Thanh long ở nước này bán 400.000 đồng/trái, CEO VIEC hứa sẵn sàng đưa sang khối lượng lớn

Hải Đăng Thứ sáu, ngày 07/01/2022 18:38 PM (GMT+7)
Ông Như Nguyễn - Giám đốc Công ty VIEC cho biết, hiện nay nhu cầu tiêu dùng thanh long tại thị trường Hà Lan rất cao nên các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng để xuất khẩu thanh long đến thị trường này.
Bình luận 0
Giá thanh long ở nước này bán 400.000 đồng/trái, CEO VIEC sẵn sàng đưa sản phẩm của Việt Nam sang ngay - Ảnh 1.

Ông Như Nguyễn - Giám đốc Công ty VIEC cho biết, trái thanh long nói riêng và các sản phẩm nông sản khác của Việt Nam có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Hà Lan. Ảnh chụp màn hình

Nhu cầu tiêu dùng thanh long ở Hà Lan rất cao

Tại Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên thứ 19 với chủ đề "Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long" sáng 6/1, ông Như Nguyễn - Giám đốc Công ty VIEC - Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam cho biết, trong 2 năm qua, khi đại dịch Covid-19 xảy ra tại Hà Lan thì người dân tại quốc gia này nói riêng và người dân châu Âu nói chung đặc biệt quan tâm hơn tới việc bảo vệ sức khỏe thông qua việc tiêu dùng các loại thực phẩm, nhất là các nông sản, trái cây từ châu Á.

Phần lớn các loại nông sản này được coi là "siêu thực phẩm" ở châu Âu. Thanh long đang dần trở thành một mặt hàng như vậy, trong thời gian qua sản phẩm trái cây này trở nên khá gần gũi với người dân tại Hà Lan.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn, việc mua thanh long ở Hà Lan không dễ. Thanh long chủ yếu bán tại các siêu thị châu Á, còn các hệ thống siêu thị thông thường của người bản địa, người dân châu Âu thì gần như không có.

Theo đó, một trái thanh long ruột đỏ cỡ trung bình khoảng 400g (cỡ M) bán tại siêu thị ở Hà Lan có giá 10 EURO (tương đương với 260.000 đồng tiền Việt Nam), size thanh long lớn hơn là 15 EURo 1 trái (khoảng 400.000 đồng). 

Sở dĩ giá thanh long ở đây cao như vậy là do sản phẩm được vận chuyển bằng máy bay và qua nhiều lớp trung gian nên giá thành đã đội lên rất cao.

Trong thời gian có đại dịch, các hệ thống siêu thị ở Hà Lan doanh thu tăng lên khoảng 150% so với trước. Do vậy, các đại lý, nhà cung cấp lớn ở Hà Lan liên tục phải tìm thêm nguồn cung cấp sản phẩm, không chỉ phục vụ cho thị trường tại quốc gia này mà còn cung cấp cho cả các nước châu Âu.

Hà Lan được xem là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nông sản vào châu Âu, đây cũng là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu. 

Ngoài Việt Nam, Hà Lan còn nhập khẩu thanh long từ Trung Quốc, Nam Phi, Ecuador và một số thị trường khác.

Tại Trung Quốc, trái thanh long ruột đỏ được trồng tại đảo Hải Nam, dù diện tích trồng không lớn nhưng do đặc điểm địa lý, thổ nhưỡng ở đây nên sản phẩm này được sản xuất quanh năm cung cấp cho thị trường Hà Lan.

Tại vùng trồng thanh long ở Nam Phi, vụ mùa bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 5 cho 2 loại thanh long ruột đỏ và ruột trắng. Còn thanh long ruột vàng được thu hoạch cung cấp cho thị trường Hà Lan từ tháng 10 và 11.

Giá thanh long ở nước này bán 400.000 đồng/trái, CEO VIEC sẵn sàng đưa sản phẩm của Việt Nam sang ngay - Ảnh 2.

Thu hoạch thanh long xuất khẩu ở Bình Thuận. Ảnh: Phạm Mạnh

Xuất khẩu thanh long vào châu Âu cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn

Chia sẻ kinh nghiệm đưa thanh long vào Hà Lan và châu Âu, Giám đốc Công ty VIEC cho biết, các nước xuất khẩu phải có vùng trồng thanh long đạt tiêu chuẩn, chứng nhận GlobalGAP và đạt tiêu chuẩn của châu Âu (tức là phải theo yêu cầu kiểm nghiệm đạt 510 tiêu chuẩn khác nhau).

Khi sản phẩm thanh long đến được Hà Lan thì các đối tác ở quốc gia này cũng yêu cầu màu đỏ của trái phải chiếm hơn 70%, cuống phải cắt hoàn toàn, và tai không dài quá 1,5cm.

Trước khi đưa hàng mẫu sang cho các đối tác tại Hà Lan kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, ông Nguyễn khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam nên có được chứng nhận từ các tổ chức quốc tế sẽ dễ được chấp nhận hơn ở quốc gia này.

Hiến kế, giải pháp tiêu thụ thanh long cho các doanh nghiệp Việt, CEO VIEC khuyên các đơn vị nên nhắm tới thị trường còn đang bỏ ngỏ của nông sản Việt Nam tại Hà Lan là các hệ thống siêu thị phục vụ đại đa số người dân bản địa tại đây, gồm các siêu thị thông dụng, siêu thị châu Âu.

"Chúng ta thường nghĩ đưa thanh long sang Hà Lan để phục vụ người châu Á nhưng thực tế nhu cầu tiêu dùng thanh long của người bản địa cũng rất cao. Do họ khó mua được thanh long tại các siêu thị thông thường nên thị trường này rất có tiềm năng với sản phẩm của chúng ta", ông Nguyễn nói.

Đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam nên đưa sản phẩm thanh long qua Hà Lan bằng đường biển sẽ kinh tế hơn với thời gian vận chuyển khoảng 35 ngày. "Theo đó các đơn vị xuất khẩu phải có giải pháp bảo quản đảm bảo để sản phẩm đưa lên các kệ siêu thị ở Hà Lan có chất lượng tốt nhất, sẽ tạo uy tín cho sản phẩm của mình tại thị trường khó tính này", ông Nguyễn nói.

Ông Nguyễn cho biết thêm, thị trường Hà Lan rất ưa chuộng size thanh long cỡ 400g (size M), thứ 2 là size L trọng lượng khoảng 600g. 

"Trước mắt các doanh nghiệp của chúng ta xuất khẩu trái thanh long tươi nhưng về lâu dài, các đơn vị phải chú ý bán các mặt hàng đã qua chế biến như thanh long sấy khô, sấy dẻo, tinh bột hoặc cấp đông hoàn toàn sẽ tiềm năng, ít sự cạnh tranh hơn ở Hà Lan cũng như châu Âu", đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam tiết lộ.

Cung cấp thêm thông tin về kinh nghiệm xuất khẩu thanh long của các nước khác vào Hà Lan, ông Nguyễn cho rằng: 80% các nước có đại diện thương mại ở Hà Lan kết nối, giao thương với khách hàng lớn, đưa sản phẩm của họ vào thị trường khó tính này. Bên cạnh đó, các đại diện thương mại này cũng thay mặt các doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế để chào hàng và tăng nhận diện thương hiệu cho sản phẩm, thương hiệu cho cả đất nước.

"Hiện công ty của chúng tôi cũng có năng lực và làm được những việc như trên để giúp đưa thanh long, và trái cây, nông sản khác của Việt Nam vào thị trường Hà Lan cũng như các quốc gia châu Âu khác. Thông qua chúng tôi, khách hàng có thể tiết kiệm được thời gian, chi phí, từ sản xuất tới xuất khẩu... Nếu các doanh nghiệp có nhu cầu hãy liên hệ ngay, chúng tôi hứa sẽ tạo mọi điều kiện đưa sản phẩm của Việt Nam vào thị trường khó tính này nhanh nhất có thể", ông Nguyễn nhấn mạnh.

Cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kiểm dịch thực vật

Ông Lê Văn Thiệt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), cho biết thị trường nhập khẩu chỉ cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản về kiểm dịch thực vật.

Yêu cầu để được cấp mã số vùng trồng (MSVT) bao gồm: diện tích vùng trồng tối thiểu đạt 10 ha trong khu vực gần nhau; thống nhất quy trình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại và sử dụng thuốc BVTV theo quy định của các nước nhập khẩu; có nhật ký canh tác rõ ràng từng khâu tác động lên cây trồng; áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP,...)

Cho đến nay 3.636 MSVT đã được cấp, tương ứng 196.472 ha tại 50/63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó MSVT cho thị trường Trung Quốc đạt 1.991, chiếm 55,4%. Các địa phương đã thu hồi 49 mã số do vi phạm hoặc không sản xuất và hoạt động kinh doanh.

Riêng về MSVT thanh long, tổng số MSVT đạt 640, diện tích đạt hơn 40.000 ha (61,9% diện tích trồng cả nước), chủ yếu xuất sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand. Thị trường Trung Quốc có 247 mã số, chiếm 39,2 % tổng mã số được cấp. Thị trường Hoa Kỳ có 147 mã số, chiếm 23,3%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem