Thanh Hóa: Lên núi hái quả "thần dược" bé xíu về bán cho thương lái, bao nhiêu cũng hết nhận "tiền tươi"

Hoài Thu Thứ sáu, ngày 20/08/2021 14:14 PM (GMT+7)
Cứ khoảng từ 5 đến tháng 7 (âm lịch) hàng năm, người dân thôn Trà La, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) lại rủ nhau lên những ngọn đồi quanh thôn hái sim về bán cho thương lái, mỗi ngày lên núi như vậy bà con nơi đây kiếm thêm thu nhập từ 150.000 – 200.000 đồng/ngày.
Bình luận 0

Già trẻ, gái trai í ới nhau lên núi hái sim từ 5h sáng

Người dân thôn Trà La, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) rủ nhau lên núi hái sim.

Từ trung tâm xã Hoằng Xuân, ta tiếp tục đi men theo con đường đê  bờ sông Mã tới thôn Trà La, xã Hoằng Xuân - nơi được xem là nơi xa nhất về phía tây bắc của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và nằm cách biệt hoàn toàn với các thôn khác trong xã. 

Trên khắp các quả núi: Đồng Bằng, núi Bái Thánh, núi Phượng, núi Ổ Gà, núi Đá Bạc...  có rất nhiều sim tự nhiên mọc khắp mọi nơi, xen lẫn trong những cánh rừng và được người dân nơi đây xem như "lộc trời" để bà con kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn.

Thanh Hóa: Dân làng lên núi hái quả dại về bán, bỏ túi vài trăm nghìn đồng mỗi ngày - Ảnh 1.

Sim vào chính vụ người dân thôn Trà La, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa rủ nhau lên rừng hái sim về bán. Ảnh: HT

Khoảng thời gian này, người dân thôn Trà La thức dậy từ lúc 5 giờ sáng người dân trong thôn rủ nhau mang theo túi, làn, giỏ đựng rồi lên núi. 

Theo người dân ở đây, cứ vào đầu tháng 4 âm lịch, sim bắt đầu nở hoa, đậu quả và chín rộ vào khoảng tháng 6. Thời điểm này, người dân trong thôn lại chia thành từng nhóm đi hái sim về bán cho thương lái. Dù chỉ là công việc thời vụ, tranh thủ lúc nông nhàn, thế nhưng mỗi gia đình cũng có thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng mỗi vụ.

Thanh Hóa: Dân làng lên núi hái quả dại về bán, bỏ túi vài trăm nghìn đồng mỗi ngày - Ảnh 2.

Nhiều học sinh cũng tranh thủ nghỉ hè cùng gia đình lên rừng hái sim. Ảnh: HT

Bà Lê Thị Thắng (60 tuổi) ở thôn Trà La, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá lên núi hái sim cho biết, công việc hái sim đã gắn bó với người dân nơi đây từ thủa nhỏ. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên hơn ai hết bà Thắng thuộc như trong lòng bàn tay đường lên núi thế nào và chỗ nào nhiều sim nhất.

"Trong thôn, kể ra cũng có tới vài chục người đi hái sim, mỗi gia đình một vài người đi hái. Nhiều chị em làm công nhân, tranh thủ ngày cuối tuần cũng đi hái sim kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày chỉ vài tiếng đồng hồ buổi sáng, người nào chăm chỉ, nhanh nhẹn có thể hái được 5 - 8kg, thậm chí nhiều hơn", bà Thắng chia sẻ thêm.

Thanh Hóa: Dân làng lên núi hái quả dại về bán, bỏ túi vài trăm nghìn đồng mỗi ngày - Ảnh 3.

Quả sim nhỏ bằng đầu ngón tay, ăn vào có vị ngọt, hơi chát. có tác dụng tốt đối với cơ thể. Ảnh: HT

Cũng theo bà Thắng vài năm trở lại đây, khi người ta biết đến công dụng của quả sim nên tìm mua nhiều, dân làng mới đổ xô đi hái.

Bán 20.000 đồng/kg

Được biết, sim hái về được một số thương lái đến tận thôn thu mua với giá dao động từ 16.000 – 20.000 đồng/kg. Do mùa sim chín rộ chỉ kéo dài trong vòng 1 tháng nên người dân hái được bao nhiêu, thương lái mua hết bấy nhiêu. Bà con thu ngay "tiền tươi" sau mỗi buổi lên rừng nên ai cũng phấn khởi, chịu khó dậy sớm, lên đồi hái sim để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Gần một tháng nay, do đang được nghỉ hè, em Lê Thị Hồng (15 tuổi) thôn Trà La, xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa cũng tranh thủ lên đồi hái sim về bán. Đôi bàn tay vừa thoăn thoắt hái sim em vừa nói: "Em đi hái sim từ lúc 5 giờ sáng, khi nào nắng gắt thì về, mỗi buổi cũng được khoảng 5 kg. Số tiền bán sim em để dành vào năm học mới mua sách vở và đồ dùng học tập".

Thanh Hóa: Dân làng lên núi hái quả dại về bán, bỏ túi vài trăm nghìn đồng mỗi ngày - Ảnh 4.

Để hái được nhiều sim, người dân phải đi một quãng đường núi dài và dốc dưới cái nắng gay gắt. Ảnh: HT

Theo người hái sim nơi đây, muốn hái được nhiều sim phải leo lên tận vùng "bái sim" - nơi sim mọc dày, nhưng nằm trên đỉnh núi. Song lên được đến nơi cũng khá xa và vất vả, không có đường đi, núi dốc, lại dễ bị ong rừng đốt nên chỉ một số người khỏe mạnh, nhanh nhẹn và có kinh nghiệm mới đủ sức leo lên. Còn những người lớn tuổi và học sinh thường hái ở các bụi nằm rải rác ở vùng thấp ven chân núi.

Là một người có nhiều kinh nghiệm trong "nghề" bà Lê Thị Chuyên cho biết: "Công việc này đòi hỏi phải leo lên những quả núi dốc trong cái nắng gay gắt. Đặc biệt, bây giờ người đi hái rất đông, để hái được nhiều phải leo cao và đi xa, rất vất vả. Thế nhưng, nếu chỉ trông chờ vào 2 vụ lúa cũng không đủ ăn nên phải tranh thủ vào vụ sim cố gắng kiếm thêm thu nhập".

Thanh Hóa: Dân làng lên núi hái quả dại về bán, bỏ túi vài trăm nghìn đồng mỗi ngày - Ảnh 5.

Hết buổi, bà con mang sim về bán cho thương lái với giá từ 16.000-20.000 đồng/kg. Ảnh: HT

Quả sim nhỏ bằng đầu ngón tay, ăn vào có vị ngọt, hơi chát... Theo đông y, quả sim có tác dụng hành huyết, chỉ huyết, bổ huyết, hoạt lạc, thường dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, thiếu máu do mất máu, thiếu máu do thai nghén, người yếu mệt sau khi có bệnh, suy nhược thần kinh, ù tai, di tinh.

Quả sim chín được sử dụng để ngâm rượu, hoặc phơi khô sắc uống. Mấy năm gần đây, nhu cầu sử dụng quả sim tăng cao, nhiều người dân tận dụng thời gian rảnh rỗi, đổ xô lên rừng hái sim để bán.

Hiện xã Hoằng Xuân có hộ gia đình sản xuất rượu sim rừng quy mô lớn với tên gọi rượu sim rừng Bảo An. Trong đó, nguồn nguyên liệu để sản xuất loại rượu này chính là sim rừng ở thôn Trà La. Sản phẩm này được địa phương lựa chọn tham gia chương trình OCOP của tỉnh Thanh Hóa năm 2021 và đã được xếp hạng 3 sao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem