Thanh Hóa: Trồng cây cảnh bán Tết, nông dân thủ phủ "đào, quất" vừa tuốt lá vừa lo ngay ngáy

Hoài Thu - Hữu Dụng Thứ năm, ngày 23/12/2021 19:01 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 hoành hành, người trồng cây cảnh, trồng đào, quất bán Tết ở xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang vừa vặt lá, tưới nước vừa lo ngay ngáy. Bên cạnh việc chăm sóc cây cảnh, nhiều hộ dân ở đây vẫn đang loay hoay tìm mối bán hàng cây cảnh, đào cảnh, quất cảnh...mong vớt vát được phần nào chi phí đầu tư.
Bình luận 0

Clip: Người dân "thủ phủ" trồng cây cảnh bán Tết, trồng đào, quất xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa thấp thỏm lo vụ Tết Nhâm Dần 2022.

Thủ phủ trồng cây cảnh bán Tết, trồng đào, quất xứ Thanh bận rộn chuẩn bị vụ Tết

Chúng tôi về thăm "thủ phủ" trồng cây cảnh bán Tết, trồng đào, quất cảnh xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vào những ngày trung tuần tháng 11 âm lịch, thời điểm Tết Nguyên Đán 2022 đang đến gần.

Những ngày này, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, những người trồng đào, quất cảnh tại đây ai ai cũng lo hoàn thành nốt những công đoạn cuối cùng như tuốt lá, tỉa cành, gò thế, làm đẹp cho cây trước khi mang đi bán cho khách trưng Tết.

Nông dân "thủ phủ" đào quất xứ Thanh thấp thỏm lo vụ Tết - Ảnh 1.

Người trồng đào, quất cảnh tại xã Hợp Lý (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng chuẩn bị cho vụ Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022. Ảnh: Hoài Thu

Theo người dân địa phương, nghề trồng cây cảnh bán Tết, trồng đào, quất cảnh đã gắn bó với người dân xã Hợp Lý từ lâu, tạo nên thương hiệu trong vùng. Cây quất cảnh trở thành loại cây đóng góp một phần không nhỏ cho tăng trưởng cho phát triển kinh tế của địa phương.

Hiện toàn xã Hợp Lý có hơn 700 hộ trồng hoa, trồng cây cảnh với diện tích khoảng 80ha, trong đó quất chiếm diện tích hơn 37 ha. Chỉ tính riêng 2 loại cây truyền thống là đào, quất, bình quân mỗi năm toàn xã Hợp Lý cung cấp cho thị trường lên tới hơn 50.000 cây.

Nghề trồng cây cảnh, trồng đào, quất cảnh đã đem lại cuộc sống khá giả hơn cho người dân xã Hợp Lý, nhiều gia đình kinh tế phất lên sau một vài năm trúng vụ. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, từ vụ Tết năm ngoái khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số lượng cây cảnh, cây quất, cây đào Tết bán ra đã giảm đáng kể.

Nông dân "thủ phủ" đào quất xứ Thanh thấp thỏm lo vụ Tết - Ảnh 2.

Người dân đánh giá thời tiết năm nay khá thuận lợi cho cây quất phát triển nên cây nào cây nấy đều trĩu quả.. Ảnh: Hữu Dụng.

Có thâm niên nhiều năm trong nghề trồng quất Tết, ông Nguyễn Duy Trí (thôn Đông Thành, xã Hợp Lý) cho biết: "Nghề trồng quất rất vất vả, tốn nhiều công chăm bón nên người trồng phải tâm huyết mới có được cây quất đẹp. Đây là thời điểm quan trọng nhất, hoàn thành những công đoạn cuối cùng quyết định cho chất lượng quả, thế cây".

Bên cạnh đó, người chơi quất cảnh ngày càng khắt khe trong việc đòi hỏi cây quất phải xanh tươi, dù quất tạo thế hay tạo dáng hình tháp thông thường cũng phải đẹp toàn diện: Lá xanh, chồi non, hoa, quả xanh và quả chín. Bởi thế mà những người trồng quất như ông Trí ngoài đầu tư công sức cũng phải có những phương pháp riêng để "vừa mắt" người tiêu dùng.

Nông dân "thủ phủ" đào quất xứ Thanh thấp thỏm lo vụ Tết - Ảnh 3.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thấy thương lái đến thăm mua. Ảnh: Hoài Thu

Nhìn 3 sào quất quả đã bắt đầu chín vàng, ông Trí không khỏi lo lắng: "Vất vả cả năm chỉ trông chờ vào vụ Tết, như mọi năm, cứ vào đầu tháng 11 đã có thương lái đến thăm mua, xe ra xe vào tấp nập. Thế mà năm nay đến giờ cũng mới chỉ có lác đác vài khách đến hỏi nhưng hỏi xong cũng không mua".

Nông dân mong ngóng thương lái mua cây cảnh chơi Tết, mua đào Tết, quất Tết

Còn với gia đình ông Nguyễn Bá Hùng (thôn Đông Thành, xã Hợp Lý), vụ quất năm nay ông đầu tư trồng 5 sào quất với gần 1.000 gốc. Thời tiết năm nay ông đánh giá thuận lợi cho cây quất phát triển nên cây nào cây nấy đều trĩu quả.

Nông dân "thủ phủ" đào quất xứ Thanh thấp thỏm lo vụ Tết - Ảnh 4.

Bên cạnh việc chăm sóc cây, nhiều hộ dân ở đây vẫn đang loay hoay tìm đầu ra cho cây mong vớt vát được phần nào chi phí. Ảnh: Hữu Dụng

Đối với quất thế, mọi năm ông Hùng bán cất với giá từ 300.000 – 500.000 đồng/cây tại ruộng. Còn với những cây quất để lâu năm, uốn bon sai, giá bán có thể gấp 5, gấp 10 lần. Mỗi sào quất cho thu nhập khoảng 150 - 250 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mua giống, phân bón, thuê công nhân... ông thu lãi khoảng 60%.

"Thế nhưng với tình hình dịch bệnh khó lường như hiện nay khả năng quất năm nay cũng chẳng bán được. Chúng tôi đã giảm giá, chỉ mong lấy lại vốn để còn đầu tư vụ sau. Trồng quất thì hại đất, nếu dịch cứ diễn biến phức tạp như này, có muốn chuyển đổi để trồng cây khác cũng không hiệu quả", ông Hùng ngậm ngùi.

Để thích ứng với tình hình chung, nhiều hộ gia đình ở đây cũng đã chủ động giảm số lượng cây trồng xuống nhưng vẫn cảm thấy bất an, thấp thỏm lo lắng về đầu ra.

Nông dân "thủ phủ" đào quất xứ Thanh thấp thỏm lo vụ Tết - Ảnh 5.

Để bán được hàng, nhiều người đã chấp nhận giảm giá sâu, lấy công làm lãi. Ảnh: Hoài Thu

Năm nay, gia đình bà Bùi Thị Huế (thôn Đông Thành, xã Hợp Lý) chỉ trồng hơn 300 gốc đào thế để giảm bớt chi phí đầu tư. Bà Huế lo lắng dịch bệnh đào không thể bán được.

"Năm nay, các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng tăng giá chóng mặt. Trong bối cảnh dịch bệnh, ai cũng phải tiết kiệm hơn trong việc sắm Tết nên chắc chắn chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Nếu không bán được thì đành phải chở ra chợ hoặc sang các xã bên để bán lẻ", bà Huế rầu rĩ.

Để giảm bớt chi phí, thậm chí nhiều hộ gia đình như ông Hùng, bà Huế cũng đã phải lấy công làm lãi. Nhiều nhà những năm trước thuê thêm nhân lực chăm cây thì nay cũng cắt giảm, tự làm tất.

Nông dân "thủ phủ" đào quất xứ Thanh thấp thỏm lo vụ Tết - Ảnh 6.

Nhiều hộ gia đình chủ động giảm số lượng cây cảnh, cây đào Tết, cây quất Tết nhằm hạn chế bớt chi phí đầu tư. Ảnh: Hữu Dụng

Ông Phạm Đình Nam - Chủ tịch UBND xã Hợp Lý cho biết, diện tích đất nông nghiệp của xã Hợp Lý hiện đang triển khai thành 2 khu vực chính, một điểm trồng cây cảnh là trồng cây đào, cây quất, cây hoa giấy… và một điểm trồng cây bóng mát, cây công trình.

Theo định hướng của UBND huyện Triệu Sơn thì xã Hợp Lý sẽ được quy hoạch thành vùng chuyên canh trồng cây cảnh nổi bật của huyện và tỉnh.

"Hai năm nay, do tình hình dịch Covid-19 phức tạp nên số lượng cây cảnh bán Tết giảm đáng kể. Để hỗ trợ bà con, trước mắt xã đã giảm tiền thuê đất và động viên tinh thần mọi người vượt qua khó khăn. Còn về lâu dài, để đảm bảo việc thu mua, bao tiêu cây cảnh thì xã cần thêm định hướng của cấp trên", ông Nam cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem