hóa nhu cầu thị trường.

Tăng tốc khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch (bài 2): Âu lo với cây lúa, vườn hoa... - Ảnh 3.

Nông dân trồng hoa kiểng theo kiểu “cầm chừng”, lo khó bán. Ảnh: Huỳnh Xây.

Trồng lúa lo chi phí tăng cao, mặn xâm nhập

Nông dân nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang tập trung chăm sóc vụ lúa thu đông. Theo người dân, vụ thu đông này chi phí sản xuất cao do giá phân bón tăng. 

Ông Nguyễn Văn Pha (ở xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) có 1,2ha lúa đã gieo sạ hơn 30 ngày tuổi. Điều ông lo lắng nhất là giá phân bón tăng dẫn đến nguy cơ không có lời khi thu hoạch. 

Ngoài ra, ông cũng lo lắng khi bước vào thu hoạch không được thuận lợi do dịch Covid-19 vẫn còn xuất hiện ở nhiều địa phương.

Theo ông Pha, giá phân tăng từ 50.000 - 100.000 đồng/bao so với vụ lúa hè thu vừa qua và tăng khoảng 40% so với vụ lúa đông xuân trước đó. Cụ thể, phân urê có giá 620.000 - 640.000 đồng/bao (tùy loại), còn phân DAP từ 660.000 - 765.000 đồng/bao, kali từ 590.000 đồng/bao.

Giá thuốc bảo vệ thực vật tuy không tăng mạnh như phân bón nhưng cũng tăng từ 5-10% so với thời điểm đầu năm nay. 

Ngoài ra, nông dân ở tỉnh Hậu Giang sản xuất vụ lúa thu đông còn phải tốn thêm nhiều khoản chi phí khác do canh tác trong điều kiện thời tiết bất lợi. 

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết đã đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT phối hợp có giải pháp hỗ trợ, sao cho bình ổn giá phân bón để giúp nông dân sản xuất lúa giảm chi phí sản xuất.

Mới đây, Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cũng đã phản ánh đến lãnh đạo Bộ NNPTNT cùng các bộ ngành có liên quan, với hy vọng có giải pháp kéo giảm giá phân bón, quản lý giá cả cũng như chất lượng các loại vật tư nông nghiệp nói chung.

Nhiều địa phương ở ĐBSCL cũng đang có kế hoạch chuẩn bị sản xuất lúa đông xuân 2021-2022. Ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, vụ đông xuân tới, toàn tỉnh sẽ xuống giống hơn 283.000ha lúa. Để né hạn mặn vào cuối vụ, người dân sẽ xuống giống sớm.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, vụ đông xuân tới đây, tỉnh Vĩnh Long có kế hoạch gieo trồng 50.000ha lúa, trong đó tập trung xuống giống phần lớn các diện tích trong tháng 10 và 11 tới.

"Đối với vùng sản xuất lúa thường nhiễm mặn, tỉnh sẽ điều chỉnh linh hoạt thời gian xuống giống vụ đông xuân để né rầy" - ông Liêm nói.

Trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và dự báo hạn mặn có khả năng xảy ra gay gắt, nông dân TP.Cần Thơ đã chuẩn bị gieo sạ sớm trên 76.000ha lúa đông xuân.

Hiện ngành nông nghiệp thành phố đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân chuẩn bị nguồn giống và thực hiện các giải pháp giảm chi phí trong sản xuất. 

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem