Thái Nguyên: Thạc sỹ quản lý đất đai về mở xưởng đóng giầy, tháng bán vài trăm đôi ngon ơ

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ sáu, ngày 26/01/2024 10:59 AM (GMT+7)
Tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên rồi tiếp tục học lên Thạc sỹ. Tuy nhiên anh Chiến lại không lựa chọn công việc theo lĩnh vực được đào tạo mà về sản xuất máy khoan giếng, rồi chuyển sang mở xưởng đóng giầy dép với mong muốn phát triển công việc lâu dài và tìm kiếm lợi nhuận kinh tế cao.
Bình luận 0

Tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên năm 2014, anh Trần Anh Chiến (SN 1992), xóm Đầu Cầu, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, Tỉnh Thái Nguyên tiếp tục học lên thạc sỹ. Tuy nhiên sau khi cầm tấm bằng thạc sỹ trong tay, anh Chiến lại không theo đuổi lĩnh vực mà mình được đào tạo mà lại rẽ hướng sang sản xuất kinh doanh.

Thái Nguyên: Thạc sỹ quản lý đất đai về mở xưởng đóng giầy, tháng bán vài trăm đôi ngon ơ- Ảnh 1.

Năm 2023, anh Trần Anh Chiến quyết định chuyển hướng sang mở xưởng sản xuất giầy dép. Ảnh: Hà Thanh

"Ban đầu, sau khi học xong Đại học, em về làm xưởng sản xuất cơ khí, sản xuất máy khoan giếng cùng bố, rồi đưa máy khoan đi khoan giếng khắp các tỉnh từ Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu rồi giao máy khắp tận trong Đăk Lăk, Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Đến năm 2015, em tiếp tục học lên Thạc sỹ. Thời điểm đó, cứ cuối tuần em về dưới này học rồi hết ngày chủ nhật lại khăn gói lên Lai Châu khoan giếng. Nhưng rồi, em nhận thấy công việc này không thể phát triển lâu dài nên đã quyết định nghiên cứu, tìm hiểu để chuyển sang lĩnh vực mới", anh Chiến chia sẻ.

Lúc đầu, anh Chiến có ý định sản xuất túi xách và đã mua nhà xưởng nhưng lại thấy công việc này tương đối mất nhiều thời gian mới cho ra được một sản phẩm, nên anh lại quyết định chuyển hướng. Rồi tình cờ xem trên facebook thấy có một bạn người Thái Nguyên mở xưởng sản xuất giầy dép lớn trong Biên Hoà, Đồng Nai nên đã quyết định liên hệ để học nghề.

Thái Nguyên: Thạc sỹ quản lý đất đai về mở xưởng đóng giầy, tháng bán vài trăm đôi ngon ơ- Ảnh 2.

Các mẫu giầy dép hầu hết đều do anh Chiến tự lên ý tưởng thiết kế. Ảnh: Hà Thanh

Sau vài tháng vừa học vừa làm, tháng 8/2023 anh đã quyết định về nhà thành lập xưởng sản xuất giầy dép riêng với 3 – 4 nhân công cùng tham gia. Đến thời điểm này, theo tính toán của anh Chiến, chi phí mở xưởng hết khoảng hơn 1 tỷ đồng, toàn bộ chi phí đều là số tiền anh Chiến tích luỹ được trong quá trình làm việc trước đó.

Khi đến với quyết định thành lập xưởng sản xuất, anh Chiến cũng vấp phải sự ngăn cản của bố mẹ vì sợ con trai vất vả. Tuy nhiên với quyết tâm của tuổi trẻ, anh vẫn quyết định đi theo con đường mà mình đã lựa chọn.

Xưởng của anh Chiến chính thức đi vào hoạt động và đưa sản phẩm ra thị trường từ tháng 11 năm 2023. Đến nay, sau 2 tháng chính thức đi vào hoạt động, xưởng sản xuất giầy dép của anh Chiến đã đưa ra thị trường khoảng 700 – 800 đôi giầy dép các loại với giá bán trên dưới 200.000đ/đôi, mang về lợi nhuận khoảng 30 – 40%/mỗi sản phẩm.

Thái Nguyên: Thạc sỹ quản lý đất đai về mở xưởng đóng giầy, tháng bán vài trăm đôi ngon ơ- Ảnh 3.

Hiện các sản phẩm giầy dép của xưởng sản xuất gia đình anh Chiến có giá bán dao động trên dưới 200.000đ/đôi. Ảnh: Hà Thanh

Hiện nay, xưởng sản xuất của anh Chiến có khoảng 40 mẫu giầy dép các loại (đều là giầy dép nữ), trong đó hầu hết đều được anh tự lên ý tưởng và thiết kế. Ngoài ra có một số mẫu được anh lên mạng tìm hiểu rồi cải tiến cho phù hợp rồi mới tiến hành sản xuất. Toàn bộ nguyên vật liệu để sản xuất giầy dép được anh Chiến nhập từ trong TP.HCM về.

Thái Nguyên: Thạc sỹ quản lý đất đai về mở xưởng đóng giầy, tháng bán vài trăm đôi ngon ơ- Ảnh 4.

Xưởng sản xuất giầy dép của gia đình anh Chiến có nhiều mẫu mã đa dạng. Ảnh: Hà Thanh

Đến nay, đã có nhiều đơn vị đặt hàng sỉ nhưng anh Chiến tạm thời chưa nhận vì muốn có thời gian để thăm dò thị trường và khảo sát đánh giá của người tiêu dùng rồi mới đưa ra số lượng lớn. Do đó, anh vẫn chủ yếu bán lẻ bằng hình thức livestream trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok… Ngoài ra, cũng có nhiều khách hàng đến trực tiếp xưởng sản xuất để mua sản phẩm. Đối tượng lựa chọn để phục vụ sản phẩm của cơ sở anh Chiến là từ 18 – 35 tuổi.

Theo anh Chiến, vì là đơn vị mới nên để cạnh tranh với những cơ sở sản xuất đã có thương hiệu lâu năm, anh cũng gặp phải nhiều khó khăn. Tuy nhiên, anh lựa chọn hướng đi là tập trung vào chất lượng sản phẩm, lựa chọn kỹ lưỡng từ nguyên liệu đầu vào. Với chất liệu tốt, nhưng giá thành bán ra lại thấp hơn những đơn vị khác nên sản phẩm của anh được nhiều người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao về chất lượng.

Hiện, với 2 nhân công trực tiếp tham gia sản xuất, trung bình mỗi ngày nếu làm việc hết công suất có thể sản xuất được từ 70 – 100 đôi giầy dép. Thu nhập của người lao động khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.

Thái Nguyên: Thạc sỹ quản lý đất đai về mở xưởng đóng giầy, tháng bán vài trăm đôi ngon ơ- Ảnh 5.

Hướng kinh doanh của anh Chiến là tập trung vào chất lượng sản phẩm. Ảnh: Hà Thanh

Dự định sang năm 2024, anh Chiến sẽ mở rộng quy mô sản xuất, thuê thêm nhân công sản xuất và livestream bán hàng để đưa ra thị trường số lượng sản phẩm lớn. Khi đó xưởng sản xuất của anh Chiến sẽ sản xuất theo đơn đặt hàng và giao sỉ để tập trung vào công đoạn sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem