Thành công của sê-ri phim “Squid Game” và hiệu ứng kinh tế

20/11/2021 14:36 GMT+7
Sê-ri phim truyền hình Hàn Quốc “Squid Game” (Trò chơi con mực) đang đứng đầu bảng xếp hạng ngày trên nền tảng video trực tuyến Netflix ở tất cả 83 quốc gia bao gồm cả Mỹ và Ấn Độ, thu hút 82 triệu lượt xem trên toàn cầu trong vòng 4 tuần kể từ ngày phát hành 17/9.
Thành công của sê-ri phim “Squid Game” và hiệu ứng kinh tế - Ảnh 1.

Cơn sốt phim “Squid game”

Sê-ri phim truyền hình Hàn Quốc “Squid Game” (Trò chơi con mực) đang đứng đầu bảng xếp hạng ngày trên nền tảng video trực tuyến Netflix ở tất cả 83 quốc gia bao gồm cả Mỹ và Ấn Độ, thu hút 82 triệu lượt xem trên toàn cầu trong vòng 4 tuần kể từ ngày phát hành 17/9. Trang phục, đồ ăn nhẹ và trò chơi “ăn theo” bộ phim đang được ưa chuộng tại nhiều nước, nhiều meme liên quan cũng xuất hiện. Có thể thấy các bộ truyền hình Hàn Quốc đang trở thành hiện tượng văn hóa toàn cầu. Vậy đâu là nguyên nhân một bộ phim về đề tài sinh tồn, phản ánh hiện thực, mâu thuẫn xã hội thông qua trò chơi dân gian truyền thống Hàn Quốc, lại thu hút người xem toàn cầu đến như vậy? Thành công của bộ phim “Trò chơi con mực” một lần nữa khẳng định tính cạnh tranh của nội dung Hàn Quốc (K-content). Sau đây, Nhà bình luận Kim Heon-sik giới thiệu một số góc nhìn liên quan.

Không quá lời khi nói rằng “Squid Game” đang làm điên đảo cả thế giới. Loạt trò chơi dân gian trẻ em như “đèn xanh, đèn đỏ”, “tách kẹo đường dalgona”, “chơi bi”, “trò chơi con mực” nối đuôi nhau hóa đấu trường sinh tử đẫm máu, đã thu hút các bạn trẻ trên toàn cầu. Theo Tạp chí công nghiệp giải trí Variety (Mỹ), “Trò chơi con mực” khiến người dân toàn cầu cảm nhận được sự nhạy cảm, độc đáo của người Hàn Quốc trong việc truyền đạt cảm xúc. Phim cũng phản ánh sự phân biệt giàu-nghèo lên đến cùng cực trong xã hội. Thậm chí, một số thông điệp mang giá trị nhân văn từng xuất hiện trong bộ phim đoạt giải Oscar “Ký sinh trùng” cũng một lần nữa được tái hiện.

Đạo cụ, phục trang trong Squid Game đắt hàng 

Trên thực tế, đi kèm với thành công của bộ phim truyền hình Hàn Quốc là hiệu ứng kinh tế trị giá hàng tỷ USD. Chẳng hạn bộ phim truyền hình “Hậu duệ mặt trời” ra mắt năm 2016 được ước tính đã mang lại hiệu ứng kinh tế hơn 2,5 tỷ USD. Bên cạnh lợi nhuận của nhà sản xuất và ê-kíp thực hiện, các sản phẩm ăn theo được nhiều người săn đón, địa điểm xuất hiện trong phim trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Với trường hợp của “Trò chơi con mực”, trang phục và đồ ăn đang trở thành cơn sốt toàn cầu. Ông Kim Heon-sik cho biết. 

Trước thềm Lễ hội hóa trang Halloween, bộ đồ thể thao màu xanh lá cây của người chơi hay mặt nạ, đồng phục màu hồng của các “tên lính giám sát” trong phim đang rất đắt hàng. Ngoài ra, bộ kít làm kẹo đường dalgona cũng đang được bán với giá 26 USD. Hay đồ nhậu theo kiểu “trò chơi con mực” bằng cách ăn sống mỳ ăn liền ramyeon nhâm nhi với rượu soju như các nhân vật trong phim thay vì nấu chín rồi ăn. Rõ ràng, bộ phim đang tạo ra xu hướng ẩm thực Hàn Quốc K-food mới, giống như bộ phim “Ký sinh trùng” từng tạo nên trào lưu mỳ ăn liền trộn jjapaguri với thịt bò. 

Sức mạnh đằng sau thành công của K-content

Độ “hot” của bộ phim Squid Game cũng được thể hiện qua từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất. Người xem trên thế giới tìm kiếm nhiều về trị giá khoản tiền thưởng 45,6 tỷ won trong phim khi quy đổi sang đồng tiền nước họ. Số tiền này tương đương 38,1 triệu USD, 33 triệu euro, 4,3 tỷ yên Nhật Bản, 246 triệu nhân dân tệ, 28 tỷ rupee Ấn Độ và 868 tỷ đồng Việt Nam. Dù rất khó dự đoán con số chính xác vào thời điểm hiện tại, song “Trò chơi con mực” được kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng kinh tế khổng lồ. Hiện nay, âm nhạc đại chúng Hàn Quốc K-pop với đại diện là nhóm nhạc Đoàn thiếu niên chống đạn (BTS), đạo diễn Bong Joon-ho của bộ phim Ký sinh trùng và bộ phim Squid Game đang “làm mưa làm gió” trên toàn cầu. Vậy tại sao nội dung văn hóa Hàn Quốc lại thu hút người xem đến như vậy? Nhà bình luận Kim Heon-sik lý giải.

Tôi cho rằng phản ứng nhanh nhạy của người Hàn Quốc đối với một vấn đề cụ thể là sức mạnh đằng sau nội dung Hàn Quốc K-content. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn là một cường quốc về kỹ thuật số, chia sẻ kiến thức, thông tin nhanh chóng theo thời gian thực và tổ chức theo ý muốn. Người Hàn rất nhạy bén với các nội dung được ưa chuộng, cũng như thu thập nội dung liên quan và sản xuất nội dung phù hợp để chia sẻ ra thế giới. Thêm vào đó, nội dung Hàn Quốc không chỉ giữ được nét đặc trưng Á Đông mà còn đón nhận văn hóa phương Tây, nhanh chóng xây dựng kế hoạch, sản xuất và phân phối nội dung phù hợp với xu hướng toàn cầu, kết hợp hai nền văn hóa. Đây là những yếu tố tạo ra vị thế khó có thể bắt kịp của nội dung văn hóa Hàn Quốc trong lĩnh vực giải trí.

Những vấn đề tranh cãi xung quanh Netflix

Là người hưởng lợi nhất từ thành công của Squid Game, nền tảng dịch vụ truyền hình OTT lớn nhất thế giới Netflix đã thu hút nhiều thuê bao mới và chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt. “Trò chơi con mực” giúp cổ phiếu của Netflix tăng 10 tỷ USD giá trị vốn hóa chỉ trong hai tuần kể từ khi bộ phim được phát hành, đạt mức cao kỷ lục. Bộ phim có được thành công đáng kinh ngạc song thật đáng tiếc khi nhà sản xuất trong nước không được nhận thêm lợi nhuận do Netflix độc quyền bản quyền và lợi nhuận bổ sung. Ông Kim Heon-sik giải thích.

Netflix sử dụng dịch vụ mạng internet qua nhà cung cấp viễn thông Hàn Quốc SK Broadband. Theo đó, SK đã gửi đơn kiện và yêu cầu Netflix phải trả chi phí phát sinh do lưu lượng truy cập tăng đột biến tại Hàn Quốc trong thời gian qua. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước đã phàn nàn về chính sách “phân biệt đối xử” khi họ phải trả phí sử dụng mạng còn Netflix thì không. Trong cuộc kiểm toán gần đây của Quốc hội Hàn Quốc, Netflix cũng bị chỉ trích vì trốn thuế bằng cách cố tình báo cáo giảm lợi nhuận kinh doanh so với thực tế và chuyển 77% doanh thu tại Hàn Quốc sang trụ sở chính ở nước ngoài dưới dạng tiền hoa hồng.

Cần một hệ thống để duy trì khả năng cạnh tranh của K-content

Dù có các nền tảng cạnh tranh khác song Netflix vẫn là dịch vụ phát trực tuyến được các nhà sáng tạo nội dung Hàn Quốc ưa chuộng nhất. Nền tảng này hiện có hơn 200 triệu người đăng ký, các nhà sản xuất nội dung có thể đăng tải mọi nội dung, thể loại mong muốn mà không cần quan tâm đến việc sản phẩm đó sẽ thành công hay thất bại. Tuy nhiên, việc các nhà sáng tạo nội dung tập trung quá nhiều vào Netflix được cho là sẽ làm suy yếu thị trường nội dung tại Hàn Quốc. 

Trước nguy cơ này, các nhà cung cấp dịch vụ OTT tại Hàn Quốc cần thu hút các nhà sản xuất nội địa bằng các điều khoản hấp dẫn hơn so với các nền tảng nước ngoài như Netflix, đặc biệt là vấn đề bản quyền và phân phối lợi nhuận. Cơn sốt sê-ri phim “Trò chơi con mực” có lẽ sẽ tiếp tục trong một thời gian nữa. Trong bối cảnh dịch COVID-19, thị trường dịch vụ phát trực tuyến toàn cầu phát triển chóng mặt và Hàn Quốc vẫn là một trong những nước đang dẫn đầu xu thế. 

PV
Cùng chuyên mục