"Te tua" sau dịch Covid-19, một chị gái bỏ Sài Gòn về Lâm Đồng trồng hoa gì mà giờ thành tỷ phú?

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 02/09/2023 05:36 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 khiến công việc làm ăn ở Sài Gòn thất bại, lại lo lắng nhiễm bệnh, chị Diệp Hồng Trang quyết định bỏ về quê ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) để “trú ẩn”. Ở không mãi cũng chán, chị quyết định mày mò trồng lan hồ điệp rồi trở thành tỷ phú lúc nào không hay…
Bình luận 0

Ở cái tuổi 43, chị Diệp Hồng Trang đang sở hữu tới 2 trang trại hoa lan hồ điệp ở huyện Đơn Dương, Đức Trọng (thuộc tỉnh Lâm Đồng) và 1 trang trại ở huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) với lợi nhuận hằng năm tới gần 2 tỷ đồng. Ít ai biết, cách đây gần 4 năm, chị phải  "chật vật" chạy khỏi Sài Gòn vì kinh doanh thất bại do dịch Covid-19.

Te tua sau dịch Covid, chị gái thị thành bỏ Sài Gòn về quê trồng hoa lan, ai dè thành… tỷ phú - Ảnh 1.

Chị Diệp Hồng Trang (áo đen) chia sẻ kinh nghiệm trồng lan hồ điệp theo công nghệ cao. Ảnh: Quốc Hải

Mày mò trồng lan, ai dè thành… tỷ phú

Chị Trang là người ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Tuy nhiên, từ sau khi học hết cấp 2, chị Trang đã "trôi dạt" về Đồng Nai, rồi sau đó lại về Sài Gòn lập nghiệp. Nhờ chịu thương chịu khó, chị cũng dành dụm được của ăn, của để ở mảnh đất Sài Gòn. Thế nhưng, đang ăn nên làm ra thì dịch Covid-19 ập tới khiến công việc của chị trở nên khó khăn hơn.

"Thời điểm cuối năm 2019, dịch Covid-19 bùng phát, công việc làm ăn ảm đạm vì giãn cách xã hội, lại lo lây bệnh nên gia đình tôi quyết định về Lâm Đồng để… trú ẩn", chị Trang cười, nhớ lại.

Về tới huyện Đức Trọng, dịch bệnh Covid-19 cũng lan đến, suốt ngày chỉ ở trong nhà nên chị Trang thấy "cuồng chân". Thêm vào đó với tính ham học hỏi, chị quyết định học thêm gì đó để có thể vực dậy kinh tế gia đình sau dịch. Và trồng lan hồ điệp được chị lựa chọn vì thị trường và sức mua dành cho loại hoa này vẫn rất tốt.

"Sau khi mày mò kỹ thuật trồng lan, trồng thử nghiệm đạt hiệu quả, tôi quyết định đầu tư mở rộng. Thời điểm này, nguồn vốn là rất khó khăn nên tôi quyết định bán căn nhà ở Đồng Nai và thu được 6 tỷ đồng 'đổ' hết vào trồng lan", chị Trang nói.

Ban đầu, chị Trang chỉ đủ tiền làm 1 nhà trồng lan ở huyện Đức Trọng. Sau đó, nhờ hiệu quả của mô hình mang lại, chị tích cóp thêm vốn và tiếp tục mở thêm 2 sào (2.000m2) trồng lan ở huyện Đơn Dương.

Để mở rộng quy mô sản xuất, năm 2021, chị đã tới xã Lương Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) để mua thêm 1ha đất, dựng nhà màng trồng lan hồ điệp, áp dụng công nghệ cao như hệ thống tưới nhỏ giọt, điều khiển tưới qua app trên điện thoại…

"Chưa tính hai trang trại ở Đơn Dương và Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), mỗi năm trang trại ở xã Lương Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) trồng được 2 lứa hoa lan hồ điệp (30 nghìn cây/lứa), lợi nhuận đạt được khoảng 1,8 tỷ đồng/năm", chị Trang tính toán.

Te tua sau dịch Covid, chị gái thị thành bỏ Sài Gòn về quê trồng hoa lan, ai dè thành… tỷ phú - Ảnh 3.

Nhân viên của chị Diệp Hồng Trang đang kiểm tra tình hình phát triển của cây hoa hồ điệp. Ảnh: Quốc Hải

Ngoài trồng hoa lan hồ điệp, mới đây, chị Trang cũng làm thêm nhà lưới (1.000m2) để trồng dưa lưới và trong vụ vừa qua đã đạt được 3,5 tấn dưa, thu về lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng.

"Năng suất dưa lưới chỉ đạt 3,5 tấn/nhà/1.000m2 là chưa đạt như nhiều hộ dân khác, nhưng tôi đang cố gắng học hỏi thêm để tăng năng suất. Ngoài ra, tôi cũng đang cho người làm thêm 3.500m2 nhà lưới để trồng thêm dưa lưới ở trang trại này", chị Trang nói thêm.

Chính sách kêu gọi "bà đỡ" để giúp nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao

Theo tìm hiểu của Dân Việt, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đặt mục tiêu đưa tốc độ tăng giá trị ngành nông nghiệp năm 2023 đạt 4-5%/năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 30-40%/năm, nâng tổng diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 500ha với giá trị sản xuất đạt 700 triệu đồng/ha.

Để thực hiện mục tiêu này, Ninh Thuận ưu tiên thu hút doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, để hỗ trợ người dân tỉnh khác đến làm nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh Ninh Thuận cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng trên địa bàn có chính sách hỗ trợ vay vốn khi các dự án mang tính khả thi cao.

Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động. Trong đó gồm 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản 2 dự án chế biến nông sản.

Trường hợp như chị Diệp Hồng Trang là một điển hình. Do chị Trang là người ở Lâm Đồng, không có hộ khẩu ở Ninh Sơn, nhưng nhờ dự án phát triển hoa lan hồ điệp ứng dụng công nghệ cao của chị rất khả thi nên chị đã "thuyết phục" được Agribank Chi nhánh Ninh Sơn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho vay 2 tỷ đồng.

"Do vốn đầu tư nhà màng và thiết bị trồng lan hồ điệp công nghệ cao khá lớn, trung bình 3,5 tỷ đồng cho 1 nhà màng (1.300m2) nên sau khi đầu tư xây dựng cơ bản xong xuôi, nếu không có sự hỗ trợ từ ngân hàng để tiến hành sản xuất, tôi không có được thành công như hôm nay", chị Trang chia sẻ.

Hiện nay, trang trại trồng hoa lan hồ điệp của chị Diệp Hồng Trang đang đảm bảo công việc thường xuyên cho 5 lao động tại địa bàn xã Lương Sơn với mức lương từ 200-250 nghìn đồng/ngày.

"Tôi đang làm thêm 3.500m2 nhà lưới để trồng thêm dưa lưới, nâng tổng diện tích trồng dưa lưới của trang trại lên 4.500m2 vì mô hình dưa lưới hiện đang rất tiềm năng, đầu ra cũng ổn định", chị Trang nói thêm.

Ông Hoàng Quang Siêu, Giám đốc Agribank Chi nhánh Ninh Sơn khẳng định, ngân hàng luôn sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao để đảm bảo nguồn vốn đầy đủ cho sản xuất, tiêu thụ. Đến nay, nhiều trang trại, nông hộ ở Ninh Sơn đã được Agribank hỗ trợ vốn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đã rất thành công.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem