Tết của du học sinh Việt: Về nhà hay tiếp tục "bám trụ" đất khách?

Thứ hai, ngày 16/01/2023 06:51 AM (GMT+7)
Năm nay là một năm rất đặc biệt, trải qua dịch bệnh thiên tai, qua bao khó khăn, dịp Tết này du học sinh Việt Nam đối diện với hai sự lựa chọn là về nhà hay tiếp tục ở lại.
Bình luận 0

Hạnh phúc khi được trở về

Sau hơn hai năm không thể về nhà, Nguyễn Hoàng Long (21 tuổi, du học sinh, Nhật Bản) trở về Hưng Yên vào ngày 10/1 và sẽ đón tết bên gia đình cho đến hết tháng 2. “Tết luôn là khoảng thời gian quý báu nên mình rất hạnh phúc khi được trở về vào thời điểm này”, anh chàng nói.

Long cho biết, hiện nay tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn và các chuyến bay, thủ tục xuất nhập cảnh khá dễ dàng. Nam sinh chia sẻ “Tết này mình muốn dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè, vì đây là những trải nghiệm không dễ gì có được sau hai năm khủng hoảng vì dịch bệnh. Khoảng thời gian dịch bệnh đã để lại cho mình bài học quý giá về cách trân trọng những mối quan hệ ở hiện tại”.

Tết của du học sinh Việt: Về nhà hay tiếp tục "bám trụ" đất khách? - Ảnh 1.

Nguyễn Hoàng Long (21 tuổi, du học sinh Nhật Bản).

Nguyễn Thùy Linh (19 tuổi, du học sinh Northern Kentucky University, Mỹ) vẫn luôn nhớ nhung hương vị Tết quê nhà. Một phần vì lịch học, một phần do mới nhập học mà năm nay Linh lại càng không thể trở về bay về để đón Tết cùng gia đình. Linh cho biết: “Khi mình sống cách xa gia đình tận hàng trăm ngàn cây số, mỗi lần bay hết 25- 30 tiếng nên bố mẹ rất lo lắng cho mình. Từ khi đi du học, rời xa vòng tay của bố mẹ, mình mới cảm nhận rõ được sự chênh vênh, lạc lõng nơi xứ người. Tủi thân là điều không thể nào tránh khỏi đối với một du học sinh, đặc biệt là vào những dịp lễ Tết như thế này.”

Tết của du học sinh Việt: Về nhà hay tiếp tục "bám trụ" đất khách? - Ảnh 2.

Nguyễn Thùy Linh (19 tuổi, du học sinh Northern Kentucky University, Mỹ).

Tuy mới sang học nhưng Thùy Linh vẫn tiếc nuối khi không được đón Tết cùng gia đình. Linh nói thêm “Tết Nguyên đán dù lệch múi giờ nhưng mình vẫn dậy xem Táo Quân rồi gọi về đón giao thừa cùng gia đình”.

Tết xa quê nhưng không xa cách

Đi du học chính là việc mình phải chấp nhận rời xa quê hương để tự lập nơi xứ người. Ngay từ đầu, các bạn du học sinh đã phải chuẩn bị tâm thế trước mọi khó khăn và thách thức, trong đó có cả việc đón Tết xa nhà.

Trần Quang Minh (20 tuổi, du học sinh University of Dunaújváros, Hungary), năm đầu tiên đón Tết xa nhà, nhiều bỡ ngỡ và sự cô đơn khi nhìn mọi người ở nhà quây quần, tất bật chuẩn bị cho Tết, bạn bè hẹn hò cà phê. Không chỉ có Minh, tất cả các bạn du học sinh khi xa quê đều in dấu hình ảnh Tết Việt Nam.

May mắn của Minh khi luôn có những người bạn đồng hương, mọi người cùng nhau lên kế hoạch để chuẩn bị đi sắm đồ chào đón một năm mới vui vẻ, hạnh phúc hơn.

Tết của du học sinh Việt: Về nhà hay tiếp tục "bám trụ" đất khách? - Ảnh 3.

Trần Quang Minh, 20 tuổi, là du học sinh University of Dunaújváros, Hungary. Tết năm nay, cậu bạn chọn đi khám phá ẩm thực, ăn những món ăn yêu thích tại Hungary.

Cũng chọn ở lại nơi đất khách dịp tết này là Lê Hoàng Tùng (du học sinh Deakin University, Úc). Tùng cho biết giá vé máy bay đắt đỏ cùng với việc mới nhập học đã ngăn bước chân Tùng về nhà. “Lịch học của mình cũng liên tục đến hè nên không có thời gian trống”, nam sinh nói thêm.

Nói về dự định đón Tết, Tùng cho biết: “Tuy một bữa cơm tất niên với đầy đủ những món ăn quen thuộc như bánh chưng, thịt đông dưa hành có lẽ hơi xa xỉ nhưng mình vẫn cùng làm một bữa ăn với những người bạn Việt Nam và chia sẻ niềm vui ngày Tết với những người bạn quốc tế khác nữa”.

Tết của du học sinh Việt: Về nhà hay tiếp tục "bám trụ" đất khách? - Ảnh 4.

Lê Hoàng Tùng (bên trái) là du học sinh Deakin University, Úc. Tùng cho biết chắc chắn không thể không gọi điện về nhà để chung vui cùng với gia đình.

Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết cổ truyền. Dù ở xa trong hoàn cảnh thiếu thốn nhiều điều kiện, nhưng các bạn du học sinh Việt Nam vẫn tìm được những cách riêng để đón Tết ta ở xứ người thật trọn vẹn, ấm áp như đang ở chính quê hương. Đón Tết tại một đất nước khác trong nhiều năm có thể sẽ trở thành thói quen, nhưng trong lòng mỗi du học sinh đâu đó vẫn còn nỗi niềm trăn trở, là sự cô đơn, tủi thân, là những giọt nước mắt khi ai đó nhắc đến hai chữ “Gia đình”.

Thu Phương (svvn.tienphong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem