Tập đoàn Cao su Việt Nam chật vật với các khoản nợ khủng

Quốc Hải Chủ nhật, ngày 16/09/2018 15:21 PM (GMT+7)
Những khoản đầu tư dàn trải và sai lầm từ trong quá khứ khiến Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dù đã được cổ phần hóa và niêm yết trên sàn chứng khoán (sàn UpCOM, mã chứng khoán GVR) nhưng vẫn cực kỳ chật vật vì các khoản nợ “khủng”...
Bình luận 0

img

Tập đoàn Cao su Việt Nam vẫn đang chật vật bởi những khoản đầu tư sai lầm từ quá khứ (Ảnh: IT)

Mới đây nhất, GVR đã công bố báo cáo tài chính giữa niên độ soát xét với nợ phải trả ở mức 28.179 tỷ đồng (ngắn hạn 11.084 tỷ đồng, dài hạn 17.094 tỷ đồng), trong đó có 13.763 tỷ đồng nợ vay. Đây cũng là lần công bố thông tin tình hình tài chính đầu tiên của GVR kể từ khi “ông lớn” này đưa hơn 99,1 triệu cổ phiếu lên sàn UPCoM ngày 21.3.2018.

Lần đầu GVR được... “khám tổng quát”

So với bản cáo bạch trước khi niêm yết được công bố hồi đầu năm 2018, tại báo cáo tài chính giữa niên độ soát xét của GVR đã thể hiện một cách đầy đủ và toàn diện về “sức khỏe” của Tập đoàn.

Cụ thể, tính đến 30.6.2018, tổng tài sản của GVR là 76.608 tỷ đồng (tài sản ngắn hạn 18.246 tỷ đồng, dài hạn 58.361 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu là 48.428 tỷ đồng. Tập đoàn có tổng cộng 105 công ty con và 20 công ty liên kết. Ngoài ra, Tập đoàn còn có 8 văn phòng đại diện gồm 2 văn phòng ở Việt Nam (Hà Nội, Quảng Ninh) và 6 văn phòng ở nước ngoài (Lào, Campuchia, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga và Ukraina).

Mặc dù có cơ cấu đồ sộ nhưng kết quả kinh doanh của nhiều đơn vị trực thuộc Tập đoàn không hiệu quả, nên kết quả kinh doanh hợp nhất của Công ty mẹ khá ảm đạm. Theo báo cáo kết quả kinh doanh được công bố, doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 của GVR chỉ đạt 1.378 tỷ đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm hơn 87% khiến biên lãi gộp tăng từ 20,9% lên 40,6%, nhờ đó lợi nhuận gộp thu về khoảng 560 tỷ đồng.

img

img

Các khoản nợ xấu của GVR tính đến 30.6.2018

Song song đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ cũng giảm mạnh lần lượt 80% và 20,5%, đồng thời lợi nhuận khác cũng giảm từ 967 tỷ đồng xuống chỉ còn 270 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018. Kết quả, GVR chỉ thu về 126,6 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm gần 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ chỉ còn gần 95 tỷ đồng, lãi cơ bản trên cổ phiếu còn... 24 đồng.

Đáng chú ý, tại thời điểm 30.6, nợ phải trả của GVR ở mức 28.179 tỷ đồng trong đó có 13.763 tỷ đồng nợ vay.

Đặc biệt, GVR cũng lần đầu công bố khoản nợ xấu lên đến 1.139 tỷ đồng phát sinh từ các khoản phải thu khách hàng, phải thu về cho vay và phải thu khác khiến Tập đoàn này phải trích lập dự phòng lên đến 550 tỷ đồng cho các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn. Các khoản trích lập dự phòng này được thực hiện theo nguyên tắc: Nợ cần chú ý (trích lập 5%); Nợ dưới tiêu chuẩn (trích lập 20%), Nợ nghi ngờ (trích lập 50%) và Nợ có khả năng mất vốn (trích lập 100%).

img

Khoản đầu tư chứng khoán của GVR (lượng cổ phiếu được sáp nhập từ Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam) cũng đang... lỗ khi giá gốc của lượng cổ phiếu này tính đến 30.6.2018 là khoảng hơn 6,2 tỷ đồng nhưng giá trị hợp lý chỉ khoảng hơn 3,2 tỷ đồng.

Theo phân tích của giới đầu tư, bên cạnh các khoản vay nợ “khủng”, phần lớn gánh nặng của GVR đang phải gánh cho đến thời điểm hiện tại vẫn là do sự sáp nhập với Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam (RFC) từ năm 2015. Cụ thể, tại thời điểm hoàn tất sáp nhập (ngày 30.11.2015), RFC có vốn điều lệ 1.089 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế lên đến 1.735 tỷ đồng. Chưa kể, tại thời điểm sáp nhập, dư nợ cho vay khách hàng của RFC là 1.320 tỷ thì trích lập dự phòng 628 tỷ. Đặc biệt, trong số 263 hợp đồng cho vay với nợ gốc là 1.266 tỷ đồng thì chỉ có 12 hồ sơ với nợ gốc 28 tỷ đồng là trả nợ theo tiến độ, kế hoạch. Còn lại hầu hết đều đã chuyển qua cơ quan điều tra/tòa án, thi hành án để giải quyết.

Tính đến thời điểm hiện tại (kết thúc ngày 30.6.2018), khoản phải thu khó đòi của Công ty Tài chính Cao su vẫn còn gần 990 tỷ đồng với 211 hồ sơ cho vay nhưng GVR dự báo giá trị có thể thu hồi khoảng 554 tỷ đồng.

Vẫn đang điều tra sai phạm của nguyên lãnh đạo GVR

Còn nhớ, hồi cuối năm 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố 5 bị can về tội Cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiệm trọng tại GVR theo điều 65 Bộ Luật Hình sự. Theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, 4 vấn đề nghiêm trọng xảy ra tại một số đơn vị thành viên của GVR đã khiến thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước bao gồm: Đầu tư góp vốn và cho Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Đồng Tháp vay vốn; Đầu tư 600 tỷ vào Công ty Cho thuê Tài chính II (ALCII), thuộc Ngân hàng NN&PTNN (Agribank); Đầu tư dự án trồng cao su tại Campuchia của Công ty CP Cao su Phú Riềng - Kratie và Đầu tư Trung tâm Thương mại  - Khách sạn Majestic tại TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).

img

Hồ sơ liên quan đến các khoản thu khó đòi của Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam tính đến 30.6.2018.

Với dự án góp vốn và cho Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Đồng Tháp vay vốn (được xác định là Công ty sân sau của lãnh đạo Tập đoàn), do Công ty này hoạt động kinh doanh thua lỗ, ngừng hoạt động nên 5 đơn vị gốp vốn (Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Phú Riềng, Công ty Cao su Chư Pah, Công ty Tài chính Cao su và Công ty Cổ phần xây dựng và địa ốc Cao su) chưa thu hồi được số vốn góp 79,494 tỷ đồng. Riêng Tổng công ty Cao su Đồng Nai chưa thu hồi được số tiền cho vay 21,28 tỷ đồng. Hiện vụ án vẫn đang được điều tra mở rộng với ông Lê Quang Thung (nguyên Chủ tịch HĐQT GVR) và một số lãnh đạo công ty trực thuộc.

Với dự án đầu tư 600 tỷ vào Công ty Cho thuê Tài chính II (ALCII), theo hồ sơ thì từ năm 2009, Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam đã ký 6 hợp đồng vay vốn và nhận tiền gửi 600 tỷ đồng của Công ty Tài chính Điện lực, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, Ngân hàng TMCP Hà Nội (sau này sáp nhập vào SHB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội với lãi suất từ 8,35% đến 10,2%. Sau đó, khoản tiền trên được gửi vào ALCII với lãi suất từ 8,6% đến 10,3% để hưởng lãi suất chênh lệch. Tuy nhiên sau đó ALCII mất khả năng thanh toán nợ gốc và nợ lãi. Đến năm 2015, Toà án Nhân dân TP.HCM có bản án phúc thẩm, tuyên ALCII phải thanh toán cho Công ty Tài chính TNHH MTV Cao su Việt Nam với tổng số tiền 1.164,81 tỷ đồng (Gồm 599,5 tỷ đồng tiền gốc, 129,57 tỷ đồng tiền lãi trong hạn và 435,74 tỷ đồng tiền lãi quá hạn).

Tuy nhiên, mới đây nhất (tháng 8.2018) ALCII đã được Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên bố phá sản. Tại thời điểm phá sản, tổng nợ phải thu của ALCII là trên 15.700 tỷ đồng và gần 32.400 USD. Tổng nợ ALCII phải trả cho các chủ nợ và khách hàng là trên 10.160 tỷ đồng và hơn 8,5 triệu USD. Số dư tồn quỹ còn lại của ALCII khoảng 19 tỷ đồng (trong đó có khoảng 10 tỷ đồng ký quỹ).

Riêng hai dự án sai phạm khác được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là dự án đầu tư trồng cao su tại Campuchia của Công ty CP Cao su Phú Riềng - Kratie và Đầu tư Trung tâm Thương mại  - Khách sạn Majestic tại TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), hiện đang được phía Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) theo dõi và củng cố hồ sơ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem