Tết Đoan Ngọ 2021 tất tần tật những điều cần biết

Diệp Diệp Thứ hai, ngày 14/06/2021 04:29 AM (GMT+7)
Tết Đoan Ngọ đã gắn với tín ngưỡng của cả cộng đồng Việt Nam từ bao đời và trở thành một lễ tết truyền thống đậm nét văn hóa. Mâm cúng Tết Đoan Ngọ đầy đủ sẽ tùy vào điều kiện của mỗi gia đình đình.
Bình luận 0

Tại sao phải cúng Tết Đoan Ngọ 

 Trên Giadinhnet, chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, Tết Đoan Ngọ 2021 rơi vào ngày thứ 2 (14/6 dương lịch). Vào ngày này, gia đình nào chuẩn bị đầy đủ rượu và hoa quả lễ tổ tiên từ sáng sớm. 

Với sự đa dạng văn hóa 3 miền, ngoài hoa quả còn có những món ăn cũng khác nhau. Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc, ngày này, rượu nếp, đặc biệt là rượu nếp cẩm là món phổ biến.

Người ta cho rằng, bộ phận tiêu hoá của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 âm lịch, các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.

Tết Đoan Ngọ 2021 tất tần tật những điều cần biết - Ảnh 1.

Cơm rượu nếp không thể thiếu trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ của cả 3 miền

Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái". Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong ba ngày. 

Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, con trẻ đều có thể ăn loại rượu này.

Khác biệt trong mâmn cỗ cúng Tết Đoan Ngọ 3 miền

Văn hóa Việt Nam đa dạng và phong phú nên tại mỗi miền của đất nước lại có những nét văn hóa đặc trưng riêng trong ngày Tết Đoan Ngọ. Phụ nữ các vùng quê miền Bắc phần lớn đều biết "ngả rượu nếp" và thường tranh thủ dịp này ngả rượu để mang ra phố thị bán, rượu nếp cũng được người dân thành thị ưa chuộng, là thức ăn trong dịp Tết Đoan Ngọ.

Còn ở miền Trung, món không thể thiếu trên mâm cơm cúng là bánh ú tro. Nhà nào cũng mua từ ba bốn chục bánh trở lên để cúng gia tiên và sau đó cả gia đình cùng nhau thưởng thức. Ngoài ra, theo truyền thống của người Nam bộ, thịt vịt cũng là một thứ không thể thiếu cho ngày lễ này trong mâm cỗ diệt sâu bọ.

Như vậy, có thể nói Tết Đoan Ngọ là Tết giữa năm, trước là tưởng nhớ tổ tiên, sau là ước mong chữa bệnh, cầu sức khoẻ. Tết Đoan Ngọ đã gắn với tín ngưỡng của cả cộng đồng Việt Nam từ bao đời và trở thành một lễ tết truyền thống đậm nét văn hóa.

Tết Đoan Ngọ 2021 tất tần tật những điều cần biết - Ảnh 2.

Cúng Tết Đoan Ngọ (Đoan là khởi đầu, ngọ là từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều), lý tưởng nhất là cúng đúng giờ ngọ từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều ngày mùng 5 tháng 5.

Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ bao gồm 2 phần là lễ vật và mâm cỗ. Tùy vào từng địa phương mà phần mâm cỗ sẽ có sự khác nhau về các món ăn.

Lễ vật bao gồm: 

- 1 lọ hoa (có thể là đĩa hoa chùm thập cẩm)

- Vàng mã

- Hương

- 3 hoặc 5 chén nước

- Rượu nếp

- 1 đĩa hoa quả (vải, đào, mận, dưa hấu, xoài...)

- 1 đĩa bánh tro, bánh ú

- 1 bát cơm rượu nếp

- 1 đĩa xôi

- Chè trôi nước (3 hoặc 5 hoặc 7 hoặc 9 bát)

- Đèn cầy

Tết Đoan Ngọ 2021 tất tần tật những điều cần biết - Ảnh 4.

Lễ vật cúng Tết Đoan Ngọ không thể thiếu hoa quả, bánh trái, cơm rượu nếp, rượu…

Mâm cỗ mặn cúng Tết Đoan Ngọ

Mâm cỗ mặn cúng Tết Đoan Ngọ cũng tùy vào điều kiện mỗi gia đình để chuẩn bị. Tuy nhiên, thông thường mâm cỗ sẽ gồm có:

- 1 đĩa thịt vịt

- 1 bát tiết canh vịt

- 1 đĩa giò

- 1 bát canh

- 1 đĩa xào

Đối với người miền Nam sẽ cúng thịt heo quay, thịt vịt quay, còn người miền Bắc và miền Nam thường sẽ cúng thịt vịt luộc. Tùy vào điều kiện mỗi gia đình chuẩn bị nhiều hoặc ít món mặn để cúng gia tiên.

Mâm cỗ chay cúng Tết Đoan Ngọ

Mâm cỗ chay cúng Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 cũng sẽ tùy vào điều kiện của các gia đình để chuẩn bị nhiều món hoặc ít món. Thường sẽ có các món:

- 1 đĩa rau củ luộc

- 1 đĩa giò chay

- 1 đĩa chả chay

- 1 đĩa xào chay

- 1 bát canh rau củ chay

Tết Đoan Ngọ 2021 tất tần tật những điều cần biết - Ảnh 5.

Văn khấn cúng ngày Tết Đoan Ngọ

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)

- Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

- Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy Tổ tiên, Hiển khảo, Hiển tỷ, chư vị Hương linh (nếu bố, mẹ còn sống thì thay bằng Tổ khảo, Tổ Tỷ)

Tín chủ con (chúng con) là: ……………

Ngụ tại: ………………….

Hôm nay là ngày Đoan Ngọ, chúng con sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, hoa đăng, trà quả dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần, cúi xin các Ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ ................, cúi xin các vị thương xót con cháu chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị Tiền chủ, Hậu chủ tại nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, độ cho chúng con thân cung khang thái, bản mệnh bình an. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng bình an thịnh vượng. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật !

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lạy)

Tết Đoan Ngọ 2021 tất tần tật những điều cần biết - Ảnh 6.

Một số việc nên làm trong Tết Đoan Ngọ

Tắm nước lá từ thiên nhiên
Thông thường, vào ngày mùng 5 tháng 5, sau khi đã ăn cơm rượu để giết sâu bọ, mọi người sẽ tắm bằng nước đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre...
Người xưa cho rằng: Tắm lá mùi để mồ hôi toát ra, có cảm giác khoan khoái dễ chịu, thơm tho làm cho con người phấn chấn. Cách tắm này lại trị được cảm mạo bởi lá mùi là vị thuốc nam.
Cầu tự vào ngày Tết Đoan Ngọ
Vạn Pháp Quy Tông của Đạo Gia giờ Tý - Vào giờ Tý ( từ 23 giờ đêm 4/5 âm), ngày mùng 5 tháng 5.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, theo các sách cổ - đặc biệt là cuốn sách phù thuật Vạn Pháp Quy Tông của Đạo gia có nói đến phương pháp cầu tự đặc biệt dùng trong ngày này.
Treo cành xương rồng trên cửa
Đoan Ngọ là thời gian dương khí vượng nhất, muốn cho nhà mình đón được nhiều vượng khí nhất thì bạn có thể treo một nắm cây ngải cứu hoặc một cành xương rồng trên cửa, 2 loại cây này sẽ có tác dụng trừ tà, loại bỏ mọi tà khí. Còn biện pháp tối ưu nhất là bạn sửa sang, quét dọn nhà cửa sạch sẽ một chút.
Nên gội đầu, xông lá thơm
Chống lại cái nóng oi bức của giờ ngọ (ngày hè), mọi người già, trẻ thường đun các loại lá như bưởi, mùi, tía tô, kinh giới, sả, tre... để tắm, xông phòng bệnh cảm mạo.
Đặc biệt, phụ nữ còn gội đầu, mong muốn có một mái tóc đen, mượt, dài. Đây là một phương pháp chữa bệnh của người xưa, giúp cơ thể thải độc, tinh thần thư thái, phấn chấn.
Phóng sinh
Tết Đoan Ngọ 2021 tất tần tật những điều cần biết - Ảnh 7.

Đoan Ngọ cũng là thời điểm thích hợp để bạn làm việc thiện như phóng sinh. Điều này có thể là vì chính bản thân mình hoặc cho người nhà, tu nhân tích đức, quảng kết thiện duyên, phóng sinh là phương pháp loại bỏ ưu buồn, đau khổ hiệu quả nhất.
Mang theo một nắm hương (nhang) bên mình
Mang theo một chút hương trầm theo người trong ngày Tết Đoan Dương. Những nguyên liệu để làm ra hương sẽ là vật hộ thân an toàn, vừa có tác dụng phòng bệnh, vừa có tác dụng trừ tà.

Một số kiêng kỵ trong Tết Đoan Ngọ

 Theo quan niệm xưa, vào dịp Tết Đoan Ngọ, mọi người không nên làm 6 việc này để tránh gặp phải những điều xui xẻo không mong muốn.

Không vứt giày dép lộn xộn

Theo quan niệm xưa, giày dép trong tiếng Hán đồng âm với từ tà (tức tà khí). Vì vậy, giày dép nếu để lộn xôn, lung tung sẽ dễ dẫn tà khí vào nhà. Bạn nên xếp giày dép gọn gàng, để mũi giày dép hướng ra phía ngoài, tránh ảnh hưởng đến đường tài lộc và tình duyên.

Không đi du lịch, đặc biệt là không đi tham quan lăng tẩm, địa đạo

Theo quan niệm, việc đi du lịch vào ngày này sẽ dễ bị hao tổn tiền bạc. Đặc biệt, bạn không nên đi tham quan lăng tẩm, địa đạo hay các khu chiến tích xưa vì đây là những địa điểm chứa năng lượng tiêu cực. Nếu đã lên kế hoạch đi du lịch từ trước và không thể hoãn lại, bạn nên tránh đến những nơi này sau 15h.

Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh chọn phòng đầu tiên hoặc cuối cùng ở hành lang khi ở khách sạn, nhà nghỉ. Theo phong thủy, hai vị trí này dễ hút nguồn năng lượng tiêu cực, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Không mua vật phẩm, đồ lưu niệm có hình thù kỳ quái

Nếu đi du lịch vào ngày Tết Đoan Ngọ và muốn mua đồ lưu niệm, bạn không nên mua các vật phẩm có hình thù kỳ quái, không rõ nguồn gốc, ý nghĩa để tránh rước thêm tà về. Mọi vật đều chứa linh khí. Linh khí tốt có lợi cho con người nhưng linh khí xấu sẽ đem lại những điều không may.

Tránh dừng chân ở nơi âm u

Nếu ra khỏi nhà vào ngày Tết Đoan Ngọ, bạn nên tránh dừng chân ở những nơi âm u, nhiều tà khí như nghĩa trang, nhà tang lễ hay bênh viện. Nguyên nhân là vì sức khỏe của bạn có thể sẽ bị ảnh hưởng không tốt.

Tránh để rơi hay mất tiền

Quan niệm xưa cho rằng việc mất tiền vào dịp Tết Đoan Ngọ sẽ khiến bạn rơi mất tài lộc, tài vận có khả năng đi xuống. Vì thế, bạn nên cẩn thận hơn, tránh làm rơi mất tài sản, tiền bạc vào ngày này.

(Tổng hợp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem