Thanh tra Chính phủ chỉ ra vi phạm trong cổ phần hoá doanh nghiệp đường sắt
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chỉ đạo cổ phần hóa các công ty bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt có quy mô nhỏ, phân tán, và chủ yếu bán cổ phần cho người lao động không đáp ứng được yêu cầu công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường.
Theo Thanh tra Chính phủ, Đường sắt đã xác định giá trị doanh nghiệp không đúng quy định, bao gồm việc trích trước chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định tại Công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội (23,8 tỷ đồng) và Công ty TNHH MTV Đường sắt Sài Gòn (45,8 tỷ đồng).
Trong 26 doanh nghiệp được cổ phần hóa, 20 doanh nghiệp chưa có sự thống nhất về phương án sử dụng đất với UBND các tỉnh, thành phố, nhưng Bộ GTVT vẫn phê duyệt giá trị doanh nghiệp.\
Ngoài ra, còn có 6 doanh nghiệp khác có văn bản gửi địa phương nhưng không nhận được phản hồi cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Theo Thanh tra Chính phủ, các công ty cổ phần sau cổ phần hóa vẫn chưa thống nhất được phương án sử dụng đất, gây khó khăn trong quản lý và vận hành. Bộ GTVT chưa giải quyết triệt để các vướng mắc này.
Kết luận nêu rõ, để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, Tổng công ty đường sắt Việt Nam, các đơn vị thành viên của Tổng công ty đường sắt, Bộ GTVT.
Đối với quản lý và sử dụng đất đai, trước khi cổ phần hóa, Tổng công ty đường sắt Việt Nam quản lý 772 cơ sở nhà đất với tổng diện tích 11,5 triệu m².
Sau cổ phần hóa 26 đơn vị, Tổng công ty giữ lại 630 cơ sở, nhưng chỉ 175 cơ sở được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sử dụng đất. Trong số 142 cơ sở giao cho các công ty cổ phần, chỉ 44 cơ sở được phê duyệt phương án sử dụng đất.
Cụ thể, Cơ sở 551 Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội là ví dụ điển hình. Tại đây, VNR quản lý, sử dụng 158.752m2; CTCP Xe lửa Gia Lâm quản lý, sử dụng 9.838m2 và CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội quản lý, sử dụng 35.283m2. Tuy nhiên, phương án sử dụng đất này chưa được Bộ Tài chính chấp thuận nhưng đã được cổ phần hóa cho hai công ty Xe lửa Gia Lâm và Vận tải đường sắt Hà Nội.
Tháng 8/2023, Tổng công ty đường sắt Việt Nam còn nợ 482,3 tỷ đồng tiền thuê đất. Đáng nói, khu đất này có 2 quy hoạch mâu thuẫn: theo quyết định UBND TP.Hà Nội là phân khu đô thị N10 (yêu cầu di dời), trong khi theo quy hoạch ngành đường sắt, nơi đây tiếp tục được sử dụng làm công nghiệp đường sắt.
Cơ sở 107 Trần Hưng Đạo, Hà Nội (diện tích 2.800m²) chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, vẫn cho thuê trái quy định và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, còn để đất hoang phí.
Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp xem xét, cho điều chỉnh phương án sắp xếp cơ sở nhà đất từ "giữ tiếp tục sử dụng" thành "chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý".
Để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc về Tổng công ty, Bộ GTVT, 26 đơn vị thành viên thực hiện cổ phần hóa.
Khi thực hiện thoái vốn tại 3 doanh nghiệp: Công ty CP Vận tải và Thương mại Đường sắt; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng GTVT; Công ty CP Dịch vụ vận tải đường sắt, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương không phát hành Chứng thư Thẩm định giá mà chỉ lập báo cáo đánh giá khả năng chuyển nhượng.
Giá trị cổ phiếu được xác định dựa trên báo cáo tài chính năm 2012 nhưng quá trình thoái vốn diễn ra vào 2014 - 2015, gây ra tình trạng thiếu cập nhật giá trị thực tế.
Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã chuyển nhượng vốn tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Vật tư Thiết bị Đường sắt và Công ty CP Toa xe Hải Phòng theo hình thức chào bán cạnh tranh mà không tổ chức đấu giá công khai, vi phạm quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP. Bộ GTVT cũng phê duyệt thoái vốn tại các công ty này dù kết quả thẩm định giá đã hết hiệu lực.
Quy định tỷ lệ đặt cọc lên đến 30% giá trị cổ phần đăng ký mua tại một số công ty như Công ty CP Toa xe Hải Phòng là không phù hợp với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Các sai phạm trên thuộc trách nhiệm của Tổng công ty đường sắt, Bộ GTVT, và Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương.