Thanh Hóa: Ở xã miền núi xa xôi có tới 2 sản phẩm lâm nghiệp OCOP

Lê Đồng Thứ hai, ngày 19/10/2020 14:48 PM (GMT+7)
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành công bước đầu, nhưng vẫn có nhiều xã, thậm chí nhiều huyện chưa có sản phẩm nào được công nhận. Tuy nhiên, riêng xã miền núi Bình Sơn (huyện Triệu Sơn) lại có tới 2 sản phẩm lâm nghiệp được công nhận sản phẩm OCOP.
Bình luận 0

Nhạy bén trong phát triển thị trường

Cách thị trấn huyện Triệu Sơn gần 30km về phía tây, xã Bình Sơn giáp 2 huyện miền núi là Thường Xuân và Như Thanh, có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn. Nhiều người còn chưa biết là huyện đồng bằng Triệu Sơn lại có địa phương được công nhận xã 135 từ hàng chục năm qua với những dãy núi trùng điệp, những quả đồi bát úp chạy dài.

Đó chính là tiềm năng để nhân dân địa phương phát triển cây chè, các loại cây dược liệu và lâm sản. Từ những sản vật ấy, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã năng động trong việc liên kết với chủ đồi rừng thành những vùng sản xuất tập trung, theo hướng sản xuất nông sản an toàn, đồng thời tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Nông sản Bình Sơn vào OCOP xứ Thanh - Ảnh 1.

Đến nay, xã Bình Sơn đã phát triển được 350ha chè, mang lại doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm. Ảnh: L.Đ

Hiện nay, sản phẩm chè búp nhãn hiệu "Chè Bình Sơn" và sản phẩm "Mật ong 4 mùa hoa rừng nguyên chất" được nuôi trên đồi chè và rừng địa phương đã được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa. Các loại sản phẩm này từng trưng bày ở nhiều triển lãm trong và ngoài tỉnh, có thị trường rộng mở.

Ông Lê Đình Tú - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn đã dành nửa ngày dẫn chúng tôi lên các ngọn đồi, vào nhà dân ghi nhận quy trình sản xuất. Trên các đồi chè, ông Tú đến từng vạt chè hái búp cùng người dân, trao đổi thêm quy trình chăm bón theo yêu cầu của HTX đã tập huấn.

Chị Cao Thị Hoa - chủ đồi chè tại thôn Đông Tranh trong xã, chia sẻ: "Mọi quy trình sản xuất phải tuân theo khuyến cáo và hướng dẫn của HTX, ngay cả bón phân cũng phải lấy phân hữu cơ từ bã sắn do HTX cung ứng. Mọi khâu chăm sóc, chúng tôi phải tuân thủ để có sản phẩm an toàn, tạo uy tín...".

Sau hơn 2 tiếng sao, vò, rồi sấy, những mẻ chè màu nâu ra lò. Những khâu sơ chế cầu kỳ, tỉ mỉ được bà con thực hiện cho thấy trong cánh chè Bình Sơn có cả những tinh hoa và kinh nghiệm sản xuất của đồng bào Kinh, Mường nơi đây.

Tạo được vị thế cho lâm sản địa phương

Theo nhiều người trồng chè địa phương, những năm trước đây, công nghệ sao chè còn kém, chăm sóc và thu hái không tuân theo quy trình kỹ thuật nào nên chè Bình Sơn chưa được nhiều người biết đến. Chè chỉ được bán theo bao tải, không nhãn hiệu với giá trị kinh tế thấp.

Hiện, tổng diện tích tự nhiên của xã Bình Sơn hơn 1.800ha, trong đó đất lâm nghiệp có khoảng 800ha. Hiện nay, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã liên kết với 30 hộ trồng chè trong xã để hình thành vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 30ha. Chè bảo đảm các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, đã được các cơ quan liên quan chứng nhận. Sản phẩm chè được HTX thu gom, sàng lọc chè vụn, bỏ phần cọng lẫn vào, sau đó đóng gói hút chân không, có logo, nhãn hiệu đăng ký theo tiêu chí OCOP.

Khoảng 5 năm qua, HTX nông lâm nghiệp Bình Sơn đã tiếp nhận nhiều kỹ thuật sản xuất, chế biến mới để truyền đạt cho bà con, phát triển thị trường và dần tạo được vị thế cho cây chè địa phương. Theo ông Tú: "Mấy năm gần đây, HTX chúng tôi đưa ra thị trường khoảng 45 tấn chè khô/năm. Từ khi trở thành sản phẩm OCOP, lượng chè Bình Sơn tiêu thụ ngày càng nhiều, giá chè cao hơn. Chúng tôi đã có hướng liên kết thêm với các hộ để tăng diện tích vùng sản xuất chè sạch nhằm tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường".

Với sản phẩm "Mật ong 4 mùa hoa rừng nguyên chất" ở Bình Sơn, hiện có gần 400 hộ tham gia nuôi ong cho HTX. Để tạo sự khác biệt về chất lượng, mật ở đây phải trên 1 tháng mới quay 1 lần để đủ thời gian lên men tự nhiên của phấn hoa, bảo đảm độ đặc và màu cánh gián. Do đặc thù có hoa chè quanh năm, lại nằm giữa 2 khu rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Sim (huyện Triệu Sơn và Như Thanh) và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đằn (huyện Thường Xuân) nên ong mật ở đây có nguồn hoa bát ngát 4 mùa. Điều đó đã tạo nên đặc trưng của loại mật ong có vị ngọt thanh và mùi thơm riêng.

Năm 2018 vừa qua, HTX đã xuất bán 10 tấn mật, thu về 1,8 tỷ đồng. Năm nay, tại thời điểm tháng 10 này, mặt hàng mật ong đã "cháy hàng", cho dù bán trên thị trường có giá cao hơn mật ong nhiều nơi khác. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem